Israel-Palestine sẽ nối lại hợp tác an ninh, dân sự sau 'các cuộc tiếp xúc chính trị' của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. (Nguồn: AP) |
PA đã tạm dừng hợp tác với Israel từ tháng 5, sau khi chính quyền Israel công bố kế hoạch sáp nhập một phần khu vực Bờ Tây chiếm đóng. Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay đã bị đóng băng.
Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh cho biết, quyết định nối lại hợp tác với Israel được đưa ra sau khi Tổng thống Abbas nhận được thư từ Israel cho biết, nước này vẫn duy trì cam kết với các thỏa thuận đã ký với người Palestine.
Theo ông Abbas, đây là một bước đi rất quan trọng và đúng hướng, với sự can thiệp của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác.
Động thái của PA có thể mở đường cho việc chi trả khoảng 3 tỷ Shekel, tương đương 890 triệu USD, tiền thuế mà Israel đang giữ của PA. Israel hiện thu thuế đối với hàng xuất khẩu của Palestine qua các cảng của nước này.
Hiện các nguồn tin Palestine cho biết, hợp tác với Israel được nối lại ngay lập tức, trong khi đó, một quan chức Israel cho biết, đang ở "rất gần" việc xem xét lại sự hợp tác, thông qua việc trao đổi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel với nhà chức trách Palestine.
Tuy nhiên, phong trào Hồi giáo Hamas, kiểm soát khu vực Dải Gaza, đã chỉ trích quyết định này của PA, cho rằng sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực chung của người Palestine phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Liên quan các khu định cư ở Đông Jerusalem, cùng ngày, một quan chức cấp cao của Palestine cho hay, PA sẽ xử lý các công ty hoạt động tại các khu định cư Do Thái ở lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Bộ trưởng Tư pháp của PA Mohammed al-Shalaldeh cho biết, Nội các đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng tư pháp và ngoại giao khởi động các bước đi thực tế liên quan đến việc giải trình và tố tụng pháp lý đối với các công ty này.
Cũng theo ông al-Shalaldeh, quyết định của Palestine được đưa ra dựa trên "sổ đen" Liên hợp quốc (LHQ) công bố hồi tháng 2, gồm các công ty Israel và quốc tế, cũng như các thực thể kinh tế đang hoạt động tại các khu định cư Do Thái.
Trước đó, Đức và Saudi Arabia đã lên tiếng chỉ trích việc nhà chức trách Israel tổ chức mời thầu xây dựng 1.257 đơn vị nhà ở định cư mới tại Đông Jerusalem, cho rằng việc này vi phạm các nghị quyết quốc tế.
Cụ thể, Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức cho rằng đây là "một bước đi gửi tín hiệu sai lầm tại thời điểm sai lầm", trong khi Bộ Ngoại giao Saudi Arabia bày tỏ "quan ngại sâu sắc" và cho hay, "Vương quốc lên án và phản đối động thái vi phạm các nghị quyết quốc tế này".