📞

Sau động thái của IAEA, Iran ra đòn giáng mạnh vào tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân

Việt Hà 08:07 | 10/06/2022
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố, Tehran “sẽ không lùi bước” sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua nghị quyết chỉ trích chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Iran dỡ bỏ 27 camera và thiết bị giám sát khác của IAEA tại các cơ sở hạt nhân của nước này. (Nguồn: Lismore City News)

Truyền thông nhà nước Iran dẫn phát biểu của Tổng thống Raisi khẳng định: “Chúng ta sẽ không lùi dù chỉ một bước trong lập trường của đất nước”.

Bài phát biểu của ông đề cập việc IAEA hôm 8/6 đã thông qua nghị quyết chỉ trích chương trình hạt nhân của Iran, trong đó có việc Tehran không giải thích được về các hạt uranium tại những cơ sở không khai báo. Nghị quyết do các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức đề xuất.

Tehran đáp trả bằng cách dỡ bỏ 27 camera và thiết bị giám sát khác của IAEA tại các cơ sở hạt nhân của Iran, khiến các thanh sát viên không thể theo dõi hoạt động làm giàu uranium của nước này.

Tờ Times of Israel dẫn báo cáo của IAEA sau đó xác nhận: “Ngày 9/6, các thanh sát viên đã dỡ bỏ camera giám sát tại Trung tâm Nghiên cứu Tehran và 2 nhà máy chế tạo thiết bị dành cho máy ly tâm tại Esfahan”.

Báo cáo cũng cho biết, các camera và dữ liệu đã được đặt vào kho bảo quản có niêm phong của IAEA.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho rằng, quyết định của Iran là thách thức nghiêm trọng đối với nỗ lực của tổ chức này, cảnh báo trong 3-4 tuần tới, cơ quan của Liên hợp quốc sẽ không còn khả năng duy trì công tác nắm bắt thông tin về chương trình hạt nhân của Tehran.

Theo ông, “đây sẽ là một đòn giáng mạnh” vào tiến trình đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Phản ứng trước hành động của Iran, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng ngày tuyên bố, quốc gia Hồi giáo cần phải hợp tác với IAEA và cung cấp những thông tin đáng tin cậy về mặt kỹ thuật để hồi đáp những câu hỏi của tổ chức quốc tế này.

Ông Blinken nhấn mạnh, tiến trình đàm phán về thỏa thuận hạt nhân chỉ có thể hoàn tất nếu Tehran từ bỏ những yêu cầu không liên quan JCPOA, khẳng định, nếu không, "hậu quả duy nhất sẽ là một cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng hơn và sự cô lập về kinh tế và chính trị hơn nữa đối với Iran”.

Ba quốc gia châu Âu gồm Pháp, Anh và Đức (E3) cũng lên án việc Iran dỡ bỏ mọi thiết bị giám sát của IAEA lắp đặt theo JCPOA.

Tuyên bố chung của E3 có đoạn: “Những hành động này chỉ khiến cho tình hình trở nên xấu đi và gây khó khăn cho những nỗ lực của chúng tôi nhằm khôi phục tiến trình thực thi đầy đủ JCPOA. Chúng cũng sẽ gây thêm hoài nghi đối với cam kết của Iran về một kết quả thành công”.

(theo Reuters, AFP, Times of Israel)