Thương vụ Việt Nam tại Algeria vừa có công điện cảnh báo lừa đảo khi xuất khẩu sang thị trường này. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Trong công điện gửi các hiệp hội, Thương vụ Việt Nam tại Algeria thông tin, tháng 8/2022, một công ty Việt Nam đã xuất khẩu sang Algeria 5 container hạt điều qua trung gian là một doanh nghiệp đặt tại Nam Phi. Công ty trung gian Nam Phi đã đặt cọc 10% giá trị tiền hàng.
Tuy nhiên, khi hàng đến cảng Mostaganem (Algeria), khách hàng là công ty Eurl ATS Food của Algeria không thể làm thủ tục thông quan vì công ty này bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại từ tháng 6/2022 (danh sách này này không được phía Algeria công bố).
Chủ hàng là doanh nghiệp Việt Nam và hãng tàu đã làm thủ tục đổi người nhận hàng là công ty Eurl Azur Oran (Algeria) theo đề nghị của trung gian tại Nam Phi, song hải quan Algeria không chấp nhận.
Theo hải quan cảng Mostaganem, công ty ATS Food mất năng lực pháp lý để thực hiện các thủ tục như nhập khẩu, đổi doanh nghiệp nhận hàng thay thế hay tái xuất hàng. Theo quy định, hàng hoá nằm tại cảng 4,5 tháng kể từ khi được dỡ khỏi tàu mà không có doanh nghiệp đủ điều kiện nhận hàng thì hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá để sung công quỹ.
Thông tin mà Thương vụ Việt Nam tại Algeria có được, Eurl ATS Food là công ty TNHH quốc tịch Algeria, giấy phép đăng ký kinh doanh số 21B0118597 ngày 29/09/2021. Số vốn đăng ký là 10 000 000,00 DA (tương đương khoảng 74.000 USD). Địa chỉ: Lot n°28 Hai El Naib rue Achir Bouamer local01, Commune de Boutlelis Boutlilis, willaya d'Oran, Algerie. Điện thoại: 00213655463988. Email: eurlatsfood @gmail.com.
Eurl ATS Food hoạt động trong các lĩnh vực nhập khẩu lúa mì, đại mạch, tấm lúa mì, các loại hạt và gạo, nhập khẩu sản phẩm xay xát như bột mì, bột lúa mạch, bột lúa miến, bột gạo và các loại bột khác (tinh bột, gluten, malt).
Để tránh các rủi ro xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam không giao dịch với công ty Eurl ATS Food; đồng thời cần tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi giao dịch như đề nghị cung cấp bản sao giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hộ chiếu trang có ảnh của người đại diện hợp pháp công ty và nhờ các cơ quan chức năng thẩm tra; không nên quá tin tưởng vào công ty môi giới dù làm việc lâu năm và cần kiểm tra thông tin đối tác nhập khẩu.
Nếu tiến tới giao kết hợp đồng thương mại, cần chọn phương thức thanh toán thư tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận hoặc nhờ thu qua ngân hàng (DP, CAD at sight) yêu cầu khách đặt cọc từ 20% trở lên. Do ngân hàng Algeria không cho phép chuyển tiền đặt cọc từ trong nước nên có thể đề nghị khách đặt cọc ngoài Algeria. Người bán nên thỏa thuận, đề nghị khách thanh toán 100% tiền hàng trước khi tàu cập cảng Algeria để chủ động kiểm soát tiền hàng.
Khi hàng đã vào cảng, nếu khách hay ngân hàng Algeria chậm thanh toán 1 tuần, doanh nghiệp cần thông báo ngay cho Thương vụ, Đại sứ quán và các cơ quan hữu quan như Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết kịp thời, tránh tình trạng để hàng kéo dài tại cảng dẫn tới phát sinh chi phí kho bãi, tiền phạt và hải quan sở tại bán đấu giá sung công quỹ.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, vụ việc công ty Việt Nam xuất khẩu 5 container hạt điều đi Algeria mà Thương vụ Việt Nam tại Algeria đề cập trên cũng là một trường hợp lừa đảo xuất khẩu, tương tự như vụ 100 container điều đi Italy khi doanh nghiệp xuất khẩu thông qua đơn vị môi giới mà không nắm rõ thông tin khách mua hàng.
Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin từ phía hải quan Algeria về việc khách hàng nằm trong danh sách doanh nghiệp gian lận thương mại và không thể làm thủ tục nhận hàng, doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng liên hệ các cơ quan chức năng nước sở tại để cung cấp hồ sơ chứng minh chủ hàng hợp pháp. Nhờ đó, hải quan Algeria đã huỷ việc đấu giá sung công quỹ và đang trong quá trình làm thủ tục hoàn trả hàng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Hiệp hội đã gửi thông tin cảnh báo đến các hội viên và khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, khách hàng, đặc biệt là các khách hàng lạ từ các thị trường mới. Với Algeria, đây là một thì trường khá lạ lẫm với doanh nghiệp Việt Nam, và được đánh giá không phải là thị trường có nhu cầu tiêu thụ hạt điều ổn định thường xuyên.
Doanh nghiệp cần thận trọng với các yêu cầu giao dịch và hồ sơ điện tử mà đối tác gửi; nếu không có điều kiện tìm hiểu trực tiếp thì phải tham khảo, đối chiếu thông tin qua các cơ quan như Thương vụ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để tránh các rủi ro lừa đảo.