Campuchia giờ đã bỏ xa chúng ta
…Ít nhất là trong lĩnh vực hợp tác điện ảnh quốc tế. Khi ''Tomb Raider'' với ngôi sao Angelina Jolie đến Campuchia năm 2001, chính phủ nước này, ngay lập tức, đã nhìn ra tiềm năng quảng bá hình ảnh Campuchia ra thế giới. Họ nhanh chóng lập ra Ủy ban Điện ảnh Campuchia (CFC). Dưới sự dẫn dắt của chuyên gia người Pháp Cédric Eloy, Campuchia đã xây dựng được mô hình hợp tác điện ảnh tầm cỡ quốc tế.
Hậu trường phim ''Tom Raider'' quay tại Campuchia. (Ảnh: Karl Larsen) |
Đến năm 2004, khi đạo diễn Jean-Jacques Annaud quay Two Brothers hoàn toàn tại Campuchia thì CFC đã có một chính sách phát triển có lợi cho điện ảnh nước nhà. Theo đó, cơ sở hạ tầng điện ảnh của Campuchia được cải thiện ở mọi cấp độ.
Giờ đây, Campuchia trở thành lựa chọn hàng đầu của điện ảnh thế giới mỗi khi cần đến bối cảnh Đông Nam Á. Campuchia sở hữu một đội ngũ họa sỹ, thiết kế dựng cảnh xuất sắc, được các đạo diễn quốc tế đánh giá cao. Quan trọng nhất là chi phí dựng cảnh ở Campuchia chỉ bằng một phần ba khi so sánh với bất kỳ nơi nào khác.
Angelina Jolie quay phim First, they killed my father. (Ảnh: Karl Larsen) |
Năm 2016, Angelina Jolie quay trở lại Campuchia để thực hiện một bộ phim hoàn toàn bằng tiếng Khmer - First, they killed my father (tạm dịch: Đầu tiên, chúng giết cha tôi). Cô nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính phủ Campuchia, đến mức nhiều đường phố sầm uất ở Battambang bị phong tỏa ngay cả trong những ngày Tết để Jolie được thoải mái quay phim.
Ngày 18/2 vừa qua, First, they killed my father đã có buổi chiếu ra mắt quốc tế ở Siem Reap với sự có mặt của nhiều quan chức, đặc biệt là sự xuất hiện của quốc vương Sihamoni cùng toàn bộ hoàng gia Campuchia.
Nhà sản xuất của bộ phim, Rithy Panh - một trong những ứng viên của giải Oscar năm 2014, trong chiến dịch quảng bá cho bộ phim, đã không quên nói: ''Khi Angelina Jolie đã đến đây làm phim, thì những người khác cũng sẽ đầu tư vào Campuchia''.
Chính sách ưu đãi sản xuất phim (Film Production Incentive) - Lợi thế số 1 của các nước so với Việt Nam
Năm 2015, đạo diễn Charlie Nguyễn, với vai trò là một trong những nhà sản xuất của phim bom tấn Ngọa hổ tàng long 2, đã đề xuất chọn cảnh quay ở Việt Nam. Nhưng khi các nhà đầu tư hỏi ở Việt Nam đã có chính sách ưu đãi cho phim quốc tế hay chưa, thì Charlie Nguyễn ngậm ngùi lắc đầu.
Ngọa hổ tàng long 2 với bối cảnh Trung Hoa cổ, cuối cùng được quay ở… New Zealand, nơi có chính sách ưu đãi sản xuất phim đứng hàng đầu thế giới.
Thậm chí, ba phần kế tiếp của siêu phẩm Avatar do James Cameron đạo diễn, trị giá ít nhất 413 triệu USD, cũng sẽ quay hoàn toàn tại New Zealand, lý do là chính phủ nước này đã cam kết sẽ tăng mức hoàn thuế lên đến 25% cho nhà sản xuất. Buổi họp báo công bố dự án phim này còn có sự tham dự của thủ tướng New Zealand.
Phần 2 phim Avatar quay tại Newzealand. (Nguồn: IMDB) |
Mới đây, tháng 1/2017, Thái Lan cũng đã áp dụng chính sách ưu đãi cho các nhà làm phim quốc tế, cụ thể như hoàn tiền 15% cho những dự án từ 1,5 triệu USD, hoàn tiền bổ sung 3% khi sử dụng diễn viên chính và nhân sự đoàn phim là người Thái, hỗ trợ tiếp 2% kinh phí nếu phim có nội dung quảng bá hình ảnh Thái Lan. Nói vậy để thấy, muốn có một chính sách ưu đãi sản xuất phim, chính phủ cần sự tham mưu của nhiều bộ phận liên quan.
Để không tuột vàng khỏi tay?
Một điều chắc chắn, Kong đến Việt Nam hoàn toàn không vì Film Production Incentive, mà vì bối cảnh tự nhiên quá đắt giá, nếu so với 180 triệu USD sản xuất. Hãng phim Legandary Pictures không cần phải chi tiêu quá nhiều ở Việt Nam khi mọi bối cảnh đẹp nhất, hoành tráng nhất đã bày sẵn trước mắt.
Bối cảnh được xem là tốn kém nhất thì chỉ toàn tre nứa. Chấm hết. Có lẽ chi phí đắt đỏ nhất mà nhà sản xuất phải chi trả là con đường dẫn vào bối cảnh, lại chỉ liên quan đến khâu hậu cần. Con số khoảng 130.000 USD (cho bối cảnh), tương đương 3 tỷ đồng, nếu so với 180 triệu USD tiền sản xuất, thì là rất nhỏ.
Kong - Đảo đầu lâu đã gây bão phòng vé tại Việt Nam, dù ở thị trường quốc tế, thành công của bộ phim này vẫn còn nhiều điều đáng nói. Song ''một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa Xuân". Nếu Việt Nam muốn thành phim trường quốc tế, chúng ta cần khẩn trương hoàn thiện chính sách ưu đãi sản xuất phim, trước khi bị loại hẳn khỏi cuộc chơi "nặng đô" này.