📞

Sau Nga, tới lượt Belarus rút khỏi học thuyết an ninh quan trọng của châu Âu, gửi tín hiệu gì tới phương Tây?

Hải An 06:33 | 06/04/2024
Quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước CFE của Belarus ảnh hưởng đến cán cân quyền lực và an ninh trên toàn khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.
Thông qua quyết định đứng ngoài CFE, Belarus có thể mở rộng năng lực của quân đội nước này. Trong ảnh: Quân đội Belarus diễu hành trong lễ kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến II. (Nguồn: AFP)

Ngày 5/4, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố, nước này sẽ đình chỉ việc tham gia Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), vốn từng là học thuyết an ninh quan trọng của lục địa già.

Tổng thống Lukashenko đã đưa ra dự luật kêu gọi Quốc hội Belarus thông qua nghị quyết đình chỉ tham gia CFE.

Hiệp ước được ký năm 1990 đặt ra giới hạn về số lượng xe tăng, phương tiện chiến đấu, máy bay chiến đấu và pháo hạng nặng có thể được triển khai ở châu Âu. CFE nhằm duy trì thế cân bằng quân sự giữa phương Tây và các quốc gia là thành viên của khối Hiệp ước Warsaw thời Chiến tranh lạnh.

Tuy nhiên, Nga đã rút hoàn toàn khỏi CFE từ năm 2023 và các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ký kết hiệp ước này đã phản ứng bằng cách đình chỉ tham gia. Thông qua quyết định đứng ngoài CFE, Belarus có thể mở rộng năng lực của quân đội nước này.

Nhà phân tích quân sự người Belarus Alexander lý giải: “Quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước CFE của Belarus ảnh hưởng đến cán cân quyền lực và an ninh trên toàn khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, đồng thời gửi tín hiệu đến các nước phương Tây rằng Minsk có ý định trở thành chủ thể quân sự tích cực trong khu vực”.

Belarus sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, cùng với tên lửa và quân đội. Đất nước này đã được Moscow sử dụng làm điểm tập trung đưa quân vào Ukraine, song các lực lượng của Belarus vẫn chưa tham gia cuộc xung đột đến nay đã bước sang năm thứ 3 này.

(theo TASS, AP)