Theo thông tin từ Trung Đông, hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu đến từ nhiều nước và tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều chuyên gia, quan chức trong lĩnh vực ngân hàng cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, dù thiếu vắng nhiều diễn giả cấp cao.
Tuy nhiên, tại hội nghị, Saudi Arabia vẫn đã ký kết 25 thỏa thuận có tổng trị giá 50 tỷ USD trong một loạt lĩnh vực, như dầu mỏ, khí đốt, các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Trafigura, Total, Hyundai, Norinco, Schlumberger, Halliburton và Baker Hughes. Tập đoàn dầu lửa Aramco của Saudi Arabia tuyên bố họ đã ký 15 biên bản ghi nhớ có tổng trị giá 34 tỷ USD.
Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tham dự hội nghị FII, ngày 23/10. (Nguồn: Al Arabiya) |
Báo điện tử Ahram cho biết, Nga đã cử một phái đoàn hùng hậu do người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Kirill Dmitriev làm trưởng đoàn. Theo ông Dmitriev, vụ sát hại nhà báo Khashoggi cần được điều tra và những thủ phạm phải bị trừng trị song xu hướng phát triển kinh tế và cải cách xã hội ở Saudi Arabia là không thể bỏ qua và “xứng đáng nhận được sự ủng hộ”.
Trước đó, giới chức cấp cao các nước Anh, Pháp, Đức và Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, đã quyết định không tham dự hội nghị đầu tư Riyadh sau vụ việc nhà báo Khashoggi bị giết hại tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Đại diện nhiều định chế tài chính lớn và tập đoàn hàng đầu thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), HSBC, JP Morgan Chase, Ford, Uber, hay đại diện nhiều hãng truyền thông quốc tế như Bloomberg, CNN hay Financial Times cũng hủy kế hoạch tham dự sự kiện.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về những rủi ro liên quan đến vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại, vốn đã gây ra làn sóng chỉ trích trên khắp toàn cầu, có thể làm tổn hại đến quan hệ giữa Riyadh với phương Tây. Một số nhà đầu tư cũng bày tỏ rằng họ trông đợi vụ việc nhà báo Khashoggi được làm sáng tỏ trước khi quyết định hợp tác, đầu tư với quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ này.
Mặc dù vậy, theo giới quan sát, việc Saudi Arabia ký kết được nhiều thỏa thuận hợp tác, với sự tham dự của nhiều tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản và Trung Quốc, có thể giúp Riyadh tuyên bố hội nghị đã thu được thành công như mong đợi. Dù bị phương Tây tẩy chay, song về dài hạn sẽ không gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế và hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Saudi Arabia.