Nằm giữa Bán đảo Arab, giáp Jordan, Kuwait và Iraq ở phía Bắc, Oman và Yemen ở phía Nam, Vương quốc Saudi Arabia có diện tích khoảng 2 triệu km2, lớn thứ 2 trong OPEC và thứ 14 trên thế giới.
Từ vương quốc “vàng đen”
Với 17% trữ lượng dầu mỏ đã được kiểm chứng của thế giới và ngành dầu khí chiếm tới 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 70% thu nhập từ xuất khẩu, nơi đây thường được biết đến là thủ phủ của “vàng đen” - dầu mỏ. Mũi khoan vào ngày đầu tháng 3/1938 tại một giếng dầu thuộc sở hữu của người Mỹ ở Dhahran đã thay đổi hoàn toàn con người và chính trị của Saudi Arabia, Trung Đông và toàn thế giới.
Đường ống dẫn dầu khổng lồ chở dầu từ Dhahran, Saudi Arabia, gần nơi dầu được phát hiện đầu tiên ở nước này. (Nguồn: Emory Kristof, National Geographic) |
Có thể nói rằng dầu mỏ là cơ sở của sự thịnh vượng hiện nay tại Saudi Arabia. Trước khi phát hiện dầu mỏ, nền kinh tế Saudi Arabia khá hạn chế, chủ yếu dựa vào doanh thu du lịch từ các cuộc hành hương của các tín đồ Hồi giáo trên thế giới tới hai thánh địa Mecca và Madina, với một phần nhỏ từ nông nghiệp.
Nhờ doanh thu khổng lồ từ dầu mỏ, Saudi Arabia đã từng bước thiết lập cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ cho nền công nghiệp dầu mỏ với nhiều giếng dầu, đường ống, nhà máy lọc dầu và cầu cảng...
Sự bùng nổ giá dầu từ năm 2003 đến năm 2014 đã mang lại cho Saudi Arabia sự tăng trưởng mạnh mẽ, cho phép nền kinh tế Saudi Arabia tăng trưởng 5% hàng năm và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gấp ba lần về quy mô.
Kết quả là, nền kinh tế Saudi Arabia đã tăng từ vị trí thứ 27 trên thế giới vào năm 2003 lên vị trí thứ 19 vào năm 2014 và từ đó đến nay luôn nằm trong nhóm 20 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng Saudi Arabia chỉ biết đến nguồn thu từ dầu mỏ. Riyadh đã khôn khéo sử dụng phần lớn lợi nhuận từ nguồn “vàng đen” cho các quỹ đầu tư, xây dựng và phát triển các ngành kinh doanh, xây dựng, công nghiệp hóa chất, du lịch… trong nước, cũng như đầu tư vào nhiều dự án quốc tế lớn, mua bất động sản và đất đai ở nước ngoài.
Theo thông tin từ swfinstitute.org, Quỹ Đầu tư công của Saudi Arabia hiện đứng thứ 8 trong danh sách các quỹ đầu tư công lớn nhất trên thế giới, với tổng giá trị tài sản đạt gần 400 tỷ USD. Dầu mỏ trước đây chiếm 90% ngân sách của Saudi Arabia, song giờ chỉ còn 62% (2020) do sự phát triển của các ngành kinh tế phi dầu mỏ.
Trụ sở Quỹ đầu tư công Saudi Arabia tại Riyadh. (Nguồn: Omrania) |
… đến “thổi màu xanh vào cát”
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả.
Với Saudi Arabia, dầu mỏ vẫn đóng vai trò thiết yếu. Song khi thế giới liên tục thay đổi, Riyadh không thể đứng yên. Năm 2016, Phó Hoàng Thái tử lúc bấy giờ là Mohammed bin Salman đã đề xướng Kế hoạch “Tầm nhìn 2030”, đưa Saudi Arabia trở thành một quốc gia mạnh mẽ, phát triển và ổn định với một xã hội năng động, nền kinh tế thịnh vượng và quốc gia nỗ lực.
Cuối tháng 3/2021, Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman tiếp tục đề xướng sáng kiến “Saudi Arabia xanh” và “Trung Đông xanh” trong Kế hoạch “Tầm nhìn 2030” với phát biểu thể hiện trách nhiệm của một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới: “Là nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, chúng tôi hoàn toàn nhận thức được một phần trách nhiệm nhằm khẩn trương thúc đẩy chống biến đổi khí hậu. Với vai trò dẫn đầu trong ổn định thị trường năng lượng thời đại dầu khí, chúng tôi sẽ trở thành quốc gia tiên phong trong kỷ nguyên xanh sắp tới”.
Với việc đưa ra các đề xuất xanh và các giải pháp bảo vệ môi trường, Saudi Arabia mong muốn thể hiện vai trò tiên phong trong giải quyết các vấn đề chung toàn cầu. Đồng thời, Riyadh tin tưởng rằng quá trình chống biến đổi khí hậu sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh, khơi gợi sự đổi mới và tạo hàng triệu cơ hội việc làm cho người Saudi.
Một trong những nội dung quan trọng của hai sáng kiến này là trồng 10 tỷ cây xanh tại Saudi Arabia và 40 tỷ cây xanh tại khu vực Trung Đông trong các thập niên sắp tới; phục hồi 200 triệu ha đất bị suy thoái; giảm 2,5% tỷ lệ khí thải carbon toàn cầu; nâng tỷ trọng năng lượng sạch trên tổng sản xuất năng lượng từ 0,3% lên 50% năm 2030…
Ngoài ra, các sáng kiến này còn nhằm bảo tồn môi trường biển và ven biển, tăng tỷ lệ các khu dự trữ thiên nhiên, bảo vệ đất đai, cải thiện quy định sản xuất dầu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Một góc thuộc dự án “Riyadh xanh”. (nguồn: http://www.riyadhgreen.sa/en/) |
Đây không phải lần đầu Saudi Arabia chú ý đến trách nhiệm bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Trước đó, Saudi Arabia đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực này. Nước này đã tái cơ cấu toàn diện ngành môi trường, thành lập Lực lượng An ninh môi trường vào năm 2019, tăng tỷ lệ khu bảo tồn thiên nhiên từ 4% lên hơn 14% diện tích cả nước, tăng 40% tỷ lệ che phủ thực vật trong 4 năm.
Đáng chú ý, Saudi Arabia đạt mức tốt nhất về lượng khí thải carbon trong số các nước sản xuất dầu mỏ, xuất khẩu thành công 40 tấn amoniac xanh, khởi động một trong những dự án sản xuất hydrogen xanh lớn nhất thế giới tại Neom trị giá 5 tỷ USD với công suất khoảng 650 tấn/ngày.
Hành trình chông gai
Nhiều quốc gia và tổ chức hoan nghênh các sáng kiến bảo vệ môi trường đầy tham vọng của Saudi Arabia. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và bảo vệ môi trường cho biết chính phủ Saudi Arabia sẽ phải rất nỗ lực để đạt được mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng sạch trên tổng sản xuất năng lượng từ 0,3% lên 50% năm 2030.
Trên thế giới, hiện chỉ có Iceland và Na Uy đạt mức năng lượng tái tạo chiếm hơn 50% tổng sản xuất năng lượng.
Liên quan đến các dự án “hydrocarbon sạch” với mục tiêu làm nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm hơn, nhà phân tích Valérie Marcel của tổ chức Chatham House (Anh) cho biết kế hoạch có thể bao gồm thu giữ và lưu trữ carbon, cắt giảm rò rỉ khí methane và sử dụng năng lượng tái tạo để khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài ra, mặc dù tham vọng trồng thêm hàng chục tỷ cây xanh của Saudi Arabia được hoan nghênh, nhưng kế hoạch này không dễ thực hiện ở một trong những khu vực khô hạn nhất thế giới. Hiện chỉ 0,5% diện tích Saudi Arabia là rừng và độ che phủ cây cối ở Trung Đông chủ yếu nằm ở bờ biển Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị và kế hoạch rõ ràng cho từng mục tiêu, hy vọng các kế hoạch “thổi màu xanh vào cát” của Saudi Arabia sẽ đạt kết quả khích lệ, góp phần quan trọng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường toàn nhân loại.
“Với vai trò dẫn đầu trong ổn định thị trường năng lượng thời đại dầu khí, chúng tôi sẽ trở thành quốc gia tiên phong trong kỷ nguyên xanh sắp tới”. (Hoàng Thái tử Mohammed Bin Salman) |