📞

Saudi Arabia và OPEC trở lại với vai trò tích cực hơn

22:30 | 01/10/2016
Theo Ngân hàng Goldman Sachs, việc OPEC quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ xuống mức 32,5-33 triệu thùng/ngày không làm thay đổi dự báo giá dầu năm 2017 của họ.

Đó là vì OPEC quyết cắt giảm sản lượng dầu có thể hỗ trợ ngắn hạn cho vấn đề giá cả, nhưng rất có thể sẽ không thay đổi triển vọng nguồn cung nhiều, Ngân hàng Goldman Sachs cho biết.

Goldman lưu ý các nhà đầu tư rằng họ vẫn kiên định với dự báo của mình về giá dầu WTI ở mức 43 USD/thùng vào cuối năm nay và 53USD/ thùng trong năm 2017 trong khi các ngân hàng đầu tư khác thì cắt giảm dự báo.

Các động thái giao dịch dầu của OPEC cần phải được theo dõi sát sao. (Nguồn: CNBC)

Reuters và phương tiện truyền thông khác đưa tin rằng các thành viên OPEC đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu lần đầu tiên kể từ năm 2008. Theo Reuters, các thành viên OPEC sẽ hạn chế sản xuất xuống còn khoảng 32,5 triệu-33 triệu thùng mỗi ngày, giảm nhẹ từ mức 33,2 triệu thùng/ngày hồi tháng Tám.

Phản ứng lại động thái cắt giảm này, giá dầu đã tăng khoảng 5% ở mức giao dịch 46,75 USD/thùng. Nếu không có thỏa thuận này, các nhà phân tích cho biết dầu đã có thể sụt giảm xuống còn 40 USD hoặc thấp hơn.

Goldman ước tính việc này giúp sản lượng dầu của OPEC giảm bớt 480.000-980.000 thùng/ngày so với dự đoán của ngân hàng năm 2017.

"Tuân thủ nghiêm túc và chặt chẽ yêu cầu này trong nửa đầu năm 2017 có thể giúp giá dầu tăng thêm 7-10 USD/thùng", các nhà phân tích cho biết.

Nhưng họ cho biết thêm "việc tuân thủ hạn ngạch rất hiếm khi xảy ra, đặc biệt khi nhu cầu dầu mỏ không phải là yếu".

Goldman cũng lưu ý rằng các rủi ro chính là từ phía các nước không bị áp hạn ngạch, và họ cũng chỉ ra rằng, sản lượng từ Libya và Iraq đã là 180.000 thùng/ngày, cao hơn kỳ vọng của ngân hàng.

Trong khi đó, Societe Generale không nghĩ rằng thỏa thuận trên sẽ ảnh hưởng đến dự toán về giá dầu của họ. Ngân hàng này đang giữ mức dự báo cho dầu Brent ở mức 50 USD/thùng trong quý IV năm nay và 60 USD/thùng trong quý IV năm 2017.

Nhà phân tích Michael Wittner thì cho biết, dù thỏa thuận được đưa ra với mục tiêu cắt giảm sản lượng từ 500.000 - 1 triệu thùng/ngày, nhưng dự kiến ​​lượng cắt thực tế sẽ nhỏ hơn nhiều, thậm chí có khả năng ít hơn 500.000 thùng/ngày.

Nhưng ông cũng nói thêm, thỏa thuận này rõ ràng hỗ trợ giá cả vì nó sẽ làm cho những người tham gia thị trường dầu miễn cưỡng hơn khi duy trì hoặc thiết lập các lập trường quan trọng trong ngắn hạn, hoặc tác động đến những ai đang đánh cược rằng giá dầu sẽ giảm.

Wittner cũng lưu ý ngay cả khi thỏa thuận này không dẫn đến việc cắt giảm sản xuất trên thực tế thì vẫn rất quan trọng vì nó đánh dấu sự trở lại của Saudi Arabia và OPEC trong việc quản lý hoạt động của thị trường sau hai năm cố tình “án binh bất động”.

"Saudi Arabia và OPEC đã quay lại với vai trò tích cực hơn", ông nói. "Điều này có nghĩa là thị trường sẽ có nhiều điều chỉnh ở phía trước và cũng có nghĩa là những vấn đề bất ổn tạo ra bởi Iran, Nigeria, và Libya,…hay bất cứ một bên nào khác cũng có thể được giải quyết".

(the CNBC)