Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 18 vừa bế mạc ngày 10/6 sau hai ngày làm việc tại thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc). Là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của SCO sau khi kết nạp thêm hai thành viên Ấn Độ và Pakistan hồi tháng 6/2017, do đó sự kiện làn này đặc biệt thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Tại SCO năm nay, tình hình bán đảo Triều Tiên, thỏa thuận hạt nhân Iran, xung đột tại Trung Đông tới an ninh khu vực và chủ nghĩa bảo hộ thương mại là những chủ đề trọng tâm được thảo luận.
Tương phản với G7
Diễn ra cùng thời điểm với Hội nghị thượng đỉnh G7, nhưng bầu không khí tại SCO lại cho thấy một sự khác biệt rõ nét. Nếu tại Quebec, G7 kết thúc sớm hơn dự kiến trong tình trạng lộn xộn và không tìm được tiếng nói chung thì SCO được đánh giá là “tràn đầy nhiệt huyết và tham vọng”.
Nhà lãnh đạo các nước tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 18 ngày 10/6. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Ngày 10/6, báo chí Trung Quốc đã đăng tải bình luận miêu tả SCO đã diễn ra trong không khí hòa thuận, thân thiện và đồng lòng chống lại sự bảo hộ. Global Times, ấn phẩm phụ của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định sự khác biệt của SCO so với G7 là: “Có sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng thảo luận, tôn trọng sự đa dạng văn hoá và theo đuổi sự phát triển chung, lặp lại chủ đề của thời đại, trong đó chủ nghĩa đơn phương khó có thể chiếm ưu thế”.
Diễn ra trong hai ngày 9 và 10/6, những gì SCO thể hiện cho thấy đoàn kết vượt trội hơn hẳn so với Hội nghị Thượng đỉnh G7. Tổng thống Nga nhận định, SCO đã phát triển thành tổ chức có sức mạnh và tiềm lực đáng kể với tổng sức mua toàn khối. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, sau 17 năm SCO đã trở thành mô hình hợp tác khu vực lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ, thách thức đang nổi lên, đòi hỏi các thành viên phải có cách nhìn nhận và đánh giá chính xác với xu thế, cục diện của thời đại.
Thành công của SCO được khẳng định bằng việc các bên đã thông qua 17 văn kiện liên quan đến hợp tác chống khủng bố, chiến lược chống ma tuý, liên kết thương mại. Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo các nước cũng khẳng định ủng hộ tiến trình hòa giải các cuộc xung đột ở Afghanistan, Syria, Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA).
SCO thành lập năm 2001 với 6 nước thành viên là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, cùng tiêu chí ban đầu là hợp tác giải quyết các vấn đề biên giới, hợp tác an ninh chống tội phạm xuyên biên giới và chống khủng bố. Đến thời điểm hiện tại, SCO đã trở thành một ví dụ tốt đẹp về hợp tác đa phương với một “tầm nhìn mới” về thế giới công bằng hơn.
“Sân chơi” Trung - Nga
Trước thềm Thượng đỉnh SCO, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyển thăm cấp nhà nước đến Bắc Kinh. Lựa chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống mới, ông Putin đã thể hiện sự coi trọng mối quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động đang cho thấy sự xích lại gần nhau hơn bao giờ hết giữa hai quốc gia.
Có thể thấy, Nga và Trung Quốc ngày càng tăng cường quan hệ và thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền các quốc gia Trung Đông như Iran và Syria vì lợi ích chính trị, an ninh cũng như kinh tế. Iran và Syria được coi là đồng minh của Nga, Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, khi mà cả Moscow và Bắc Kinh đều bị ảnh hưởng trực tiếp hậu quả của khủng bố và hồi giáo thánh chiến.
Trung Quốc và Nga cũng là hai “ông lớn” với mức độ ảnh hưởng sâu rộng nhất tại SCO. Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các nước thành viên cũng phát triển nhanh chóng trong năm 2018. Thương mại với các nước Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan tăng hơn 20% trong quý đầu tiên.
Về phần mình, dù có phần miễn cưỡng chấp nhận sáng kiến “Vành đai và con đường”, Nga cũng đang tìm cách mở rộng đòn bẩy kinh tế và chính trị của mình trong khu vực thông qua Liên minh kinh tế Á - Âu. Nhiều quốc gia ở Trung Á đang có xu hướng “gần gũi” với Moscow nhằm tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi Trung Quốc.
Chính sự đồng thuận, chia sẻ và hợp tác hiệu quả giữa các nước thành viên trong nhiều lĩnh vực là yếu tố góp phần tạo “tiếng vang” cho SCO. Hội nghị SCO đang tiếp tục khẳng định là một hình mẫu cho mối quan hệ quốc tế kiểu mới dựa trên nguyên tắc tin cậy, cùng có lợi, bình đẳng, hiệp thương, tôn trọng văn minh đa dạng và theo đuổi phát triển chung.