Chỉ còn vài ngày nữa, Đại nhạc hội Việt - Nhật với quy mô lớn sẽ diễn ra tại Hà Nội (24/5) và TP. Hồ Chí Minh (26/5), xin Đại sứ cho biết cơ duyên nào mở lối cho sự kiện này và nội dung của chương trình?
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, ông Ryotaro Sugi, Đại sứ Đặc biệt Nhật - Việt, kiêm Đại sứ Hữu nghị Đặc biệt Việt - Nhật sẽ cùng 6 ca sĩ hàng đầu, đó là Godai Natsuko, Akikawa Masafumi, Rimi Natsukawa, Shimatani và ban nhạc Winds. Còn phía Việt Nam sẽ có sự tham dự của các ca sĩ Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Thanh Lam, Hồ Quỳnh Hương, Tấn Minh, Trọng Tấn.
Tôi tin rằng 3.500 chỗ ngồi của Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình tối ngày 24/5 sẽ không còn chỗ trống, điều tương tự cũng sẽ diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh trong đêm 26/5. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và sau đó sẽ được phát sóng trên đài NHK của Nhật Bản. Thông qua chương trình này, một chương trình ca nhạc đặc biệt với những ca sĩ nổi tiếng, khán giả hai nước sẽ có cơ hội thưởng thức và nâng cao kiến thức âm nhạc. Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt - Nhật có một chương trình âm nhạc quy tụ nhiều ca sĩ nổi tiếng của hai nước như vậy. Đây cũng là lần đầu tiên nhiều ca sĩ Việt Nam ra mắt trước công chúng Nhật Bản. Kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường sự hiểu biết, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Đại sứ đã từng xem ca sĩ Việt Nam nào biểu diễn chưa?
Nhà tôi cũng nhiều đĩa DVD và CD của ca sĩ Mỹ Linh. Tôi thích ca sĩ này vì cô có chất giọng rất tốt và phong cách biểu diễn ấn tượng. Ngoài ra, tôi cũng được nghe ca sĩ trẻ Mỹ Tâm, ca sĩ Thanh Lam và Hồ Quỳnh Hương hát rồi, rất tuyệt! Tôi biết, họ là những ca sĩ chuyên nghiệp, được hâm mộ ở Việt Nam.
Hơn 2 tháng trên cương vị Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông đã thích nghi được với cuộc sống nơi đây?
Tôi đã từng sống ở Ấn Độ và Ai Cập, từng quen với cuộc sống tại những nước đang phát triển, nhưng thực sự Việt Nam là một thế giới hoàn toàn khác. Bất cứ điều gì nhìn thấy và nghe thấy đều đem lại cho tôi sự bất ngờ. Rất may cho tôi là tất cả những người mà tôi tiếp xúc hàng ngày đều rất thân thiện, trong một thời gian ngắn tôi đã học được nhiều điều, tôi thực sự cảm thấy cuộc sống tại vùng đất mới thật tốt đẹp và vô cùng hấp dẫn.
Dù mới sang, nhưng lịch làm việc của tôi luôn dày đặc. Tôi đã được gặp gỡ và tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam, làm việc với nhiều Bộ, ngành, được giao lưu với rất nhiều người, nhiều giới khác nhau. Trước khi bước vào nhiệm kỳ này, tôi mới chỉ có một lần đặt chân tới Hà Nội, khi tháp tùng Thủ tướng Abe đến Hà Nội tham dự Hội nghị APEC-14 và thậm chí không có thời gian để đi ngắm đường phố Hà Nội.
Còn tới giờ, tôi đã đi thăm và làm việc ở nhiều nơi như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế, Hội An, Đà Nẵng. Tôi cũng đã đến Vịnh Hạ Long, cảnh quan này thật tuyệt vời. Có người nói Hội An có chút gì đó giống Kyoto cổ kính của Nhật Bản là có cơ sở, vì từ thế kỷ XVII, người Nhật đã tới đây giao lưu buôn bán và xây cầu. Nhiều nét văn hóa tương đồng vì thế vẫn còn tới ngày nay.
Cảm nhận ban đầu của ông về đất nước và con người Việt Nam? Tôi sẽ nói về những ấn tượng của mình, cả tích cực và tiêu cực nhé! (cười)
Nhưng điều thú vị nhất, phải kể tới là các món ăn Việt Nam. Vợ chồng tôi rất thích khẩu vị của Hà Nội. Ngay cả khi ở Nhật Bản, chúng tôi cũng thường xuyên tới các nhà hàng Việt Nam. Cuối tuần, chúng tôi thường đi massage, tôi ngạc nhiên vì kỹ năng của của họ, rất chuyên nghiệp, vợ chồng tôi cảm thấy thật rất dễ chịu khi được chăm sóc bằng phương pháp này. Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn là giá thành của các đĩa DVD phim ở đây quá rẻ, chỉ khoảng 1 USD/đĩa, trong khi ở Nhật Bản, riêng giá thuê một ngày đã là 4 USD/đĩa.
Tuy nhiên, cũng có những vấn đề mà tôi thực sự chưa hài lòng. Đó là tình trạng giao thông tồi tệ trong nội đô ở đây. Từ tất cả mọi hướng, xe máy tràn ngập trên đường phố chật hẹp, nói thật, tôi ghét tình trạng này. Nếu ở Nhật Bản, chúng tôi thường thoải mái dạo bộ, thì ở đây trên vỉa hè, người ta nấu nướng, bán hàng, để xe tràn lan, không còn chỗ cho người đi bộ. Tôi cũng không hiểu sao có rất nhiều người lại mặc quần áo pijama phóng xe trên đường phố, thật kỳ lạ!
Nhận nhiệm vụ mới đúng vào năm kỷ niệm đặc biệt giữa hai nước, xin Đại sứ cho biết những vấn đề ưu tiên của mình ở Việt Nam?
Hiện nay, Việt Nam là nước được nhận viện trợ nhiều nhất của Nhật Bản sau Ấn Độ và những dự án quan trọng vẫn tiếp tục được ưu tiên xem xét. Ngoài nhiệm vụ củng cố, tăng cường quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực, trên cương vị mới của mình, tôi sẽ cố gắng hết sức để góp phần nâng cao ODA thường kỳ của Nhật Bản vào Việt Nam trong các lĩnh vực môi trường, cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục.
Tôi cũng rất quan tâm và ủng hộ các chương trình trao đổi, giao lưu về con người giữa hai nước. Nằm trong chương trình, năm nay, sẽ có khoảng 500 học sinh phổ thông Việt Nam được sang các trường học của Nhật Bản theo học những khóa học ngắn và dài hạn. Điều này sẽ giúp giới trẻ hai nước giao lưu, học hỏi nhau. Dự án kéo dài trong 5 năm. Nhật Bản cũng kết hợp với Đại học Công nghiệp Hà Nội vừa đào tạo chuyên ngành kỹ sư vừa đào tạo tiếng Nhật. Vì thế, sinh viên ra trường sẽ rất thuận lợi trong công việc, đóng góp cho hợp tác chung của hai nước.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Minh Hạnh (Thực hiện)