TS. Vũ Thu Hương cho rằng, giáo viên sẽ có thêm nhiều áp lực nếu quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện để xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đó, dự kiến, nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận này được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc. Báo Thế giới và Việt Nam có cuộc trao đổi với TS. Vũ Thu Hương về vấn đề này.
Nhiều ý kiến cho rằng, giấy chứng nhận nghề nghiệp không cần thiết, gây lãng phí, phiền phức. Quan điểm của bà về vấn đề này?
Theo Luật Giáo dục, mỗi giáo viên muốn tham gia giảng dạy phải có bằng cấp liên quan. Nếu các nhân sự tốt nghiệp ngành nghề khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới có thể tham gia giảng dạy. Như vậy, mỗi nhân sự tham gia giảng dạy đều đã phải tuân theo những quy định nghiêm túc về bằng cấp.
Khi muốn tiến tới làm việc thực chất, tránh tình trạng hình thức thì việc xuất hiện thêm các giấy chứng nhận sẽ không những đi ngược lại mục tiêu chung mà còn gây thêm rất nhiều khó khăn cho giáo viên.
Về việc cấp giấy chứng nhận, sẽ xuất hiện các lớp học, các trung tâm mở ra để đáp ứng những điều kiện của giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, chắc chắn sẽ có thêm nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận này của các cơ quan giáo dục được Nhà nước cho phép cấp.
Với giáo viên, các thầy cô giáo thay vì dành tâm huyết cho học sinh thì phải mất thời gian tìm cách đáp ứng yêu cầu của giấy chứng nhận. Đó có thể là các lớp học để đạt các chứng chỉ yêu cầu, có thể là các kỳ thi, có thể còn thêm các bằng cấp tiếng Anh, vi tính này khác liên quan. Rõ ràng, giáo viên sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn, các cơ quan cũng có nhiều việc hơn phải làm nếu giấy chứng nhận này xuất hiện.
Nếu giấy chứng nhận sau này có đưa vào Luật giáo dục, không cẩn thận thì việc đặt ra giấy phép hành nghề giáo viên này sẽ làm cho giáo dục rối loạn và nảy sinh thêm nhiều vấn đề mới?
Đây là hậu quả đương nhiên sẽ xuất hiện khi đưa ra một tờ giấy chứng nhận. Chúng ta có thể nhìn thấy trình độ giáo viên không để lại hậu quả mà đạo đức nhà giáo cũng như chương trình với sự thay đổi liên tục, thiếu nhất quán mới là vấn đề lớn.
Những chuyện tiêu cực như xuất hiện các đơn vị cấp giấy phi pháp hoặc các đơn vị luyện thi… có thể sẽ xảy ra. Đó là chưa kể tình trạng giáo viên bỏ lớp đi học luyện để lấy giấy chứng nhận chắc chắn sẽ xảy ra, thậm chí phổ biến. Học sinh sẽ bị bỏ rơi khi giáo viên phải lo giấy chứng nhận của mình chứ không được quan tâm hơn.
Chưa kể, với giáo viên, ngoài trình độ nhận thức và giảng dạy, họ cần có trái tim yêu thương, khả năng nắm bắt tâm lý học sinh và cả thời gian và tâm trí dành cho học sinh. Chẳng có giấy chứng nhận nào có thể chứng nhận được điều này. Giấy chứng nhận có thể không phát huy được bất kể giá trị gì mà còn là vật cản trở cho những giá trị nhân bản kể trên không xuất hiện nổi khi người giáo viên bị chất thêm một gánh nặng nữa lên vai.
Bà đề xuất giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới?
Như tôi đã đề cập nhiều với báo chí rằng, giáo viên chỉ cần thời gian và tình yêu thương là có thể phát huy mọi năng lực để hỗ trợ trẻ phát triển. Đong đếm điều này bằng các thước đo định lượng sẽ vô cùng khó khăn. Vì thế, để nhận diện chính xác nhà giáo tâm huyết và giỏi nghề, hãy đến gặp thẳng những người học trò của họ.
Với thanh tra các phòng, sở và đặc biệt là thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu họ dành thời gian đột xuất đến gặp các học sinh, kiểm tra sơ bộ, họ sẽ biết mọi điều về người giáo viên chăm sóc và giáo dục các em. Họ sẽ lập tức nhận diện được những người giáo viên giỏi và tâm huyết hay những "thợ dạy". Công việc đơn giản đó sẽ có thể thay thế cho hàng loạt các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, các giấy chứng nhận và các kỳ sát hạch khác nhau hiện vẫn phát triển sâu rộng trên khắp ngành Giáo dục.
Vậy theo bà, hiện nay giáo viên đang phải đối mặt với những lực cản nào?
Lực cản lớn nhất của giáo viên là thời gian dành cho học sinh bị chiếm dụng bởi những phần hoạt động phi giảng dạy. Nhiệm vụ của nhà giáo là hỗ trợ học sinh tiên bộ. Các trường học trên thế giới đều rất chú trọng hỗ trợ để giáo viên có nhiều thời gian và sự quan tâm cho học sinh. Nhưng ở nước ta, giáo viên có quá nhiều nhiệm vụ phi giảng dạy.
Các cuộc thi của giáo viên, các lớp tập huấn nâng hạng, các hoạt động giành thành tích cho nhà trường... lấy mất của nhà giáo rất nhiều thời gian. Họ dốc sức cho thành tích, đến khi kết thúc các hoạt động này, năng lượng dành cho học sinh chẳng còn mấy. Đó là chưa kể lúc còn lo chuẩn bị với các hoạt động này, giáo viên gần như bỏ bê học sinh. Họ chỉ cố gắng dạy cho hết bài chứ không còn tâm trí đâu dành cho học sinh. Với các áp lực này, các hành vi bất ổn ảnh hưởng đến học sinh xảy ra không hề hiếm.
Vấn đề lúc này cần tạo môi trường thế nào để giáo viên phát triển và cập nhật được với xu hướng của thời đại?
Thêm một giấy chứng nhận, người thầy sẽ có thêm vô khối áp lực. Khi đó, họ sẽ chỉ tập trung cho chứng nhận thợ dạy chứ khó có thể trở thành một người thầy tâm huyết. Vấn đề lúc này cần tạo môi trường thế nào để giáo viên phát triển và cập…
Dù ở thời đại nào thì nghề giáo vẫn là nghề của mối quan hệ giữa người với người. Và tâm lý cũng như mối quan tâm của giáo viên luôn gây ảnh hưởng rất lớn đến học sinh. Nếu kéo mối quan tâm của nhà giáo về nơi khác với học sinh, chính chúng ta đang ép họ phải lơ là học sinh và nhiệm vụ của họ.
Giúp nhà giáo cân bằng được cảm xúc, làm chủ được cảm xúc khi đứng trên bục giảng quan trọng thế nào, theo bà?
Nhà giáo cần cảm nhận được trọng trách và mối quan tâm lớn nhất của họ là học sinh. Khi họ được đặt ở vị trí trọng tâm trong sự tiến bộ và trưởng thành của trẻ, tự mỗi nhà giáo sẽ biết mình cần làm gì. Để đạt được việc này, điều quan trọng là chúng ta cần để thời gian của nhà giáo vào phạm vi bất khả xâm phạm. Họ cũng cần được giải tỏa các áp lực, các nhiệm vụ phi giảng dạy. Họ chỉ cần thực hiện trách nhiệm hỗ trợ học sinh. Mọi đánh giá dành cho họ nên soi từ chính sự tiến bộ và niềm tin học sinh dành cho họ. Nếu xây dựng được môi trường như vậy, nhà giáo sẽ thực sự sống trong điều kiện lý tưởng và hỗ trợ học sinh tốt nhất.
Xin cảm ơn TS!
Trao đổi với báo chí, TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đang lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến có quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, giấy chứng nhận nghề nghiệp thể hiện năng lực của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. |
| Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh công bố kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh công bố kết quả phân tích điểm trung bình tích lũy hiện tại của sinh viên trúng ... |
| Thưởng Tết giáo viên - động lực cho mỗi người thầy Chỉ hơn chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán và câu chuyện thưởng Tết giáo viên lại là nỗi niềm của những người cầm ... |
| Người Việt Nam ở nước ngoài vẫn âm thầm cống hiến cho đất nước theo nhiều cách khác nhau Người Việt Nam ở nước ngoài có vai trò quan trọng cũng như động lực to lớn cho sự nghiệp phát triển của nước nhà. |
| GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Cần tạo điều kiện để bà con kiều bào tận sức với quê hương, đất nước Dù đi xa nhưng hầu hết bà con kiều bào đều hướng về đất nước và mong muốn góp phần xây dựng quê hương. |