Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến mọi người có cái nhìn thận trọng hơn về tự do hóa tài chínhĐể đối phó với những bất ổn vĩ mô, một số quan điểm cho rằng, năm 2008 nên là năm bản lề để chuẩn bị cho quá trình tự do hóa hơn nữa lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Nhiều nghiên cứu trước đây cho rằng, một quốc gia có thể đi trước một bước trong quá trình tự do hóa tài chính để nhận được cả những lợi ích hữu hình lẫn lợi ích vô hình của tiến trình này.
Những lợi ích vô hình hay gián tiếp từ quá trình tự do hóa tài chính là, nếu như quá trình này đi trước một bước thì trình độ quản trị của các doanh nghiệp và các định chế tài chính trong nước sẽ được cải thiện rất nhiều theo những chuẩn mực hiện đại.
Để theo kịp đà tăng tốc của tiến trình này, muốn hoạt động hiệu quả, chính phủ buộc phải có những cải cách sâu rộng tương ứng, thay vì phải chờ đợi đến lúc hoàn thiện các chínhsách trong nước trước, rồi bước tiếp theo mới là mở cửa mạnh mẽ hơn nữa thị trường tài chính.
Nhưng mở cửa thị trường tài chính theo cách này có khả năng đưa đến một kết cục không mong đợi. Ta đưa huấn luyện viên và vận động viên chưa đủ chuẩn đi thi đấu điền kinh quốc tế, với hy vọng họ sẽ có động lực nhìn các vận động viên gạo cội phía trước để cố rượt theo. Ta hy vọng vào phép màu xảy ra, mà không nghĩ đến việc vận động viên và huấn luyện viên vẫn còn ở trình độ nghiệp dư, có thể kiệt sức giữa đường.
Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cho thấy, một quốc gia cần phải chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết như thế nào để mở cửa thị trường tài chính, nếu không sẽ nhận lấy hậu quả.
Cải cách trong nước phải đi trước một bước và phải thật đồng bộ giữa các bộ, ngành mà quan trọng nhất là phải thiết lập được cơ chế giám sát tài chính hữu hiệu, đó mới chính là điều kiện tiên quyết nhất cho quá trình tự do hóa tài chính mạnh mẽ tiếp theo.
Bài học từ 2 năm gia nhập WTO vẫn còn đó. Ta hy vọng tư cách thành viên WTO sẽ thúc đẩy các bộ, ngành và các doanh nghiệp trong nước có những thay đổi nhất định để thích nghi với quá trình toàn cầu hóa.
Nhưng thực tế cho thấy, chúng ta vẫn chưa chuẩn bị gì nhiều cho quá trình hội nhập. Tất cả đều say đắm lao vào đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, để rồi phải nhận lãnh hậu quả như vừa qua.
Nói như thế không có nghĩa chúng là cái cớ để ta quá thận trọng nhằm bảo hộ thị trường một cách cực đoan. Cuộc khủng hoảng tài chính đã buộc chính phủ các nước phát triển tăng cường kiểm soát mạnh mẽ hơn nữa đối với các định chế tài chính và các tập đoàn của mình.
Như trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều ngân hàng như Goldman Sachs, Morgan Stanley... đã chuyển từ ngân hàng đầu tư sang mô hình tập đoàn, bao gồm cả ngân hàng thương mại và đầu tư và sắp tới đây sẽ phải chịu sự kiểm soát rất chặt của FED.
Mở cửa thị trường tài chính theo hướng tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược nước ngoài, vì vậy có thể là hướng đi thích hợp cho Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, do các đối tác nước ngoài này đã được kiểm soát phần nào bởi những quy định siết chặt hơn so với trước đây ở ngay chính quốc gia của họ.
Mặc dù vậy, những biện pháp “kỹ thuật” thích hợp cho từng đối tác chiến lược nước ngoài vẫn rất quan trọng để sàng lọc những đối tác nào không cần thiết cho sự ổn định của thị trường tài chính nội địa.
Theo Báo Đầu tư