Sáng 19/3, Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio đã đến thăm Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP). (Nguồn: TTXVN) |
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, sáng 19/3, Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio cùng Đoàn đại biểu cấp cao đã đến thăm Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP).
Tại buổi tiếp, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi giới thiệu khái quát về việc hình thành và phát triển Khu Công nghệ cao thành phố từ những ý tưởng mạnh mẽ ở thập niên 90 – thời điểm Việt Nam bắt đầu có những chính sách đổi mới nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển đất nước.
Tại thời điểm này, lãnh đạo thành phố đã lập tổ nghiên cứu, khảo sát ở nhiều nước trên thế giới và đã nhận được sự hỗ trợ, tư vấn triển khai thực hiện đề án xây dựng Khu Công nghiệp kỹ thuật cao hay còn gọi là Khu Công nghệ cao như hiện nay (SHTP).
Đến tháng 10/2002, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh được Chính phủ phê duyệt trở thành một trong 3 khu công nghệ cao lớn nhất của cả nước (cùng với Khu Công nghệ cao ở Hà Nội, Đà Nẵng) đi vào hoạt động với xứ mệnh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong lĩnh vực công nghệ.
Sau 20 năm thành lập và phát triển, Khu Công nghệ cao đã trở thành điểm đến đáng tin cậy về đầu tư công nghệ cao; trong đó, tập trung vào 4 mũi nhọn gồm: Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông; Cơ khí chính xác – Tự động hóa; Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; Năng lượng mới – Vật liệu mới – Công nghệ Nano.
Cùng với Khu Công nghệ cao ở Hà Nội, Đà Nẵng, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cũng đã từng bước chuyển mình để trở thành khu kinh tế - kỹ thuật trên cơ sở công nghệ cao và đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước, nhất là lĩnh vực công nghệ phụ trợ, bán dẫn.
Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài mà còn huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và công nghệ cao, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại; kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về hoạt động của Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh, giai đoạn đầu hình thành, khởi động, thu hút các nhà đầu tư lớn ở nước ngoài như tập đoàn Nidec, Samung, Intel…. Giai đoạn hai tập trung thu hút phát triển các doanh nghiệp trong nước; xây dựng Khu công viên Khoa học Công nghệ để không chỉ thu hút đầu tư sản xuất mà phải quan tâm thu hút nghiên cứu công nghệ theo hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển công nghệ nội sinh.
Giai đoạn ba hiện nay là tiếp tục ươm tạo, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm của trí tuệ; ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao…
Ấn tượng trước những kết quả Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đạt được, Tổng thống Julius Maada Bio cho rằng những thông tin trên thật sự bổ ích. Từ khái niệm, đến việc hình thành và đưa Khu Công nghệ cao vào hoạt động là ý tưởng sáng tạo mà các cấp ngành, địa phương của Sierra Leone cần nghiên cứu, học tập.
Tổng thống Julius Maada Bio cho biết, ở Sierra Leone cũng có các đơn vị phụ trách những lĩnh vực này và đang hoạt động khá tương đồng ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, để thu hẹp khoảng cách giữa các nước với nhau thì rất cần sự quan tâm và thúc đẩy phát triển công nghệ.
“Do vậy, trong quá trình hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Sierra Leone sắp tới, chắc chắn chắn sẽ có hoạt động này, nhất là lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, qua đó nhằm góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước”, Tổng thống Julius Maada Bio chia sẻ.
Tổng thống Julius Maada Bio cũng đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã xem và chọn công nghệ thông tin là “cánh chim đầu đàn” để phát triển đất nước. Đặc biệt, là việc xây dựng, hình thành và phát triển các khu Công nghệ cao ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; đồng thời, khẳng định đây là điều mà Sierra Leone sẽ học tập.
Tổng thống Julius Maada Bio cho biết: “Sau chuyến thăm lần này, Sierra Leone sẽ tiến tới xây dựng đầu mối ở tại đây để thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu, học tập, sẻ chia kinh nghiệm từ các mô hình của Việt Nam nói chung; thực hiện các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các ngành, địa phương của Sierra Leone với TP. Hồ Chí Minh nói riêng”...
Ngay sau buổi thăm và làm việc tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Tổng thống Julius Maada Bio cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Sierra Leone đã đến thăm Công ty Cổ phần Nhà máy Trang thiết bị Y tế United Healthcare tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.