Thành phố Thượng Hải. (Nguồn: Getty Images) |
Nhấn mạnh mục tiêu “làm sâu sắc và toàn diện hơn nữa công cuộc cải cách”, giới quan sát quốc tế bình luận, đây là sự tiếp nối và kế thừa đề cao lợi ích sát sườn trong nền kinh tế Trung Quốc trên con đường phát triển.
Trở thành quốc gia xã hội chủ nghĩa
Cải cách dài hạn vốn là một thách thức. Ở các nước phương Tây, các ứng cử viên chính trị vận động tranh cử bằng những cam kết thay đổi, nhưng sau một hoặc hai nhiệm kỳ, ngay cả khi các cải cách được thực hiện, cũng không có gì bảo đảm rằng, người kế nhiệm sẽ không đảo ngược chúng.
Tuy nhiên, theo một cách khác, nền kinh tế Trung Quốc tiếp cận cải cách như một “cuộc đua tiếp sức”, với mỗi thế hệ lãnh đạo “trao lại cây gậy” cho thế hệ tiếp theo.
Tờ SCMP mới đây nhận định, khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tồn tại nhiều thách thức lớn. Trong 12 năm qua, Bắc Kinh nỗ lực giải quyết tốt sáu thách thức chính, bao gồm đói nghèo, cô lập công nghệ và hạn chế thương mại, ô nhiễm, tham nhũng, bá quyền kinh tế và phòng ngừa khủng hoảng. Tất nhiên, dù đạt nhiều thành tựu, nền kinh tế vẫn tồn tại một số vấn đề và đó chính xác là các mục tiêu Bắc Kinh mong muốn cải cách sâu sắc và toàn diện hơn trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Ở thách thức đầu tiên, đến cuối năm 2020, Bắc Kinh tuyên bố đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo trước một thập kỷ so với Mục tiêu Phát triển bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc. Theo đó, từ năm 2012 đến 2020, hàng chục triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực.
Đối mặt với thách thức thứ hai, ứng phó với “các lệnh phong tỏa” về công nghệ cao và hạn chế thương mại do Mỹ áp đặt, Trung Quốc tập trung vào việc đạt được sự độc lập về công nghệ. Từ năm 2012 đến 2023, kinh phí nghiên cứu khoa học của Trung Quốc tính theo tỷ lệ phần trăm GDP đã đạt 2,64%, đưa quốc gia này lên vị trí dẫn đầu thế giới về đầu tư nghiên cứu. Theo Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc, đến năm 2023, nước này có 465.000 doanh nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ tự cung tự cấp chip đã lên hơn 40%.
Ở thách thức thứ ba, Bắc Kinh đang dẫn đầu sáng kiến giảm phát thải lớn nhất thế giới. Chỉ tính riêng trong thập kỷ qua, mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc trên một đơn vị GDP đã giảm 26,8% và lượng khí thải carbon dioxide trên một đơn vị GDP được báo cáo đã giảm hơn 34%. Doanh số bán xe năng lượng mới của nước này có thể vượt quá 10 triệu chiếc ngay trong năm nay. Trong khi đó, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc được đánh giá thuộc hàng đầu thế giới, với công suất chiếm khoảng 80% tổng công suất toàn cầu.
Giải quyết nạn tham nhũng là thách thức thứ tư mà Bắc Kinh quyết tâm vượt qua. Từ năm 2012 đến 2022, Trung Quốc đã điều tra gần 5 triệu quan chức về tội tham nhũng. Đây được coi là thành quả rất quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ năm, nền kinh tế hàng đầu thế giới khẳng định, dù là quốc gia đưa ra nhiều sáng kiến toàn cầu có tính bao trùm, điển hình như Vành đai và con đường (BRI), Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI)… nhưng Bắc Kinh cam kết hợp tác bình đẳng, cùng phát triển và hưởng lợi với các quốc gia trên thế giới.
Cuối cùng, để ngăn ngừa khủng hoảng, Trung Quốc đã ban hành và sửa đổi hơn 20 luật liên quan an ninh quốc gia, giải quyết bong bóng bất động sản, mạnh tay trấn áp tội phạm mạng và gian lận xuyên quốc gia.
Quỹ đạo mới
Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương vừa công bố một báo cáo dự đoán quỹ đạo phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong năm năm tới và xa hơn nữa. Với một góc nhìn lạc quan về tương lai, các nhà nghiên cứu dự kiến, đến năm 2029, hơn 40% trong số 500 công ty hàng đầu thế giới sẽ thuộc về Trung Quốc.
Trung Quốc có khả năng vượt qua Mỹ, để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035. Tuổi thọ trung bình ở Trung Quốc có thể đạt gần 80, trong khi phạm vi bảo hiểm y tế và lương hưu cơ bản sẽ vượt quá 95%.
Vào năm 2029, dự kiến có hơn 100 quốc gia chia sẻ miễn thị thực chung hoặc miễn thị thực đơn phương hay có thỏa thuận cấp thị thực khi đến Trung Quốc. Khoảng một phần ba dân số - hơn 400 triệu người - sẽ đi du lịch nước ngoài.
Vấn đề môi trường, Trung Quốc có khả năng đạt được mục tiêu đỉnh carbon trước thời hạn, dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu trong giảm phát thải.
Trong mục tiêu phát triển không gian và hàng không, Trung Quốc sẽ trở thành một trong những quốc gia có chương trình không gian toàn diện nhất thế giới, với kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt trăng. Quan trọng hơn, đến năm 2029, Trung Quốc hy vọng hoàn thành mục tiêu trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa.
Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc không thể liên tục tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài nếu mô hình phát triển không được nâng cấp để thích ứng với tình hình đang thay đổi ở trong nước và trên toàn cầu. Do vậy, việc Bắc Kinh mở ra một hành trình mới nhằm cải cách sâu sắc, toàn diện trong kỷ nguyên mới bằng các kế hoạch có hệ thống, sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và hiện thực hóa công cuộc phục hưng, đồng thời đạt được mục tiêu phát triển chất lượng cao và cải thiện sinh kế cho người dân.
Còn thế giới phản ứng thế nào với sự chuyển mình của Trung Quốc, trong nỗ lực thúc đẩy hơn nữa các lực lượng mới trong các lĩnh vực công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn - những yếu tố rất quan trọng đối với tăng trưởng và định vị vị thế của một quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay?
Trên thực tế, ngày càng có nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc, trong đó có cả các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu, giúp Bắc Kinh hiện thực hóa các mục tiêu cải cách.
Tất nhiên, để có thể “bắt tay hợp tác”, các đối tác của Bắc Kinh cũng đã có cách tư duy mới và cởi mở hơn với các hình thức hợp tác mới, theo cách mà Trung Quốc đang dẫn đầu xu hướng “cùng phát triển trong các sáng kiến toàn cầu”.
| Đường biên giới hoà bình trên đất liền Việc ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa năm 1999 và ba văn ... |
| Đại sứ Phạm Sao Mai: Sự coi trọng và tình hữu nghị gửi gắm qua chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thể ... |
| Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Sức sống, mạch nguồn và tương lai "Mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em" - tinh thần trong câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh ... |
| Chuyên gia: Vị thế 'công xưởng thế giới' của Trung Quốc rất khó thay thế Mới đây, trả lời phỏng vấn tờ SCMP, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Michael Spence cho rằng, sẽ mất một thời gian đáng ... |
| Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Myanmar: Khẳng định ủng hộ hòa bình và thống nhất, ủng hộ 'lộ trình 5 điểm' mới thúc đẩy hòa giải Ngày 14/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Myanmar và gặp người đứng đầu chính quyền quân sự nước này Min Aung ... |