Ngay cả khi siêu trăng không xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên trăng xanh và nguyệt thực toàn phần cùng xuất hiện trên bầu trời nước Mỹ kể từ tháng 3/1866, theo EarthSky.org.
Trăng xanh là hiện tượng xảy ra cứ 2,5 năm một lần. Đây là khái niệm chỉ trăng tròn lần hai trong một tháng dương lịch. Ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 1 năm nay là ngày 1/1.
Siêu trăng kết hợp nguyệt thực vào năm 2015. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, Mặt trăng sẽ không thực sự có màu xanh. Trăng tròn sẽ tối và đỏ trong suốt quá trình nguyệt thực và hiện tượng này còn được gọi là trăng máu.
NASA cho hay, nguyệt thực toàn phần có thể quan sát được vào sáng sớm ngày 31/1 từ phía Tây Bắc Mỹ qua Thái Bình Dương và đến phía Đông châu Á.
Tạp chí Sky and Telescope cho biết, nguyệt thực sẽ kéo dài gần 3 tiếng rưỡi. Theo giờ Việt Nam, nó sẽ bắt đầu vào lúc 18h48 và kết thúc lúc 22h12. Các hiện tượng sẽ cùng xảy ra trong 77 phút, từ 19h51 - 21h08.
Siêu trăng là hiện tượng xảy ra khi Mặt trăng tròn nằm ở điểm gần Trái đất nhất trong quỹ đạo của nó. Theo NASA, điều này sẽ khiến cho Mặt trăng cực gần và cực sáng so với bình thường, lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với khi ở điểm xa Trái đất nhất trong quỹ đạo. Nguyệt thực trăng xanh tuần tới lại tình cờ trùng thời điểm siêu trăng, tạo nên sự kiện cực kỳ hiếm gặp.