Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của Singapore cần thêm 60.000 lao động vào năm 2023. (Nguồn: Getty) |
Các lệnh phong tỏa và đóng cửa biên giới để phòng dịch Covid-19 trong hai năm vừa qua làm gián đoạn khả năng kết nối của Singapore với mạng lưới kinh doanh và thương mại toàn cầu. Nhiều chuyên gia nước ngoài từng làm việc và gắn bó lâu dài với đảo quốc sư tử trong nhiều năm buộc phải trở về nước, gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động chất lượng cao tại quốc gia này.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền tảng kinh tế vững chắc và vị trí chiến lược ở trung tâm khu vực Đông Nam Á của Singapore đã chứng tỏ sức hấp dẫn khó cưỡng đối với nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới.
Singapore tiếp tục phát huy được lợi thế với chiến lược cởi mở và đổi mới, đặc biệt là khi cuộc chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung Quốc nổ ra.
Thiếu hụt lao động chất lượng cao
Tuy nhiên, ngành công nghệ của đảo quốc sư tử đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động chất lượng cao. Cuộc khảo sát mới đây do công ty nhân sự GlobalManpower thực hiện cho thấy, Singapore là quốc gia đứng thứ ba về thiếu hụt nhân tài trong số 40 quốc gia được khảo sát, với 84% các công ty tại Singapore phàn nàn về tình trạng thiếu nhân lực.
Trong Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Nhân tài Toàn cầu năm 2022 do Trường kinh doanh INSEAD biên soạn, Singapore xếp thứ sáu trong số 175 thành phố về thu hút và phát triển nhân tài.
Hậu quả là chiến lược trọng tâm của Singapore nhằm thu hút các tập đoàn công nghệ đa quốc gia bị ảnh hưởng đáng kể.
Hiện nay, Singapore đã thu hút sự góp mặt của 80 trong số 100 công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Các “ông lớn công nghệ” của Mỹ như Google, IBM và Microsoft có mặt tại Singapore từ lâu trong khi các “gã khổng lồ công nghệ trẻ” như Zoom, Twitter, Paypal, Tencent, Alibaba hay ByteDance cũng bắt đầu thiết lập hoạt động tại Singapore sau đại dịch.
Bộ trưởng phụ trách Sáng kiến Quốc gia Thông minh của Singapore, TS. Vivian Balakrishnan nhấn mạnh rằng lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của quốc gia này sẽ cần thêm 60.000 lao động vào năm 2023.
Dù vậy, hệ thống giáo dục của Singapore hiện mới đào tạo được một phần rất nhỏ, khoảng 2.800 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ mỗi năm. Và chỉ 1/3 trong số đó là người Singapore, đồng nghĩa với việc 2/3 số lao động còn lại là lao động nước ngoài.
Tung "chiêu" thị thực mới để thu hút nhân tài
Nhận thức rõ sự cạnh tranh trong không gian kinh tế kỹ thuật số sẽ ngày càng gay gắt giữa các quốc gia, từ tháng 1/2021, Singapore giới thiệu chương trình thị thực mới có tên Tech Pass, khuyến khích các doanh nhân, nhà lãnh đạo và chuyên gia công nghệ nước ngoài thành danh làm việc tại Singapore.
Trong chương trình Tech Pass, các cá nhân đủ điều kiện tham gia được cấp một loại thị thực mới, cho phép họ khởi nghiệp hoặc điều hành cho hơn một công ty và trở thành một nhà đầu tư, cố vấn hoặc tư vấn cho các công ty khởi nghiệp địa phương.
Điều này sẽ mang lại sự linh động hơn so với những quy định hiện hành của chính phủ Singapore, vốn yêu cầu các công ty phải lo giấy phép làm việc cho những nhân tài họ muốn tuyển vào làm việc.
Thị thực này nhắm đến các doanh nhân và chuyên gia kỹ thuật cấp cao, có thể đem theo vốn, mạng lưới và cả kiến thức đến Singapore vì nước này đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới của khu vực. Với thời hạn 2 năm, chương trình thị thực mới không dành cho những nhân viên công nghệ tầm trung - có khả năng cạnh tranh việc làm với người dân địa phương.
Vào tháng 8/2022, Singapore đã công bố một chương trình nhập cư mới, có tên gọi là Thẻ thông hành cho Mạng lưới Nước ngoài và Chuyên gia (ONE Pass). Chương trình nhằm thu hút những nhân tài hàng đầu thế giới đến sống và làm việc tại Singapore.
Chương trình nhập cư mới có thời hạn 5 năm, bắt đầu được triển khai vào tháng 1/2023. Chương trình còn cho phép các ứng viên đủ điều kiện có thể đồng thời làm việc cho nhiều công ty tại Singapore
ONE Pass của Singapore nhắ đến nhóm đối tượng hẹp hơn, bao gồm những người có thu nhập cao, trung bình hàng tháng có thể kiếm được ít nhất 30.000 SGD (21.128 USD), và những người có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ, nghiên cứu và học thuật. Đối với các nhà đầu tư mới, phải có doanh thu hàng năm ít nhất 200 triệu USD.
Không giống như Tech Pass dành riêng cho lĩnh vực công nghệ, ONE Pass được áp dụng đa dạng cho nhiều ngành nghề khác nhau. Chính phủ Singapore nhấn mạnh, cốt lõi của sự phát triển kinh tế dựa trên các kỹ năng, kiến thức và sự sáng tạo của nguồn nhân lực. Vì vậy, ONE Pass chính là đòn bẩy chính sách quan trọng cho chiến lược lần này.
ONE Pass nhắm đến mục tiêu tuyển dụng nhân tài toàn cầu hoặc “những người tạo ảnh hưởng” trên tất cả các lĩnh vực, từ đó tạo thành một phần quan trọng trong chiến lược tuyển dụng nhân tài của Singapore. Những chuyên gia này sở hữu mạng lưới, kỹ năng chuyên sâu và chuyên môn cao sẽ là những thành phần thiết yếu trong nền kinh tế đổi mới mà Singapore tham vọng hướng đến.
Bài toán cân bằng
Nhưng trong khi thế giới đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao thì chính các chuyên gia lành nghề của Singapore cũng đang rời đi để "đến với những đồng cỏ xanh tươi hơn".
Ngoài ra, việc chuộng nhân lực nước ngoài cũng khiến nhiều người lao động Singapore cảm thấy bất an khi nhiều vị trí công việc tốt trở nên cạnh tranh hơn.
Đáp lại sự băn khoăn của lực lượng lao động trong nước, chính phủ Singapore đề xuất một số sáng kiến nhằm nuôi dưỡng nguồn nhân tài trong nước, đơn cử như Chương trình Điều hành Toàn cầu Singapore (SGEP), được đưa vào kế hoạc ngân sách năm 2022. SGEP sẽ đóng vai trò hỗ trợ các công ty trong nước tạo điều kiện, phát triển nghề nghiệp cho nguồn nhân lực tại địa phương.
Nỗ lực nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào lực lượng lao động nước ngoài cũng được chính quyền Singapore đẩy mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Tỷ lệ phụ thuộc vào lao động nước ngoài của ngành này so với lực lượng lao động trong nước giảm từ 38% xuống còn 35% vào tháng 1/2021.