📞

Singapore: Kỳ vọng và thách thức trong Năm Chủ tịch ASEAN 2018

15:25 | 26/12/2017
Trên trang “Thayer Consultancy”, GS. Karl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đã đưa ra những thách thức và kỳ vọng khi Singapore đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2018.

Theo GS. Thayer, có ít nhất 3 thách thức chính mà Singapore phải đối mặt khi giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2018.

Thứ nhất là tăng cường, hoặc ít ra là duy trì được sự thống nhất và đoàn kết trong nội khối để chống lại những tác động từ tình hình chính trị nội bộ của một số nước thành viên, chủ yếu là Myanmar, Philippines và Campuchia; 

Thứ hai là thúc đẩy sự can dự khu vực ra bên ngoài Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang xây dựng, bao gồm những đối tác thương mại tự do trong khuôn khổ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực do ASEAN dẫn đầu; 

Thứ ba là thiết lập sự cân bằng trong quan hệ của ASEAN với các cường quốc lớn trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng tỏ rõ tham vọng gia tăng ảnh hưởng của mình đối với từng nước thành viên trong ASEAN. 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Nguồn: AP)

ASEAN - trung tâm của trật tự khu vực Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã xác định vai trò trung tâm của ASEAN đối với trật tự khu vực như một trong những ưu tiên chính vào năm tới. Tuy nhiên, GS. Karl Thayer cho rằng, Singapore sẽ không thể lôi kéo được Campuchia hay Myanmar đủ nhiều để có thể giảm nhẹ tác động tiêu cực từ các chính sách riêng của họ, vốn quá nghiêng về phía Trung Quốc. 

Cách tiếp cận thứ nhất là để đạt thỏa thuận thì phải chuyển đổi cơ chế hoạch định chính sách của ASEAN thành một hệ thống “đa số đủ tư cách” ở cấp quan chức cấp cao và cấp làm việc. Điều này giống như các đường N trừ X trong các thuật toán kinh tế khi N tương đương số nước thành viên ASEAN nhất trí về một chính sách cụ thể và X tương đương số nước thành viên không nhất trí. Theo công thức này, các nước N có thể xúc tiến và các nước X có thể rút lui hoặc tham gia sau. Cách tiếp cận thứ hai là tăng cấp can dự với các đối tác đối thoại để khích lệ Campuchia và Myanmar tham gia. 

Về kỳ vọng đối với Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), GS. Thayer cho rằng Singapore có thể tận dụng vị thế của mình với tư cách Chủ tịch ASEAN để vận động Bắc Kinh thúc đẩy tiến trình đàm phán COC bằng cách mở nhiều cuộc họp thường xuyên hơn với các thời hạn được cho là đã có sự nhất trí, bất chấp khả năng là các cuộc đàm phán COC sẽ bị kéo dài và cuối cùng sẽ không có sự ràng buộc về mặt pháp lý hay có thể thực thi. 

Nỗ lực gắn kết các thành viên của Hiệp hội

Singapore có thể sẽ nỗ lực khơi lại một đề xuất nhóm họp không chính thức giữa các nước có tranh chấp để đưa ra các khuyến nghị thống nhất cho các nước thành viên ASEAN khác. Singapore có thể cũng sẽ âm thầm vận động các nước đối tác đối thoại khác của ASEAN, đặc biệt là Mỹ, để tăng sức ép ngoại giao và chính trị lên Trung Quốc. 

Nhiều thách thức đặt ra trong Năm Chủ tịch ASEAN của Singapore. (Nguồn: Latimes)

Chẳng hạn, Chiến lược an ninh quốc gia mới công bố gần đây của Mỹ có nêu rõ rằng: “Các nước trên khắp khu vực đang kêu gọi duy trì sự lãnh đạo của Mỹ trong một sự đối phó tập thể (đối với sức ép của Trung Quốc) nhằm duy trì sự tôn trọng trật tự khu vực về chủ quyền và độc lập”. Do Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tăng cường hợp tác trong nhóm Bộ Tứ (gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ), đây có thể là một cơ chế đối trọng với Trung Quốc và tạo động lực để Bắc Kinh đạt một thỏa hiệp hợp lý với ASEAN về COC. 

ASEAN đã được lưu ý trong Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ với tuyên bố rằng ASEAN và APEC vẫn là “trung tâm cấu trúc và nền tảng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để thúc đẩy một trật tự dựa trên tự do”. Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ đã xác định Singapore (cùng với Việt Nam, Indonesia và Malaysia) là “những đối tác kinh tế và an ninh đang phát triển của Mỹ”. Singapore có thể theo đuổi ý định của hai tuyên bố này với chính quyền Trump và vận động để Mỹ đảm nhận vai trò "đầu tàu trong sự ứng phó tập thể nhằm duy trì sự tôn trọng trật tự khu vực về chủ quyền và độc lập”.  

Singapore cũng có thể vận động chính quyền Trump khuyến khích nhóm Bộ tứ mới thành lập ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Hơn nữa, Singapore có thể vận động Mỹ mở rộng can dự kinh tế với ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ tư của nước này, bằng cách thúc đẩy các kết nối thông qua an ninh mạng và kinh tế số. 

Về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Singapore được thừa hưởng một quan điểm chính sách đã được thiết lập trong ASEAN về vấn đề này. ASEAN trước hết nên tiếp tục ủng hộ và thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Triều Tiên và tán thành các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra. Tất cả các tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao ASEAN nên bao gồm một phần về Triều Tiên, vốn sẽ được người đứng đầu chính phủ/ nhà nước tán thành sau đó. 

(theo TTXVN)