📞

Singapore “qua mặt” Hong Kong trở thành trung tâm công nghệ tài chính châu Á

00:00 | 27/12/1999
Singapore hiện đang nỗ lực xây dựng lại hình ảnh là một trung tâm công nghệ tài chính của châu Á nhằm ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra trong điều chỉnh quản lý tài sản và hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn. 

Nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ, quy định thông thoáng và việc chính phủ mới đây cho phép các doanh nghiệp mới khởi nghiệp (start-up) thử nghiệm các sản phẩm tài chính trong môi trường có kiểm soát đã đưa Singapore vượt qua Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) trở thành trung tâm công nghệ tài chính châu Á.

Điểm đến mới của thế giới

Xu hướng phát triển công nghệ tài chính của Singapore xuất hiện khi vai trò của nước này là trung tâm ngân hàng tư nhân nước ngoài đang đứng trước bê bối rửa tiền lên tới nhiều tỷ USD ở nước láng giềng Malaysia.

Ngoài ra, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng truyền thống của Singapore như vận tải biển và chế tạo đang trong giai đoạn ì ạch trước sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới.Thêm vào đó, giá hàng hóa và nhu cầu đều sụt giảm ở quốc đảo này.

Một quận trung tâm tài chính ở Singapore (Nguồn: Reuters)

Singapore đang thu hút sự quan tâm của khoảng 60.000 doanh nghiệp đóng đô tại thị trường tài chính trị giá gần 9 tỷ USD của London (Anh). 

Ông Markus Gnirck, đối tác và là đồng sáng lập Công ty tư vấn công nghệ tài chính Tryb cho biết, Singapore đang nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp tại Anh muốn chuyển hoạt động sang châu Á khi môi trường kinh doanh tại “xứ sở sương mù” trở nên khó khăn. Việc Anh rời EU (Brexit) chắc chắn góp phần đẩy mạnh xu hướng này.

Không phải dễ dàng

Mặc dù bắt kịp xu hướng đúng lúc, nhưng không phải mọi chuyện đều dễ dàng với người Singapore.

Trước tiên, luật nhập cư của Singapore đang trở thành một trở ngại, những doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) và các chuyên gia tư vấn cho biết các biện pháp hạn chế số lượng lao động nước ngoài và ưu tiên cho lao động Singapore đã gây ra tình trạng thiếu hụt tài năng.

Thứ hai, quy định của các ngân hàng Singapore từ trước tới nay đã tạo nên một thứ văn hóa chắc chắn, không thích rủi ro, đi ngược lại với cách tiếp cận “thử nghiệm và tìm lỗi” của các start-up về công nghệ tài chính.

Vì sao Singapore?

Dù có những rào cản như vậy, nhưng "bạn không thể tìm thấy một chính quyền tiến bộ như vậy ở bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới, khi nói về hỗ trợ đổi mới, từ tài trợ, đến các phương tiện vốn và các biện pháp hỗ trợ hoạt động”, ông Raghav Kapoor, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành công ty start-up SmartKarma cho biết. Doanh nghiệp của ông hoạt động trên nền tảng cung cấp các nghiên cứu và phân tích châu Á theo yêu cầu. Họ đã chọn Singapore chứ không phải là Hong Kong làm trụ sở chính.

SPRING-một cơ quan nhà nước của Singapore là một trong những nhà đầu tư cho SmartKarma. Cơ quan này cũng chính là đơn vị thuộc chính phủ giúp doanh nghiệp mở rộng các hoạt động quốc tế.

Tại Hong Kong, theo các luật sư, chuyên gia tư vấn và giám đốc điều hành các start-up tài chính công nghệ, mặc dù có nguồn vốn tài trợ lên đến 300 triệu USD nhưng họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản pháp lý. Theo Tryb, hiện ở Hong Kong chỉ có chưa tới 100 công ty tài chính công nghệ.

Các quy tắc và quy định của Hong Kong làm cho các start-up gặp khó khăn trong việc thiết lập nền tảng gây quỹ xã hội, các công ty thanh toán, hoạt động cho vay ngang hàng (peer-to-peer), và để bảo đảm giấy phép hoạt động.

Tại Singapore, bất kỳ thực thể kinh tế nào cũng có thể vận hành hệ thống thanh toán và ví điện tử mà không cần phê duyệt, trong khi tại Hong Kong, quy tắc mới được giới thiệu hồi năm ngoái vẫn đòi hỏi các công ty phải có giấy phép phương tiện lưu trữ (Stored Value Facilities license), hoặc tiền điện tử hoặc thẻ trả trước.

Giám đốc điều hành Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) Ravi Menon cho biết các star-up tài chính công nghệ sẽ chỉ phải chịu kiểm soát điều chỉnh khi họ phát triển đủ lớn để gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính truyền thống.

(theo Reuters)