Ớn lạnh các khu chợ sinh viên
Dạo vòng quanh khu chợ tự phát ngay ngã ba trường ĐH KHXH&NV TP.HCM trong làng đại học Thủ Đức, cảnh buôn bán tấp nập vẫn diễn ra hằng ngày trong tình trạng vệ sinh rất kém. Rau củ ở đây được được đặt trên một tấm lót ni-lông mỏng, mặc cho bụi bặm của xe cộ qua lại phủ lớp lên hết lượt này đến lượt khác. Nhiều sinh viên mua hàng chen lấn giẫm đạp lên những mớ rau lấm lem đất, chốc chốc cô bán hàng lại “chỉnh đốn hàng ngũ” rồi rưới lên một ít nước và tiếp tục rao bán: “Mua rau tươi đi em, chị bán giá rẻ cho nè”. Những dòng nước đục ngầu bốc mùi tanh chảy len lỏi trên nền đất dường như không được những người mua người bán chú ý. Bên hàng cá thì khiếp hơn, người bán đổ nước làm cá vào một cái thùng, khi thùng đầy thứ nước đo đỏ tanh tanh rồi thì đem đổ ở ngay bụi cây phía sau. Bàn tay dính máu cá tươi vừa làm cầm những tờ tiền polime thối lại cho khách hàng, chốc chốc lại chùi tay lên cây cột gần đấy. Mùi hôi tanh của cá lúc nào cũng thoang thoảng.
Để bán được những cái lẩu sinh viên với giá 25 ngàn đồng, nhiều chủ quán lẩu bắt buộc phải lấy những thứ thực phẩm không rõ nguồn gốc về chế biến. Anh Đặng Văn Thanh, một chủ quán cho biết: “Đi siêu thị mua thì lấy gì mà lời. Hầu hết thực phẩm chúng tôi đặt mấy ông bán dạo đem tới, vừa rẻ lại vừa phải chẳng mất công đi mua”. Dạo quanh khu “phố lẩu sinh viên” trong làng đại học vào mỗi buổi trưa và tối, những nồi lẩu nghi ngút khói được sinh viên “thưởng thức” một cách ngon lành, nhưng mấy ai trong số họ biết được mình đang ăn những thứ thực phẩm có chất lượng như thế nào với giá rất sinh viên như vậy. Nhìn những chồng bát đĩa chất đống trong mấy quán ăn bị ruồi vây quanh mới thấy rùng mình, hầu hết những người phục vụ chỉ rửa bát theo kiểu “nhúng nước một lần” rồi úp lên cho khô ráo để dùng tiếp chứ ít có nơi nào rửa được đến 2 hay 3 lần nước.
Giết vịt ngay bên đường
Trên đường Tân Lập, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương cảnh giết gà vịt sống bán ngay bên đường diễn ra từ ngày này sang ngày khác nhưng không thấy cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm tra xử lý. Chốc chốc lại có vài sinh viên đi ngang qua hỏi mua gà, vịt sống. “Mua đi em, 5 phút giết thịt lấy liền nè. Chị bán giá sinh viên cho”. Người phụ nữ trạc ngoài 30 đon đả chào mời, bên cạnh có một người đàn ông khác đang cắm cúi nhổ lông cắt tiết vịt. Lông vịt mỗi khi có gió qua bay tứ tung, còn nước làm vịt thì được đổ ra đằng sau đống gạch được xếp ngay bên cạnh đó.
Nhiều chủ hàng cho biết do làng đại học ít có cơ quan chức năng vào kiểm tra nên buôn bán ở nơi đây là “sướng nhất”. Có phải vì thế mà nhiều chủ hàng đã tuồn những thứ kém chất lượng, rẻ tiền vào bán cho sinh viên? Còn sinh viên thì vẫn cứ mua về chế biến nấu ăn hàng ngày mà quên mất nguy cơ bùng phát dịch tả đang lơ lửng trên đầu.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề an toàn vệ sinh ăn uống trong làng đại học Thủ Đức, ông Tăng Hữu Thủy-Phó giám đốc Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: “Hiện chúng tôi đang gặp các bộ phận cung ứng dịch vụ để nhắc nhở những nơi chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra chúng tôi còn thông tin những kiến thức an toàn thực phẩm qua website của khu nội trú nhằm nâng cao ý thức cho 8.000 sinh viên nội trú”. Đó là những biện pháp căn cơ trong khu nội trú, còn với những sinh viên thuê trọ sinh sống và học tập bên ngoài thì mọi việc còn đang bị bỏ ngỏ!
Theo VNMedia