Tết truyền thống Lào được tổ chức tại khuôn viên Học viện Ngoại giao. (Ảnh: QL) |
Coi nhau là anh em, gia đình
Có thể khẳng định giáo dục là lĩnh vực hợp tác cơ bản và trọng tâm của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Lào. Trong những năm qua, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, đề án nhằm tổ chức các khóa trao đổi ngắn hạn, dài hạn, các chương trình trao đổi văn hóa, tài trợ nhiều suất học bổng hỗ trợ du học sinh hai nước.
Southida Tanphanith (trái) và Deneta Latsavong, sinh viên năm 4, khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Q.L) |
Các chương trình này nhằm nâng cao tinh thần hợp tác hữu nghị, đồng thời đẩy mạnh trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, đặc biệt là tạo nguồn nhân lực rất quan trọng cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Lào.
Học viện Ngoại giao là một trong những đơn vị đào tạo nhiều thế hệ lưu học sinh Lào. Hằng năm, có khoảng 100 sinh viên Lào theo học tại Học viện Ngoại giao với các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ thuộc 3 ngành học Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế và Kinh tế quốc tế.
Chất lượng sinh viên Lào ngày càng được nâng cao, sinh viên Lào cũng luôn tham gia tích cực các phong trào văn nghệ, công tác xã hội do Học viện phát động.
Với nhiều sinh viên Lào, Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của họ. Được học tập và sinh sống tại Việt Nam, họ luôn có cảm giác như ở chính quê hương mình.
Khi được hỏi về trải nghiệm học tập tại Việt Nam, các sinh viên Lào tại Học viện Ngoại giao đã chia sẻ sự thích thú và ấn tượng về con người cũng như đất nước Việt Nam. Họ đều cảm thấy may mắn khi được học tập tại đây.
Du học sinh năm thứ hai Mixay Vanphachith chia sẻ: “Mình cảm thấy người Việt rất tốt bụng và thân thiện. Đặc biệt, Việt Nam rất đẹp, có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn. Tôi rất vui vì được học tập tại Việt Nam.
Tôi đã đi qua được một nửa chặng đường trong quá trình học tập, tôi thực sự cảm nhận được tình cảm của người dân Việt Nam dành cho chúng tôi. Bên cạnh việc học tập, tôi cũng dành thời gian khám phá đất nước Việt Nam tươi đẹp với những địa điểm du lịch lý tưởng”.
Việt Nam mang lại cho các bạn du học sinh cảm giác thân thuộc và gần gũi, người dân thân thiện như những người đồng hương của mình. Đó là điều khiến Ketsana Keobounmee cảm thấy hạnh phúc nhất khi theo học ở Việt Nam.
“Cảm nhận đầu tiên của mình là tình cảm người Việt dành cho chúng mình. Các bạn trong lớp luôn giúp đỡ và dành nhiều tình cảm cho mình như là các thành viên trong gia đình.
Khi biết mình là người Lào, các bác, các chú mình tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày cũng quan tâm và kể cho mình những câu chuyện thú vị tại Việt Nam, khiến mình có cảm giác gần gũi như quê của mình”, Ketsana Keobounmee chia sẻ.
Quan hệ gắn bó keo sơn
Các sinh viên Lào tại Học viện Ngoại giao nói riêng và tại Việt Nam nói chung đều trân quý tình hữu nghị Việt Nam-Lào và luôn tâm niệm sẽ nỗ lực hết mình để vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt, hiếm có này.
Ketsana Keobounmee, sinh viên năm thứ 2, khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Q.L) |
Theo bộc bạch của Ketsana Keobounmee, "tình hữu nghị Việt-Lào rất sâu sắc và mình rất hãnh diện khi được cử sang Việt Nam học tập. Ông của mình cũng rất yêu quý Việt Nam và đã từng sát cánh cùng quân và dân Việt Nam chiến đấu với thực dân Pháp. Vì vậy, mình rất vui và hạnh phúc khi sang Việt Nam học tập với hy vọng sau này có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho quan hệ hai nước, gắn kết người dân hai nước với nhau”.
Cậu sinh viên cũng rất háo hức với các ngành học ở Việt Nam và luôn biết ơn về những chính sách mà Chính phủ Việt Nam dành cho các sinh viên Lào.
Mỗi thế hệ sinh viên Lào sang Việt Nam học tập đều ý thức được trong mình trách nhiệm phát triển mối quan hệ giữa hai nước ngày càng bền chặt hơn.
Sinh viên Deneta Latsavong chia sẻ: “Mối quan hệ Việt Nam-Lào là mối hệ đặc biệt sâu sắc, gắn bó mật thiết... Mình tin rằng con người sẽ là nhân tố góp phần thắt chặt tình cảm giữa hai quốc gia, là dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng mỗi du học sinh khi kết thúc việc học và trở về phục vụ Tổ quốc”.
Các sinh viên Lào đều có chung cảm nhận rằng, không đơn thuần là mối quan hệ song phương, hiện nay, trong “mái nhà chung” ASEAN, hai nước luôn ủng hộ và giúp đỡ nhau trong các chính sách phát triển, hỗ trợ lẫn nhau ở mọi phương diện.
Mái nhà chung ASEAN đã giúp mỗi người dân trong cộng đồng ASEAN đều tự tin, an tâm và hạnh phúc khi đặt chân tới bất cứ nơi đâu trong 10 quốc gia thành viên.
Sinh viên Southida Tanphanith cảm thấy may mắn vì là thành viên trong ngôi nhà chung ASEAN và luôn mong muốn Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển hơn nữa để mỗi người dân đều cảm thấy tự hào. Southida Tanphanith mong muốn Việt Nam và Lào sẽ ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau cùng xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh và thịnh vượng, lấy người dân làm trung tâm.
Mỗi sinh viên Lào khi đến với Việt Nam đều mang trong mình một tâm niệm sẽ luôn cố gắng để vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như câu thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt-Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
| Mô hình kết nghĩa bản-bản Việt Nam-Lào: Hỗ trợ nâng cao nhận thức, giúp đời sống người dân phát triển Trong lịch sử trường kỳ, cam go, đầy hy sinh mất mát, nhưng vô cùng vẻ vang của công cuộc xây dựng, bảo vệ và ... |
| Khai mạc triển lãm ảnh và trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa Hà Nội-Vientiane Sáng 10/8, UBND thành phố Hà Nội long trọng tổ chức khai mạc triển lãm ảnh và trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa ... |