Một năm sau khi Pierre Do (người Pháp) hoàn thành bằng thạc sĩ ở quê nhà, anh đã chọn đến Đại học Thanh Hoa - một trong những trường đại học uy tín nhất ở Trung Quốc, theo đuổi bậc tiến sĩ.
Sau khi học ở Trung Quốc hơn một năm, Do cho biết hoàn toàn không hối tiếc về quyết định của mình và những trải nghiệm học tập của anh tại Đại học Thanh Hoa là một trong những lý do cho điều ấy.
Anh nói: "Đây là một nơi rất tốt để làm công tác nghiên cứu, làm giàu kiến thức cho bản thân và phát triển các mạng lưới có lợi cho triển vọng tương lai của tôi”.
Các trường đại học uy tín của Trung Quốc đang ngày càng thu hút sự chú ý và được công nhận trên toàn thế giới. Xếp hạng mới nhất của Times Higher Education (THE) - một trong những tổ chức uy tín nhất xếp hạng các trường đại học trên thế giới, phản ánh xu hướng này.
Mới đây, THE đã công bố lần đầu tiên bảng xếp hạng các trường có uy tín trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 52 trường đại học Trung Quốc đại lục đã được đưa vào danh sách này. Đại học Bắc Kinh đứng ở vị trí thứ hai, Đại học Thanh Hoa ở vị trí thứ tư, theo Tân Hoa Xã ngày 5/7. Biên tập viên bảng xếp hạng Phil Baty cho biết dữ liệu cho thấy rằng Trung Quốc là nơi có các trường đại học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu.
Công nhận từ quốc tế
Theo THE, bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới là bảng biểu duy nhất đánh giá hiệu quả toàn cầu của các trường đại học chuyên sâu về tất cả các nhiệm vụ chính của họ như: giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao kiến thức và triển vọng quốc tế.
Baty cho biết: "Nhìn chung, bảng này cung cấp một bức tranh chung về các nước và các trường đại học sẽ cung cấp nền tảng giáo dục đại học hàng đầu thế giới trong những năm tới. Chẳng có gì đáng nghi ngờ nếu nhiều trường trong số này nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
"Đại học Bắc Kinh giành được điểm số cao nhất về môi trường giảng dạy, trong khi Đại học Thanh Hoa lại dẫn đầu về môi trường nghiên cứu. Đây là một thành tựu tuyệt vời".
Sau khi thấy bảng xếp hạng, Do cho biết anh không ngạc nhiên khi thấy nhiều trường đại học Trung Quốc được liệt kê vào đó. "Nhiều chuyên ngành tại một số trường đại học Trung Quốc khá nổi tiếng ở các nước phương Tây hiện nay", anh nói.
Các trường đại học Trung Quốc ngày càng thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến học tập. (Nguồn: Global Times) |
Giáo sư của tôi ở Pháp đã giới thiệu trường học cho tôi, vì vậy đó thực sự là sự lựa chọn hàng đầu của tôi. Tôi chỉ ngạc nhiên là Đại học Bắc Kinh đứng cao hơn Đại học Thanh Hoa. Tôi tin rằng trong lĩnh vực kỹ thuật, Đại học Thanh Hoa là tốt nhất ở Trung Quốc".
Ông Zhou Dong, người sáng lập Hệ thống Đại học và Nhập học Đại học Trung Quốc (CUCAS) - một tổ chức cung cấp thông tin về các trường đại học Trung Quốc dành cho sinh viên quốc tế có ý định du học tại Trung Quốc, cho biết xếp hạng các trường đại học Trung Quốc đang được cải thiện nhanh chóng trong những năm gần đây.
Theo Zhou, Quacquarelli Symonds - một tổ chức có trụ sở tại Anh chuyên về giáo dục, 88 trường đại học Trung Quốc lọt vào danh sách 400 trường đại học hàng đầu thế giới vào năm 2016, và con số này đã tăng khoảng 30% lên 114 năm 2017.
Ông cho biết một tổ chức xếp hạng có thẩm quyền khác là US News and World Report đã liệt kê 57 trường đại học Trung Quốc trên 1.000 trường đại học toàn cầu vào năm 2016 và con số này đã tăng lên 87.
"Hút" sinh viên quốc tế
Bảng xếp hạng cho thấy sức mạnh toàn diện và khả năng cạnh tranh quốc tế của các trường đại học Trung Quốc đang được cải thiện.
"Nhờ vậy, các trường đại học Trung Quốc đã thu hút nhiều sinh viên quốc tế trong những năm gần đây", Zhou nói.
Năm 2016, 210.000 sinh viên quốc tế đã đến Trung Quốc để theo đuổi bằng cấp, tăng 13,6% so với năm 2015, theo thống kê của Bộ Giáo dục. Con số này không bao gồm những người đến Trung Quốc để học ngắn hạn, chẳng hạn như học ngôn ngữ hoặc các chương trình trao đổi.
Theo báo cáo tháng 10/2015 của Học viện Giáo dục quốc tế (Mỹ), vào năm 2015, Trung Quốc đã trở thành nước tiếp nhận số sinh viên di chuyển toàn cầu lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh trong ba năm liên tiếp.
Báo cáo cũng tiết lộ rằng trong năm 2014 đã có 4,5 triệu sinh viên quốc tế trên khắp thế giới. Mỹ đã tiếp nhận được 20% số đó, Anh Quốc 11%, và Trung Quốc nhận 8%.
Zhou cho biết thêm: "So với năm 2012, năm 2016 có nhiều sinh viên quốc tế học chuyên ngành khoa học, nông nghiệp và kỹ thuật hơn thay vì chỉ học tiếng Trung Quốc". Dựa trên thông tin từ số liệu của mình "con số này đã tăng hơn 100%", ông cho biết thêm.
Theo một báo cáo của Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc về trao đổi quốc tế năm 2016, 93% các trường đại học Trung Quốc đã lên kế hoạch cho một quá trình quốc tế bao gồm việc tuyển thêm sinh viên quốc tế, tuyển thêm giáo sư nước ngoài và xuất bản nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế.
"Nếu Trung Quốc, với danh tiếng ngày càng tăng của mình, có thể kích thích môi trường nghiên cứu với các nghiên cứu chất lượng trong các tạp chí hàng đầu, thì chắc chắn họ sẽ làm tăng vị trí của mình trong bảng xếp hạng trong những năm tới", Baty nói.
Các đặc quyền khi học ở Trung Quốc
Một trong những lý do chính mà Do đã chọn để theo đuổi việc học của mình ở Trung Quốc là anh tin rằng đây có thể là một lợi thế nghề nghiệp.
"Kinh tế Trung Quốc khá năng động, và có rất nhiều việc làm, không giống như ở Pháp - hiện nay không còn nhiều cơ hội nữa", Do cho biết. Để làm việc được ở đây, tôi phải học tiếng Trung Quốc, làm quen với văn hóa và khả năng xây dựng kết nối tốt có thể giúp tôi tìm được việc làm trong tương lai”.
Do nói rằng khi chọn một trường đại học, anh quan tâm đến vị trí của trường đó có ở một nền kinh tế năng động hay không. Theo anh, điều này rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả bản thân trường đó như thế nào.
Đại học Thanh Hoa. (Nguồn: tsinghua.edu.cn) |
Giulia - người Italy, đang theo đuổi bằng thạc sỹ kinh tế tại Đại học Bắc Kinh cũng nghĩ rằng học tập ở Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Quyết định khôn ngoan của cô đã bắt đầu cho thấy kết quả. Mặc dù cô vẫn còn một năm trước khi tốt nghiệp, nhưng cô đã có một số lời mời công việc tại Italy vì những thành quả từ việc học tập tại Trung Quốc của cô. Các công việc chủ yếu đến từ các tổ chức chính phủ và các công ty có liên hệ thường xuyên với Trung Quốc. Họ rất cần những người có thể nói tiếng Trung Quốc giỏi và hiểu được nền kinh tế và nền văn hóa Trung Quốc, theo Giulia.
"Một công ty vận chuyển lớn có nhiều lĩnh vực kinh doanh với Trung Quốc rất ấn tượng với việc học của tôi ở Trung Quốc", cô nói. "Họ thậm chí đã nói với tôi rằng tôi có thể bắt đầu làm việc ngay lập tức mặc dù tôi vẫn chưa tốt nghiệp".
Chen Zhiwen, Trưởng Ban Biên tập của eol.cn (một tờ báo về bưu điện) cho biết: "Mục đích của hầu hết sinh viên khi tiếp nhận giáo dục là tìm kiếm một công việc tốt trong tương lai, không chỉ là trường học có môi trường tốt để nghiên cứu và viết giấy tờ".
Ông nói rằng sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới làm cho việc học tập ở nước này giống như một tài sản có thể đem lại nhiều cơ hội việc làm.
Chất lượng giáo dục tại các trường đại học Trung Quốc cũng đang được nâng cao. Chen nói rằng anh đã nói chuyện với nhiều giáo sư tại các trường đại học phương Tây và nhiều người trong số họ cho biết các sinh viên ở Trung Quốc đang vượt các đồng nghiệp của họ ở các nước phương Tây về khả năng xuất bản các bài báo và thực hiện nghiên cứu khoa học. Chen nói: "Khi đất nước trở nên giàu có, Trung Quốc có nhiều tiền hơn để đầu tư vào giáo dục. Vì vậy, các trường học có thể cải tiến cơ sở giáo dục và nghiên cứu của mình. Họ cũng thuê các giáo sư danh tiếng từ các nước phương Tây”.
Thực vậy, các trường đại học Trung Quốc đã thuê nhiều giáo sư phương Tây, những người đã giành được giải thưởng hàn lâm để trở thành giảng viên thường xuyên, cũng giúp nâng cao chất lượng giáo dục và triển vọng quốc tế của các tổ chức này.
"Môi trường học tập rất năng động, có tất cả các loại chương trình và sự kiện liên quan đến các chuyên ngành khác nhau được tổ chức mọi lúc để chúng tôi tham gia. Nhiều giảng viên, khách mời quan trọng đã tới diễn thuyết khiến tôi có cảm giác trường mình như là trung tâm của thế giới vậy", anh Do nói.
***
Đối với Zhou, việc nâng cao chất lượng giáo dục tại các cơ sở của Trung Quốc sẽ không chỉ đẩy mạnh xếp hạng quốc tế của họ mà còn thu hút nhiều sinh viên hơn, là động lực càng thúc đẩy trường tiến lên phía trước.
Zhou cho biết: "Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho sinh viên ở Trung Quốc và tăng khả năng cạnh tranh của họ".
"Nếu các trường đại học Trung Quốc muốn cạnh tranh hơn nữa trên thế giới, tôi nghĩ rằng họ cần nâng cao tính quốc tế, ví dụ như có nhiều chương trình trao đổi với các trường đại học ở Mỹ và Anh quốc, làm cho các trường đại học Trung Quốc nổi tiếng hơn trong giới sinh viên phương Tây", Do đề xuất.
Theo anh, cũng sẽ có ích cho các trường đại học Trung Quốc "tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để giúp sinh viên quốc tế học tiếng Hoa, hoà nhập vào văn hoá Trung Quốc và hiểu biết tốt hơn về đất nước này".