Tấm pin trong suốt mà các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Kogakuin đang nghiên cứu. (Nguồn: Treehugger) |
Các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Kogakuin (Nhật Bản) đang tiến hành nghiên cứu và chế tạo một loại pin trong suốt, có thể sạc trực tiếp bằng ánh sáng Mặt trời. Giáo sư Mitsunobu Sato, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết, họ đang đặt mục tiêu tạo ra một công nghệ mới có tên gọi "Smart window".
Dự án "Smart window" là phần tiếp nối của công trình nghiên cứu mà các nhà khoa học tại Đại học Stanford đã thực hiện. Năm 2011, họ đã phát triển công nghệ pin trong suốt, sử dụng các điện cực nhỏ như những tế bào. Hiện tại, nhóm nghiên cứu của Đại học Kogakuin đang tiếp tục cải tiến công nghệ này bằng cách thay đổi cấu trúc hóa học của các điện cực để chúng có thể nạp năng lượng trực tiếp dưới điều kiện ánh sáng Mặt trời.
Với công nghệ "Smart window", các hãng sản xuất có thể sử dụng nó để thay thế màn hình của smartphone hiện nay, hay thậm chí là lớp vỏ bên ngoài của điện thoại. Nếu dự án này thành công, trong tương lai, người dùng có thể thoải mái check-in trên Facebook hay đọc báo điện tử mà không lo hết pin vì chiếc điện thoại của mình vẫn đang được sạc liên tục từ nguồn năng lượng vĩnh cửu.
Tuy nhiên, giống như công nghệ pin trong suốt thế hệ đầu mà các nhà khoa học của Đại học Stanford sáng chế, loại pin tự sạc này vẫn đang trong quá trình phát triển và chưa có gì chắc chắn là chúng sẽ được đưa vào sử dụng trong thực tế sản xuất.
H.Q (theo Treehugger)