Các nhà báo trẻ trong chương trình giao lưu nghiệp vụ với PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh: Dân Việt) |
Có thể nói, đích đến của chuyển đổi số báo chí là báo chí số. Để phát triển và quản lý báo chí số - nền báo chí truyền thông gắn với chủ thể số, nội dung số, nền tảng số, công cụ số thì việc tiếp cận lý thuyết xã hội thông tin để phân tích, tìm ra những vấn đề đối với sự phát triển của báo chí số là cần thiết và hữu dụng.
Tiếp cận công chúng theo cách mới
Thực tiễn cho thấy, xã hội thông tin ở Việt Nam đang trong tiến trình hình thành và phát triển. Tất cả các nước kinh tế phát triển đều hiểu rõ sự cần thiết phải có định hướng nhà nước vào thị trường thông tin và đã ban hành những văn bản pháp luật chấn chỉnh các hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, những cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện chính sách thông tin quốc gia.
Trong xã hội thông tin, báo chí và truyền thông đại chúng trên nền tảng số chiếm vai trò quan trọng trên Internet. Báo in muốn được công chúng tiếp cận thì phải tìm cách số hóa để xuất hiện trên “không gian công cộng” và hệ sinh thái số. Nền báo chí dựa trên dòng thông tin báo chí với bốn loại hình truyền thống và các phương tiện tuyên truyền, cổ động, quảng cáo truyền thống, nay xuất hiện nhiều dòng thông tin trong sự đan chéo về nội dung và hình thức thông tin.
Xét dưới dạng mô hình, xã hội thông tin hình thành ba dòng chảy lớn nhất bao gồm: thứ nhất, các loại hình và phương tiện truyền thông liên cá nhân; thứ hai, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng; thứ ba, truyền thông xã hội. Ba thành phần này có quan hệ chặt chẽ và có mối quan hệ biện chứng, qua lại và tương tác với nhau.
Báo chí số khi phát hành trên nền tảng mạng xã hội, sẽ tác động qua lại với xã hội thông tin theo năm chiều, bao gồm: một là, phát triển kinh tế số, với khởi nguồn là kinh tế truyền thông số; hai là, thúc đẩy công nghệ và khuếch tán khoa học công nghệ; ba là, tạo sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội; bốn là, tạo ra các dòng chảy thông tin đa dạng, phong phú, với ba dòng chảy thông tin cơ bản ứng với các nhóm sản phẩm báo chí và truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội như đã nêu trên, song hành với truyền thông liên nhân cách và truyền thông xã hội, với sự cạnh tranh gay gắt để chiếm vị trí chủ đạo thu hút công chúng và dẫn dắt dư luận; năm là, các dấu hiệu mở rộng, trong đó, quan trọng nhất là các dấu hiệu mở rộng nền dân chủ, văn hoá truyền thông, an toàn và an ninh truyền thông, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội…
Những điều kiện tiên quyết
Mỗi cơ quan báo chí cần xác định được mô hình tòa soạn số là đích của chuyển đổi số. Xem xét báo chí số trong mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời là điều kiện tiên quyết để xây dựng mô hình toà soạn số, hội tụ Nội dung số + Công nghệ số + Công chúng số + Kinh tế số.
Ứng với điều này là mô hình hội tụ bốn khu vực của tòa soạn số, bao gồm: khu vực sản phẩm số (hoạch định chiến lược nội dung số); khu vực hoạt động nghiệp vụ số (bao gồm: xác định các vị trí nghiệp vụ chính, nhân lực và vật lực bên trong tòa soạn đảm trách tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm báo chí số và dịch vụ giá trị gia tăng; các đối tác chính của cơ quan báo chí); khu vực công chúng số (phân khúc công chúng, khách hàng số, quan hệ khách hàng, tiếp thị, thực hiện chiến lược phát triển công chúng/khách hàng số); khu vực kinh tế số-quản trị, kinh doanh sản phẩm báo chí số và các dịch vụ giá trị gia tăng.
Đây cũng là điều kiện tiên quyết cho các vấn đề đặt ra với các thành tố của báo chí số, bao gồm: chủ thể báo chí số (nhà báo, máy/robot, công chúng số), nội dung số, nền tảng số, công cụ số, hệ sinh thái số.
Gần đây, việc nghiên cứu kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội và các công cụ truyền thông mới trong thăm dò dư luận xã hội, tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông và quản trị khủng hoảng ở các quốc gia cung cấp nhiều tham chiếu thích hợp cho chính phủ các quốc gia đang phát triển nói chung và truyền thông châu Á nói riêng, trong đó có Việt Nam.
Yếu tố mấu chốt
Thực tiễn cho thấy, ngoài việc xây dựng mô hình báo chí số và chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí, cần phải chú trọng vào yếu tố có tính mấu chốt: nhân lực và vật lực. Trong đó, nhân lực cho báo chí số hiện nay còn rất thiếu và yếu so với thực tế.
Yêu cầu đối với chủ thể báo chí số rất cao: họ cần có phẩm chất và năng lực thực hiện bảy khối chức năng của mô hình tòa soạn số bao gồm: thứ nhất, lớp chức năng quản lý, chỉ đạo; thứ hai, lớp hạ tầng kỹ thuật; thứ ba, lớp các dịch vụ dùng chung; thứ tư, lớp ứng dụng và cơ sở dữ liệu; thứ năm, lớp dịch vụ cổng thông tin; thứ sáu, kênh phân phối; thứ bảy, lớp người dùng/công chúng.
Bởi vậy, cần có chiến lược và giải pháp cụ thể về chủ thể báo chí số với năng lực sử dụng và điều khiển công nghệ trong mọi tiến trình, quy trình sáng tạo nội dung, quản trị tòa soạn.
Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác, đang nỗ lực rất lớn nhằm thực hiện mục tiêu này. Nguồn lực công nghệ thông tin là cốt lõi nhưng chưa đủ. Cần có nguồn nhân lực có khả năng sử dụng và ứng dụng các nền tảng công nghệ số truyền thống và các nền tảng công nghệ mới như: âm thanh, báo chí tự động, chatbot, video trực tiếp (live-stream) và các nền tảng sáng tạo nội dung tương thích với kỹ thuật kể chuyện số theo chiều dọc, chiều ngang, đa phương tiện. Nói cách khác, năng lực về công nghệ truyền thông luôn phải tích hợp với năng lực sáng tạo nội dung tương thích với các nền tảng công nghệ và sự phối hợp đa kênh, đa nền tảng, bao gồm cả nền tảng truyền thống và các nền tảng xã hội mới.
Trong việc xác định nội dung đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, cần bao gồm ba nhóm cốt lõi: công nghệ số + nội dung số + mỹ thuật số. Tuy nhiên, với một chương trình đào tạo cử nhân, khó có thể “ép” quá nhiều nội dung đào tạo, cả kiến thức, kỹ năng căn bản và chuyên sâu, cập nhật những thành tựu, xu hướng công nghệ mới (vốn thay đổi hàng ngày, hàng giờ). Quá trình cập nhật nội dung tương thích với sự đổi mới quá nhanh của các nền tảng và xu hướng ứng dụng công nghệ truyền thông gặp nhiều rào cản, đi liền với rào cản xây dựng giáo trình và tài liệu học tập về công nghệ số hay nội dung số hiện nay.
Với các khoá bồi dưỡng ngắn hạn (dưới ba tháng) thì sức ép về nội dung đào tạo lại lớn gấp nhiều lần do đầu vào của các thành viên các khoá bồi dưỡng không đều nhau, và chỉ tập trung trong khoảng thời gian ngắn nên càng khó hơn trong xây dựng nội dung và tài liệu giảng dạy.
Đào tạo công nghệ truyền thông đòi hỏi kiến thức đa ngành, năng lực đổi mới sáng tạo của chủ thể đào tạo bồi dưỡng, đòi hỏi phải tổ chức theo mô hình giáo dục 4.0, trong đó có sự vận hành kết nối và tương tác của mô hình hoá, học tập thực tế (trải nghiệm), học tập theo nhu cầu, vận dụng trí thông minh nhân tạo, tổ chức quá trình học sâu của người học, đánh giá thực tế và đa dạng hoá hình thức đào tạo, đặc biệt là đào tạo từ xa (trực tuyến).
Mô hình phân tích tác động qua lại của mạng xã hội dưới góc nhìn xã hội thông tin. |
Nỗ lực đào tạo nhân lực truyền thông chính sách
Các ngành đào tạo về công nghệ thông tin, báo chí truyền thông có thị trường rộng mở do sức hút lớn đến từ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp truyền thông thuộc ngành công nghiệp truyền thông, công nghiệp văn hoá và giải trí. Do vị trí việc làm tương thích dẫn đến tình trạng số sinh viên ra trường chọn làm việc trong lĩnh vực truyền thông chính sách ít hơn. Năng lực ứng dụng công nghệ trong truyền thông chính sách không đạt yêu cầu cao như đối với lĩnh vực báo chí hay doanh nghiệp.
Đối tượng bồi dưỡng nguồn nhân lực truyền thông chính sách thường là nguồn nhân lực đang làm việc ở bộ phận tuyên truyền hay truyền thông của các cơ quan ban Đảng, các bộ ngành trung ương, hay chính quyền các cấp ở địa phương. Đối tượng này trình độ không đều nhau, phần lớn không còn trẻ, nên việc tiếp cận với lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là thực hiện học tập qua thực tế là khó khăn hơn nhiều so với sinh viên đại học có kiến thức nền tảng tốt và có khả năng thích ứng nhanh trong môi trường số.
Dù đã nỗ lực lớn trong đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ trong đào tạo công nghệ truyền thông, hầu hết các cơ sở đào tạo Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với sự hạn chế do tính bắt buộc trong đào tạo thực hành công nghệ truyền thông. Việc đi thực tế, thực tập nghề nghiệp của sinh viên là thách thức rất lớn bởi trong thực tế chưa có nhiều các thiết chế truyền thông có đủ điều kiện về nhân lực hướng dẫn, mô hình công nghệ truyền thông chính sách, nền tảng công nghệ truyền thông chính sách tiên tiến, do đó việc tổ chức đào tạo kỹ năng nghề nghiệp là một khó khăn không nhỏ.