📞

Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh: Nhớ lại

Đại sứ Vũ Hắc Bồng 15:22 | 28/10/2020
TGVN. Tôi đã công tác tại Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh 20 năm, vui buồn đều có, có thành công nhưng cũng có ưu tư. Thời kỳ trước, trong và sau này khi tôi rời Sở, Sở đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng với sự tin tưởng của Bộ Ngoại giao và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng cán bộ, nhân viên Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh năm 2019.

Bốn thời kỳ rất đáng nhớ của Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh

- Từ 1975-1986: Đây là thời kỳ sơ khai (lúc đầu còn gọi là Ban Ngoại vụ và thuộc Ủy ban quân quản Thành phố). Công việc đối ngoại sau chiến tranh là xây dựng cơ sở ban đầu cho công tác đối ngoại và góp phần vào sự cấu thành ngành Ngoại giao nhà nước, Ngoại giao Đảng và Ngoại giao nhân dân tại Thành phố. Lực lượng của Sở chưa nhiều, phần lớn là cán bộ ngoại giao do Bộ Ngoại giao bổ sung vào, các cán bộ của Ban thống nhất cũ (CP72) và một số được tuyển chọn tại chỗ mà phần lớn là qua các thân nhân có gắn bó với cách mạng.

- Thời kỳ từ 1986-1995: Cả nước đổi mới, Ngoại giao Thành phố cũng vậy. Sở cũng có những bước chuyển cả về tư duy và tổ chức. Nhiệm vụ đặt ra cho Sở lúc này là: 1) Hỗ trợ Bộ và Thành phố, cùng với các ngành thực hiện chương trình đoàn tụ gia đình sau chiến tranh (đây là lần đầu tiên ta chủ động phối hợp với Mỹ trong nhiệm vụ này) chuyển từ chương trình ra đi có trật tự (Orderly Departure Program - ODP); 2) Góp phần đối ngoại trong việc chi viện cho Campuchia; và 3) Thực hiện những bước đi ban đầu về quan hệ với quốc tế. Trong giai đoạn này, công việc nói chung đạt nhiều kết quả tốt, Bộ Ngoại giao và Thành phố đều yên tâm.

Về nội bộ của Sở, đã có những chấn chỉnh để phù hợp với tình hình, số lượng đã tới trên 100 người. Sở bắt đầu thực hiện nhiệm vụ vừa làm việc, vừa đào tạo. Từ đó đã hình thành trung tâm 87 Trần Quốc Thảo. Đã hoàn chỉnh tổ chức Phòng Văn hóa, Báo chí và Trung tâm Kinh tế Chính trị. Thời kỳ này có một số đồng chí đã qua đời, trong đó có đồng chí Lê Quang Chánh và Phó Giám đốc sở Lâm Văn Khai.

- Thời kỳ 1995-2005: Ta bước vào thời kỳ quan trọng, xóa bỏ bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế lâu dài, chiến lược, mở rộng hợp tác từ kinh tế thành chính trị, văn hóa và an ninh quốc phòng. Thành phố cũng đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều thành phố trên thế giới. Các thể chế đi dần vào khuôn khổ quy định. Việc lựa chọn cán bộ, nhân viên theo chế độ thi tuyển. Lãnh đạo Sở bổ sung lực lượng trẻ, lực lượng kế thừa. Tôi về nghỉ hưu vào cuối thời kỳ này.

- Thời kỳ 2005 đến nay: Đây là thời kỳ có nhiều điều mới mẻ. Đối ngoại đi vào cả chiều rộng lẫn chiều sâu để phục vụ cho chiến lược đối ngoại đa phương, đối ngoại phải có chất lượng cao. Ngoại vụ địa phương, trong đó có Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh phải có những cải tiến để nâng cao hiệu quả nhằm phục vụ đắc lực cho Bộ Ngoại giao và Thành phố. Sở cũng đã có những phát triển mới như có thêm nhiều cán bộ có năng lực về kiến thức ngoại giao, ngoại ngữ; nhiều cơ sở vật chất được bổ sung cho phù hợp như thể chế quản lý nhà khách, thành lập cơ sở dịch vụ đối ngoại; các bộ môn trong Sở đã trực tiếp đi vào phục vụ kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa có chất lượng và chiều sâu, được Bộ và Thành phố đánh giá tốt.

- Trong thời kỳ này, chúng ta phải đau buồn đưa tiễn sáu đồng chí đã qua đời, trong đó có đồng chí Dương Đình Thảo, Hồ Tư Trực...

Đôi điều tâm sự

45 năm đã trôi qua, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh từ thuở ban sơ cho đến khi đứng vững và trưởng thành đã trải qua nhiều giai đoạn thử thách, cho đến nay có thể nói đã cứng cáp hẳn lên. Sở đã có những thành công nhưng cũng có sai sót trong quá trình trưởng thành và phát triển. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận việc Sở Ngoại vụ đứng vững được, ngoài nhân tố cơ bản là có sự lãnh đạo của Bộ và Thành phố và sự hợp tác của các cơ quan Thành phố, còn do một số điểm mạnh riêng:

- Trí tuệ và chất lượng của tập thể, Sở đã không để xảy ra sai lầm chính trị và chuyên môn.

- Sở luôn giữ được nội bộ không có bè phái, không có lợi ích nhóm.

- Nội bộ Sở không có tham nhũng tập thể, đối với những cá nhân nhỏ thì đã kịp thời xử lý.

Cho đến bây giờ, tôi luôn tự hào về nội bộ Sở suốt 45 năm qua. Tôi muốn gửi tới thế hệ trẻ của Sở rằng các bạn đang có thế mạnh rất đáng quý:

- Có lãnh đạo rất quan tâm đến đối ngoại, đó là Bộ Ngoại giao và lãnh đạo Thành phố cùng sự hợp tác của các ngành.

- Bản thân thế hệ trẻ kế tiếp có trình độ, có học thức, có ngoại ngữ cũng như nhiều phương tiện làm việc.

- Biết giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống. Tôi hy vọng các bạn luôn học hỏi và áp dụng tốt trong công tác. Các bạn cũng cần biết giữ gìn đạo đức, kiềm chế ham muốn cá nhân và năng học tập, cầu tiến.

Tôi xin bày tỏ sự biết ơn đối với 53 anh chị em của Sở đã qua đời trong 45 năm qua. Sự cống hiến của các đồng chí sẽ luôn được các thế hệ sau ghi nhớ.

Nhân ngày vui của Sở, tôi xin chúc sức khỏe 140 đồng chí cao tuổi đã nghỉ hưu tại Sở hoặc ở ngoài Sở và xin khẳng định là trong sự thành công của Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh ngày nay luôn có sự đóng góp đáng quý của các đồng chí.

Đọc thêm về tác giả:

Ông Bồng, chiến sĩ & nhà ngoại giao