📞

Số phận đen đủi của tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trong lịch sử Liên Xô

Văn Đỉnh 08:57 | 31/03/2022
Khi ra mắt, tàu ngầm hạt nhân K-19 của hải quân Liên Xô được đặt rất nhiều kỳ vọng. Nhưng những gì mà con tàu này đem lại là sự đau khổ.

Năm 1959, Liên Xô cho ra mắt chiếc tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo đầu tiên mang tên K-19. Đây được coi là nỗ lực nhằm cạnh tranh sức mạnh trong lòng biển với Mỹ. Tuy nhiên, hàng loạt sự cố, trong đó có những tai nạn bí ẩn xảy ra trong quá trình đóng tàu khiến chiếc K-19 bị đặt biệt danh là "Hiroshima".

Tàu ngầm hạt nhân K-19 của Liên Xô đã gặp phải không ít tai nạn thảm khốc. (Nguồn: Wikipedia)

Tai nạn đáng sợ

Cách đây 50 năm, ngày 24/2/1972, một vụ hỏa hoạn xảy ra trên K-19 khi con tàu đang làm nhiệm vụ ở phía Bắc Đại Tây Dương.

Trước đó ít ngày, trong một khoang của tàu ngầm đã xảy ra sự cố rò rỉ dầu, khiến đám cháy bùng phát, làm nổ đường ống dẫn khí cao áp. Qua hệ thống thông gió, ngọn lửa lan nhanh sang bộ phận điều khiển tổ máy. Hy sinh, mất mát là điều không thể tránh khỏi.

Theo quy định nghiêm ngặt của hạm đội tàu ngầm, cánh cửa giữa các khoang luôn được khóa lại. Thủy thủ đoàn ở khoang nào phải tự tìm cách đảm bảo sự sinh tồn của mọi thành viên trong khoang của mình.

Khi tàu ngầm nổi lên từ độ sâu 120m, ngọn lửa đã lan sang khoang thứ 9, tất cả những khoang khác đều bị ngạt khí.

Các thủy thủ điều khiển đã rời khỏi buồng lái, chỉ còn Trung úy thuyền trưởng Milovanov và Thượng úy Yarchuk ở lại dập tắt đám cháy.

Các khoang đuôi tàu cũng bị ngạt khí tới mức, khi di chuyển tới các khoang trung tâm, Thuyền trưởng Milovanov bị ngất, một thủy thủ khác đã kịp thời đưa ông ra ngoài.

Khi xảy ra tai nạn, trong khoang số 10 ở phía đuôi tàu vẫn còn 12 thủy thủ, họ bị “nhốt” trong đó 3 tuần rưỡi. Khi lò phản ứng tắt, trong khoang không có điện, đèn pin còn đủ sáng trong một ngày, nước uống trong khoang đã hết, nước ngọt trong bồn kỹ thuật không còn nhiều.

Thức ăn, cũng chỉ đủ để chia cho các thủy thủ những khẩu phần ăn ít ỏi. Sau 2 ngày xảy ra tai nạn, hoạt động cứu hộ mới được triển khai. Tham gia cứu hộ có khoảng 30 tàu chiến các loại.

Máy bay trực thăng sơ tán một số thủy thủ đoàn, số còn lại được đưa lên tàu cứu hộ và các tàu chiến khác.

28 thủy thủ hy sinh trong vụ hỏa hoạn. Phải đến ngày thứ 23 sau khi tai nạn xảy ra, nhân viên cứu hộ mới tiếp cận được tới khoang số 10.

Thảm kịch được báo trước?

Mùa Hè năm 1959, Mỹ cho hạ thủy tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên, mang tên “George Washington”. Để không bị tụt lại phía sau, ngay mùa Thu năm đó, Liên Xô cũng cho ra mắt tàu ngầm nguyên tử đầu tiên của mình.

Đó chính là K-19, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên thuộc Đề án 658. Con tàu được trang bị tên lửa đạn đạo, đã hoàn tất thử nghiệm cấp quốc gia và được biên chế cho hải quân Liên Xô.

Chỉ có điều, rủi ro đã ập đến với tàu ngầm hạt nhân K-19 ngay từ khi bắt đầu chế tạo. Thậm chí, ngay từ lần hạ thủy đầu tiên vào năm 1959, các thủy thủ đã nhận thấy những “tín hiệu” không tốt lành.

Đài tưởng niệm những thành viên thủy thủ đoàn của tàu ngầm hạt nhân K-19, tại nghĩa trang Kuzminsky, Moscow. (Nguồn: AIF)

Trước khi con tàu mới đóng xong và có chuyến đi đầu tiên, người ta thường cử hành một nghi thức hạ thủy long trọng, đó là đập vỡ chai rượu vào thành tàu. Tuy nhiên, chai champagne dùng trong lễ hạ thủy tàu ngầm K-19 hôm đó lại không vỡ sau một lần đập. Đây được coi là một điều rất không may mắn.

Các điều không may còn liên tục đến sau đó. Năm 1961, khi vận chuyển tên lửa lên tàu, một chiến sĩ bị nắp phóng đè lên và hy sinh. Lúc chạy thử nghiệm, lò phản ứng hạt nhân bị trục trặc, khiến nhiều công nhân tử vong.

Tháng 7/1961, khi còn cách đảo Jan-Mayen cua Na Uy 70 hải lý, một lò phản ứng hạt nhân của K-19 gặp sự cố. Điều này có thể gây ra một thảm họa hạt nhân, nếu không, cũng là một vụ nổ, do hơi nước có nồng độ phóng xạ cao gây ra.

Một vụ nổ lớn đã được khắc phục, nhưng đổi lại là một cái giá phải trả không hề nhỏ. Do bị bỏng và nhiễm xạ khi khắc phục sự cố, 8 chiến sĩ đã hy sinh.

Rất nhiều đồng đội của họ cũng thiệt mạng sau đó vài ngày. Những thành viên còn lại của thủy thủ đoàn đều mắc các bệnh nan y, do nhiễm phóng xạ.

Năm 1969, tàu ngầm hạt nhân K-19 va chạm với một tàu ngầm hạt nhân lớp Gato của Mỹ, khiến phần mũi của K-19 bị hư hỏng nặng, trong khi đó, tàu của Mỹ lại không hề hấn gì.

Từ tháng 6 đến tháng 11/1972, K-19 được đưa đi sửa chữa. Trên đường trở về căn cứ sau khi hoàn thành khâu sửa chữa, một đám cháy đã xảy ra. Rất may không gây thiệt hại gì, do có các thủy thủ của tàu kéo đã kịp thời ứng cứu.

Tháng 11/1978, trên tàu K-19 lại bùng phát hỏa hoạn ở khoang số 6, nhờ có thiết bị cứu hỏa bằng hóa chất, đám cháy nhanh chóng được khống chế. Tháng 8/1982, do bị chập điện, một thủy thủ đoàn của K-19 tử vong.

Vì những tai nạn liên tiếp trong 29 năm hoạt động, K-19 bị coi là chiếc tàu ngầm đen đủi nhất của hải quân Liên Xô. Tháng 4/1990, nó bị loại khỏi biên chế của lực lượng này.

Năm 2018, doanh nhân Vladimir Romanov, người từng phục vụ trên tàu K-19 trong những năm 1960, đã quyết định mua lại cabin của tàu ngầm K-19, đặt bên hồ nước Pyalovsky, ngoại ô Moscow. Đây là một phần của đài tượng niệm các đồng đội đã hy sinh của ông.

(theo AIF)