Nhỏ Bình thường Lớn

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 12]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.

Char René (1907-1988) là nhà thơ siêu thực: cô đọng, khó hiểu. Tác phẩm chính: Búa không chủ (1934), Cuồng nộ và bí mật (1948), Mặt trời của nước (1951, kịch), Những cửa sổ cố định và cửa ra vào trên mái (1979).

Cuồng nộ và bí mật là tác phẩm chủ yếu của Char, gồm nhiều tập thơ: Chỉ còn lại (1945), Những tờ giấy nhỏ của d’Hypnos (1946), Những kẻ địch thẳng thắn, Bài thơ bị nghiền nhỏ (1947), Suối chuyện. Char là nhà thơ hiện đại có uy tín, chân trời mở rộng từ siêu thực ra những vấn đề xã hội, ca ngợi thiên nhiên (chiến tranh Tây Ban Nha, kháng chiến chống Đức). Thơ Char cô đọng, khó hiểu, gọt giũa (những hình ảnh vọt ra từ tiềm thức được trình bày lại).

***

Nhà thơ Chénier André.
Nhà thơ Chénier André.

Chénier André (1762-1794) là nhà thơ có cảm hứng hiện đại về thơ cổ Hy Lạp và triết học. Tác phẩm chính: Thơ điền viên (1819).

Thơ điền viên là tập thơ xuất bản khi Chénier phải lên đoạn đầu đài (đầu Cách mạng tư sản). Chénier rung cảm với phong cảnh, đời sống và thi ca cổ Hy Lạp - lời thơ đẹp và du dương, cảm động.

Một số bài thơ ngắn nổi tiếng: Người mù (nhà thơ mù Homerôs nói chuyện với những người chăn chiên rồi hát); Người ốm (một thanh niên thổ lộ với mẹ là bị ốm sau khi nhác thấy một cô gái; mẹ đi tìm cô, đôi trai gái lấy nhau); Thiếu nữ thành Tarentine (La Jeune Tarentine: cái chết của một cô gái trong tuổi xuân, bị gió cuốn rơi xuống biển trong khi đi thuyền trên biển đến nơi cưới; một kiệt tác về nhạc điệu buồn và đẹp).

***

Claudel Paul (1868-1955) là nhà thơ và nhà viết kịch, ông chịu ảnh hưởng của “trường phái tượng trưng”. Tác phẩm chính: Năm bài thơ ca ngợi lớn (1908), Thiên thần báo cho Marie (1912, kịch), Người bố bị nhục (1920, kịch), Chiếc hài satin (1924, kịch).

Thiên thần báo cho Marie là vở kịch ca ngợi danh Chúa qua đức tin và sự hy sinh cao cả của một cô gái trong sạch, ngược với tâm hồn độc ác của em gái.

Chuyện xảy ra vào thế kỷ XV ở nông thôn. Cô gái Violaine hôn Pierre de Craon, một người xây dựng nhà thờ si tình, thương hại chàng bị hủi. Nàng được cha (trước khi đi hành hương) hứa hôn cho anh thợ cày Jacques.

Em gái Violaine là Mara ghen, mách với Jacques là chị đã hôn Pierre. Jacques không tin nhưng khi Violaine cho Jacques xem một vết loét do lây hủi thì Jacques nguyền rủa nàng. Violaine rút vào ở một cái hang trong rừng sâu và bị mù. Mara và Jacques lấy nhau. Tám năm sau, họ sinh một đứa con gái chết yểu; Mara đi tìm chị. Violaine ôm xác cháu vào lòng, đứa hài nhi sống lại, mở mắt ra thì mắt màu xanh trong như mắt Violaine.

Mara lại ghen chị vì chồng chỉ nghĩ đến Violaine. Mara làm đổ một xe cát xuống người chị để giết chị. Pierre, người si tình đã khỏi hủi; Pierre bới được nàng từ đống cát lên khi nàng hấp hối, nàng kể lại sự thật cho Jacques là em rể, kể lại cho Jacques nỗi đau khổ là lẽ thường của phận người. Cha nàng đi hành hương về giải thích cho mọi người ý Chúa, như nhắc lại việc thiên thần báo cho Đức Mẹ Marie.

Chiếc hài satin là tác phẩm có liên quan đến một mối tình của tác giả cách đó hơn 20 năm (trên một chiếc tàu thủy đi Viễn Đông, Claudel yêu một phụ nữ Ba Lan đã có chồng. Sau năm năm đấu tranh với bản thân, ông đã tự kiềm chế được). Kịch viết năm 1924, mãi năm 1943 mới diễn.

Câu chuyện xảy ra cuối thế kỷ XVI, khi Tây Ban Nha lập Đế quốc ở châu Mỹ. Don Rodrigue có tham vọng đi chinh phục đất đai. Ngay lần đầu khi gặp phu nhân Prouhèze vợ Don Peslage là tỉnh trưởng Mogador, chàng yêu nàng; hai người cảm thấy rất gắn bó với nhau, nhưng Chúa cứu vớt họ: Don Rodrigue được một người anh là linh mục cầu nguyện giúp, còn Prouhèze thì được Đức Mẹ đồng trinh che chở (Prouhèze đã dâng Đức Mẹ chiếc hài satin của mình).

Hai người đã không sa ngã. Don Rodrigue được vua cử làm Phó Vương và đi mở rộng đất đai ở Nam Mỹ. Còn Prouhèze góa chồng lại hoạt động ở châu Phi. Nàng tái giá và Rodrigue cũng có nhiều nhân tình, nhưng tuy xa cách, hai người vẫn bị một mối tình thân bí gắn kết với nhau. Prouhèze chết trong một pháo đài bị đặt mìn. Rodrigue không còn ham muốn trần tục nữa; cuối đời bị què quặt, khổ cực, Rodrigue chỉ nghĩ đến cuộc đời vĩnh cửu bên Chúa.

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 11]

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 11]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ...

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 10]

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 10]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ...