Nhỏ Bình thường Lớn

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 15]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Nhà viết truyện và tiểu thuyết Daudet Alphonse.
Nhà viết truyện và tiểu thuyết Daudet Alphonse.

Daudet Alphonse (1840-1897) là nhà viết truyện và tiểu thuyết, miêu tả người dân Pháp miền Nam, trìu mến, hài hước. Tác phẩm chính: Thằng nhóc (1868), Những lá thư gửi từ cối xay gió (1866), Cô gái thành L’Arlésienne (1872), Tartarin de Tarascon (1872), Những truyện ngày thứ hai (1873), Jack (1876), Sapho (1884).

Những lá thư gửi từ cối xay gió gồm khoảng 30 truyện, mang nhiều rung cảm và chất thơ, miêu tả con người và phong cảnh tràn ngập ánh nắng của xứ Provence, quê hương của Daudet ở miền Nam.

Một số truyện nổi tiếng như: Cô gái thành L’Arlésienne. Daudet dựa vào truyện này viết một vở kịch Con dê cái của ông Seguin: con dê nhà buồn chán bỏ lên núi chơi, gặp chó sói, chống cự lại, đến sáng thì bị ăn thịt; Điều bí mật của ông Cornille: cối xay gió của ông Cornille vẫn hoạt động, mặc dù nhân dân trong vùng đều đến xay bột ở các nhà máy mới xuất hiện.

Sự thực thì ông Cornille quá yêu nghề, lén lút xay thạch cao. Làm một việc vô ích. Dân trong vùng biết chuyện, thương hại, mang lúa đến cho ông xay; Con la cái của Giáo hoàng: để trả thù một tên hầu của Giáo hoàng, con la đợi bảy năm mới đá cho hắn một cú nên thân; Cha xứ ở Qui-qui-nhăng: truyện hài hước về một cha xứ thuyết giáo tả địa ngục kinh khủng, đến nỗi các con chiên xứ đạo đều xám hối; Quan huyện ở ngoài cánh đồng: truyện hài hước nên thơ về một quan huyện không viết xong nổi một bài diễn văn vì mải ngắm cảnh đẹp thiên nhiên; Truyện cổ tích về người có bộ óc vàng: sau khi mẹ một thanh niên cho chàng biết là chàng có khối óc bằng vàng thì chàng cạy óc ra bán để tiêu pha; bị ăn cắp một mảng lớn, phần óc còn lại dâng cho người yêu.

Cô gái thành L’Arlésienne là vở kịch chuyển từ truyện ngắn Những lá thư gửi từ cối xay gió. Anh nông dân Frédéri yêu và xin cưới cô gái thành Arles (không xuất hiện trên sân khấu). Anh không yêu cô Vivette theo đuổi anh đã lâu. Được biết là cô gái thành Arles là nhân tình của một tay coi ngựa. Frédéri bỏ nhà lên ở một túp lều, chăn cừu. Bà mẹ vốn không đồng ý cho con lấy một cô gái lẳng lơ, thấy con héo hon, đành định đưa cô ta về nhà.

Frédéri cảm động nghĩ lại, lấy Vivette để cho mẹ có một nàng dâu xứng đáng. Nhưng sau hôn nhân, lửa tình không tắt. Được biết, tên chăn ngựa đưa cô gái thành Arles trốn đi, Frédéri nổi máu ghen định hạ sát tình địch, mặc dù vợ cố can ngăn. Frédéri tự tử chết.

Những truyện ngày thứ hai gồm 40 truyện về cuộc chiến tranh Pháp - Phổ 1870. Pháp thua, bị xâm lăng, Paris bị vây. Tác phẩm đưa ra một loạt bức họa hiện thực và cảm động.

Buổi học cuối cùng: một thày giáo già đã đem cả tâm hồn của mình dạy cho lớp tiếng Pháp cuối cùng, vì tiếng Pháp bị cấm dạy trong xứ Alsace do Phổ chiếm đóng; Những người mẹ: trong khi Paris bị vây, hai bố mẹ già xin được đến thăm con đi lính đã lâu, định cùng con ăn một bữa. Nhưng con được lệnh phải lên pháo đài gác ngay; Đứa con làm gián điệp: một đứa bé con hư hỏng nhận tiền của bọn Phổ chỉ điểm một số du kích. Ông bố biết chuyện, lấy súng vào du kích; Ván billard: một chuyện bi thương, cay nghiệt, có thể gợi ý cho Phạm Duy Tốn viết “Sống chết mặc bay”.

Viên tướng Tổng tham mưu mải mê đánh một ván billard trong khi binh lính đợi lệnh trong mưa và bùn. Sau khi thắng các đồng sự, ngài ra lệnh thì không kịp nữa, đạo quân bị đánh tan tác.

***

Descartes (1596-1650) là nhà triết học (duy lý luận). Tác phẩm chính: Luận văn về phương pháp (1637).

Luận văn về phương pháp là tác phẩm cơ bản của Descartes mở đầu triết học hiện đại ở châu Âu, là cuốn triết học đầu tiên không viết bằng tiếng Latin, mà bằng một tiếng phổ thông (tiếng Pháp).

Descartes đại diện cho tư tưởng tư sản tiến bộ: bác bỏ triết học Kinh viện Trung cổ dựa vào uy quyền (giáo hội – người xưa), chủ trương triết học duy lý, đem lý tính và phương pháp toán học thay thế cho tín ngưỡng mù quáng. Mọi người muốn tìm chân lý chỉ cần dựa vào lý tính (raison) là áp dụng một phương pháp có bốn quy tắc:

1- Tin chắc chắn (chỉ chấp nhận là thật cái gì tự bản thân mình biết là chắc) chứ không do lệnh trên, do bị ép buộc;

2- Phân tích (chia cắt cái khó ra thành những mảnh nhỏ hết sức để giải quyết dần);

3- Tổng hợp (tư duy theo trình tự, từ cái đơn giản đến cái khó hiểu, rồi đến cái phức tạp);

4- Liệt kê tất cả các yếu tố của vấn đề, không bỏ sót gì.

Descartes áp dụng phương pháp này vào bản thân mình. Để tránh mọi thiện kiến, phải xuất phát từ hoài nghi: bắt đầu cho là tuyệt đối không có gì cả; nhưng khi trong hoài nghi triệt để, cũng không thể nghi việc mình “nghĩ”; vậy thì điểm tin chắc chắn khởi thủy là “Ta tư duy (nghĩ), vậy là ta tồn tại” (Je pense, donc je suis = tiếng Latin là “Cogito, ergo sum”).

Từ xuất phát điểm duy tâm ấy, “tư duy” suy luận ra là: Thượng đế và thế giới vật chất cũng có (tồn tại). Người ta thường cho triết học Descartes phản ánh tư duy của dân tộc Pháp.

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 14]

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 14]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ...

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Phác họa văn hóa phương Tây (kỳ cuối)

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Phác họa văn hóa phương Tây (kỳ cuối)

TGVN. Đạo Kito khác đạo Do Thái ở chỗ nó đề cao tuyệt đối đức tin và nội tâm. Mặc cảm tội lỗi là một ...