📞

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 16]

HỮU NGỌC 09:00 | 13/03/2022
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Nhà văn Diderot Denis.

Diderot Denis (1713-1784) là nhà văn và nhà triết học Ánh Sáng, người đề xướng ra loại kịch thị dân (Drame Bourgeois) đề cao đạo đức.

Tác phẩm chính: chủ biên Bách khoa toàn thư (1751-1776), Thư về những người mù (1749), Phủ định con người của Helvétius (1733), Giấc mơ của Alembert (1769), Đứa con hoang (1757, kịch), Người cha trong gia đình (1758, kịch), Nghịch lý về diễn viên (1773, luận văn), Cháu họ của Rameau (1762, tiểu thuyết), Nữ tu sĩ (1760, tiểu thuyết, xuất bản năm 1796), Jacques, kẻ tin định mệnh và ông chủ (1773, truyện, xuất bản năm 1796).

Bách khoa toàn thư là bộ Từ điển Bách khoa Pháp do Diderot làm chủ biên với sự hỗ trợ đắc lực của d’Alembert, xuất bản trong 21 năm (35 tập). Cộng tác viên có những nhà triết học lớn của thế kỷ (Holbach, Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Helvetius, Condillac...), nhà quân sự, y học (Cabanis), kỹ sư, bác học (Condorcet).

Bộ sách phục vụ cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản đương lên, phổ biến những quan điểm duy vật của trào lưu Ánh Sáng, đánh đổ uy tín của giáo hội Thiên Chúa giáo đối với tư tưởng triết học và đặt nền móng tư tưởng cho Cách mạng Tư sản 1789.

Thư về những người mù là luận văn khoa học và triết học ngắn của Diderot viết năm 36 tuổi, Diderot bị giam ba tháng do nội dung vô thần. Thư viết nhân dịp nhà bác học Réaumur mời một số nhà khoa học và triết học đến theo dõi những phản ứng đầu tiên (đối với ánh sáng) của một nhà toán học Anh mù từ khi đẻ, vừa được mổ vì đục nhân mắt.

Cuộc thí nghiệm chứng minh là tri giác, chiều sâu của con mắt không phải là bẩm sinh. Từ đó, Diderot suy diễn ra là tất cả tri thức đều do giác quan đưa lại và chủ trương chủ nghĩa duy vật vô thần. Trật tự của thế giới, ngay cả khi có vẻ thật hoàn hảo, không thể coi là một bằng chứng nói lên sự tồn tại của Thượng đế.

Đứa con hoang là một vở kịch đề cao đạo đức. Dorval là một thanh niên lương thiện, giàu tình cảm. Bị xã hội rẻ rúng vì là một đứa con hoang, chàng cảm thấy cô đơn. Nhưng cái khắc khổ của chàng lại khiến cho phụ nữ ưa thích. Constance, em gái của bạn chàng là Clairville yêu chàng, vợ chưa cưới của Clairville là Rosalie cũng mê chàng. Chàng cũng yêu Rosalie.

Theo tiếng gọi của lương tâm, chàng tự đấu tranh và thắng được tình cảm bất chính. Rút cuộc, chàng phát hiện ra người yêu lại chính là em ruột mình. Bạn chàng lấy Rosalie, còn chàng lấy Constance.

Cháu họ của Rameau (Bản dịch sang tiếng Đức của Goethe xuất bản năm 1805, nguyên bản năm 1821) là tiểu thuyết kiệt tác của Diderot, viết dưới hình thức đối thoại giữa Hắn (cháu họ nhạc sĩ Rameau) và Tôi (Diderot). “Hắn” là một gã có tính cách phức tạp, vừa cao thượng vừa hèn hạ, vừa có đầu óc thực tế vừa có lý luận lông bông, vô luân mà sâu sắc, hiểu biết rộng và rất say mê âm nhạc. Hắn là một nghệ sĩ lang thang luôn sống ăn bám nơi giàu sang.

Tác giả gặp hắn sau bữa ăn ở một quán cà phê. Hai người nói chuyện với nhau huyên thuyên. Cuộc trao đổi phản ánh một cách thẳng thắn những lo âu và những tư tưởng thầm kín của tác giả về vấn đề đạo đức. Hắn chửi rủa các người tài năng, nhưng cũng muốn là một tài năng. Hắn vừa mất chỗ ăn bám béo bở, định quỵ lụy quay trở lại, nhưng cũng biết tự ái. Hắn kể lại, hắn dạy đàn, dạy lếu láo, coi việc moi tiền bọn có của là chính đáng.

Hắn tìm mọi thú vui, chỉ nguyên tắc đạo lý là hão huyền. Hắn cùng một bọn nhà văn viết lách chửi rủa để kiếm tiền. Hắn bàn về phê bình nhạc. Hắn nghĩ nên cho con không theo nhạc mà theo con đường khác bở hơn. Hắn đành là một tên khốn nạn, một kẻ thất bại.

Đấy là tội của một xã hội làm con người ta hèn đi. Chỉ làm triết gia là không phụ thuộc ai, nhưng lại mất ăn; thôi, thà cứ là trò múa rối hèn hạ vậy. Tác phẩm miêu tả phong tục giới văn nghệ ở Paris.

Nữ tu sĩ là tiểu thuyết trào phúng về đời sống trong một tu viện nữ vào thế kỉ 18, bên vực tự do cá nhân. Diderot cho đi tu là cưỡng lại tự nhiên. Cô Suzanne, con hoang, bị mẹ ép buộc vào nhà tu kín để khỏi ảnh hưởng đến phần gia tài của hai cô con gái chính thức. Cô viết thư nhờ luật sư can thiệp để được ra. Biết chuyện, tu viện trưởng cho hành hạ cô hết sức dã man.

Cha xứ vốn công minh, sau khi điều tra, cho chuyển Suzanne sang tu viện khác. Cô gái ngây thơ lại bị những nỗi khổ khác. Cô bị bà xơ viện trưởng dâm đãng ngày đêm mơn trớn như người tình. Suzanne trốn ra ở nhà một chị thợ giặt và làm việc nuôi thân. Sau khi nhận được thư, một vị hầu tước thương người sẵn sàng bảo vệ cho Suzanne, nhưng Suzanne bị ốm rồi chết.

Jacques, kẻ tin định mệnh và ông chủ là một truyện triết học. Ông chủ là một người quan niệm con người hoàn toàn tự do (theo triết học), còn đày tớ Jacques, bừa bãi, rượu chè, bướng bỉnh, ba hoa, nhưng trung thành, theo thuyết định mệnh của Spinoza.

Cả hai chỉ là những con rối phát biểu ý kiến của Diderot về vấn đề “tự do”. Jacques cùng thầy cưỡi ngựa rong ruổi đường trường; Jacques định kể lại các chuyện tình duyên của hắn.

Câu chuyện luôn bị ngắt bởi những suy nghĩ của chủ hoặc, của một nhân vật khác, hoặc có những sự việc xen vào; chuyện hai đại úy vừa là kẻ thù vừa là bạn nối khố, chuyện một hiệp sĩ, chuyện một phu nhân trả thù bằng cách lừa cho tình nhân của mình lấy một gái giang hồ giả mạo làm người mộ đạo... Jacques ba hoa về triết học, nghệ thuật, thiên nhiên, luật nhân quả, rồi trở về câu chuyện tình ái.