Nhà xã hội học Durkheim Emile. |
Durkheim Emile (1858-1917) là nhà xã hội học.
Tác phẩm chính: Những quy luật của phương pháp xã hội học (1894), Tự tử (1897).
Tự tử là tác phẩm xã hội học dựa vào những thống kê chính thức. Theo Durkheim, những lý do khiến cho cá nhân tự tử chẳng qua chỉ là những “cớ” và những “dịp”, chứ không phải là nguyên nhân.
Những nguyên nhân thực có tính chất xã hội: ý muốn cá nhân bị ngự trị bởi một hiện thực tinh thần, sức mạnh của một ý thức tập thể vô hình; do đó, mỗi dân tộc có một tỷ lệ tự tử không thay đổi, một hằng số quyết định bởi những thể chế...
Durkheim đưa ra một quy luật: “Tự tử thay đổi theo tỷ lệ nghịch so với sự hòa nhập vào xã hội tôn giáo, xã hội trong nhà (gia đình) và xã hội chính trị (quốc gia)”.
Người ta phê phán Durkheim về chỗ quá coi nhẹ quyết định cá nhân, và dựa vào những dữ kiện cũ và không hoàn chỉnh. Durkheim hình như không biết về bệnh “tâm thần chu kỳ” (Cyclothymic): người bệnh trải qua những thời kỳ hưng phấn và trầm cảm thường gây ra tự tử.
Các đồ đệ của Durkheim tiếp tục nghiên cứu hiện tượng tự tử để điều chỉnh lại những nhược điểm hay sai sót. Dù sao, Durkheim có công đặt vấn đề một cách toàn bộ, khoa học.
***
Nhà thơ và viết ký sự Fague Léon-Paul. |
Fague Léon-Paul (1876-1947) là nhà thơ và viết ký sự (cái kỳ diệu đời sống hiện đại hàng ngày).
Tác phẩm chính: Người bộ hành của Paris (1939, ký sự).
Người bộ hành của Paris là ký sự về thủ đô của Pháp.
Tác giả miêu tả một cách trìu mến – đặc biệt gợi lại những kỷ niệm thời thơ ấu, nhiều khu phố Paris, nhất là khu có nhiều gắn bó với mình (ga phía Đông và ga phía Bắc), trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.
Tâm hồn Paris có những nét sâu sắc, cổ kính, nên thơ.
***
Nhà viết tiểu thuyết Farrère Claude. |
Farrère Claude (1876-1957) là nhà viết tiểu thuyết (về phương Đông).
Tác phẩm chính: Khói thuốc phiện (1904), Những người văn minh (1905), Trận đánh (1909).
Trận đánh là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Farrère, một nhà văn và là sĩ quan hải quân. Cảnh nổi bật là trận thủy chiến Tsushima (Đối Mã), hải quân Nhật đánh tan tành hạm đội Nga (1905).
Tác phẩm nêu lên sự đối đầu thường xuyên giữa phương Đông và phương Tây. Có những người trung thành với truyền thống tin chắc là phương Đông phải tạm thời theo lối suy nghĩ của châu Âu.
Lại có những người Nhật chọn đời sống pha tạp quốc tế. Nữ hầu tước Yorisaka, vợ một sĩ quan hải quân Nhật, ăn mặc theo “mốt” Paris, Tử tước Hơ-re-ta, cũng là sĩ quan hải quân, lại rất trung thành với truyền thống.
Xen vào đó có những nhân vật nước ngoài (Pháp, Anh, Trung Quốc, Italy, Mỹ). Tác giả tố cáo những nguy cơ của sự Âu hóa vội vã. Những cuộc tình duyên được kết thúc trong danh dự.
***
Nhà văn, Tổng giám mục Fénelon |
Fénelon (1651-1715) là một nhà văn, Tổng giám mục.
Tác phẩm chính: Những truyện phiêu lưu của Télémaque (1695, tiểu thuyết).
Những truyện phiêu lưu của Télémaque viết khoảng năm 1695, xuất bản năm 1699, là tiểu thuyết giáo huấn; đồng thời, là một tác phẩm dạy văn học cổ điển Hy Lạp và sách giảng chính trị và luân lý.
Tổng giám mục Fénelon biên soạn tác phẩm này để phục vụ việc giáo dục công tước de Bourgogne lớn lên có khả năng lên ngôi vua (cháu đích tôn Louis XIV-chết sớm). “Télémaque” nổi tiếng và được dịch sang nhiều tiếng châu Âu.
Tuy ý đồ kín đáo, tác phẩm chỉ trích chính sách độc đoán, tính hiếu chiến, xa hoa của vua Louis XIV, Fénelon lấy đề tài trong thiên anh hùng ca cổ Hy Lạp Odyssée của nhà thơ mù Homères.
Câu chuyện xoay quanh chuyến đi đầy gian lao nguy hiểm của hoàng tử trẻ tuổi Télémaque tìm cha là Ulysse. Télémaque được một vị hiền nhân là Mentor, tức là thần Minerve trá hình đi sát khuyên bảo giúp đỡ.
Tác phẩm đưa nhân vật qua nhiều nước (xuống cả âm phủ) và rất đa dạng: các trận đánh, đắm tàu, chém giết, diễn thuyết, triều đình, cạm bẫy của tình yêu, trị quốc.