Nhà viết tiểu thuyết Giono Jean. |
Giono Jean (1895-1970) là nhà viết tiểu thuyết (thiên nhiên và đồng ruộng; về sau viết tiểu thuyết ký sự).
Tác phẩm chính: Vùng đồi (1929), Một gã dân xã Baumugnes (1929), Khởi sắc lại (1930), Người lính khinh kỵ trên mái nhà (1951), Hạnh phúc điên cuồng (1957).
Người lính khinh kỵ trên mái nhà là tiểu thuyết lịch sử, thuộc mạch thứ hai của Giono (mạch đầu là nông dân). Truyện hấp dẫn nhiều màu sắc. Chuyện xảy ra dưới thời vua Louis-Philippe thế kỷ XIX. Ở xứ Provence tại miền Nam nước Pháp, có dịch tả.
Angelo, đại tá Italy trẻ tuổi, lưu vong, đi qua những làng bỏ hoang, người chết gần hết. Chàng gặp một y sĩ đến trị bệnh, không có thuốc mà cũng quá muộn. Anh chàng này cũng chết nốt.
Angelo quen dần, nên cũng hết sợ cái chết. Angelo đến thành phố Manosque tìm người em nuôi cùng vú em. Chàng bị dân chúng nghi là kẻ đi đầu độc, phải trốn mấy ngày đêm trên các mái nhà chỉ thỉnh thoảng mới xuống tìm cái ăn.
Chàng gặp thiếu phụ Pauline cho uống nước chè nóng làm tỉnh người, gặp nữ tu sĩ rửa xác chết (chàng giúp bà ta). Dân bỏ phố lên đồi cắm trại ở cho tiện hơn. Angelo gặp lại em. Trời mưa, bệnh dịch vẫn hoành hành. Angelo được tiền, quần áo mới, lại lên đường. Chàng gặp lại Pauline và cùng đi.
Họ qua một đêm nguy hiểm, đến một làng không bị bệnh, họ bị giam lại để cách ly. Họ trốn đi. Pauline bị bệnh. Angelo cố săn sóc chữa nàng khỏi. Chàng để nàng ở lại với chồng, trở về Italy.
***
Nhà viết tiểu thuyết và kịch Giraudoux Jean. |
Giraudoux Jean (1882-1944) là nhà viết tiểu thuyết và kịch (nhân đạo, vô chính phủ, mỉa mai, có chất thơ, trò chơi trí tuệ, kịch có nội dung mới).
Tác phẩm chính: Suzanne và Thái Bình Dương (1921, tiểu thuyết), Bella (1926, tiểu thuyết), Siegfried và xứ Limousin (1922, tiểu thuyết), Siegfried (1928, kịch), Amphitryon 38 (1929, kịch), Chiến tranh thành T’roa sẽ không xảy ra (1935, kịch), Electre (1937, kịch), Sodome et Gomorrhe (1943, kịch).
Siegfried và xứ Limousin là tiểu thuyết chủ trương sự hòa giải dân tộc Pháp - Đức, giữa hai nền văn hóa. Chủ đề được Giraudoux đưa lên sân khấu thành vở Siegfried (1928). Chiến tranh 1914-1918 đã kết thúc.
Quân nhân Pháp (nguyên là nhà văn) Jacques bị thương, nằm trần truồng ở trận địa. Anh được người Đức chữa khỏi, nhưng mất trí nhớ, không còn biết mình là ai. Anh phục hồi trí tuệ dần và trở thành Siegfried von Kleist, một nhà báo Đức có uy tín, mà một gia đình Đức nhận ra là con họ.
Ở Pháp, Jean bạn thời nhỏ của Jacques, đọc những bài báo của Jacques, nhận ra văn phong và tư tưởng của Jacques.
Anh liên hệ với những bạn Đức và tìm gặp Jacques. Anh dạy Jacques tiếng Pháp và do đó gợi lại những kỷ niệm thời thơ ấu ở quê hương xứ Limousin nước Pháp. Jacques nhận ra mình không phải là người Đức, bèn theo Jean về Pháp.
Amphitryon 38 là vở hài kịch dựa vào một truyền thuyết cổ Hy Lạp được Giraudoux cải biên (đây là lần cải biên thứ 38 vở kịch này trong lịch sử sân khấu).
Vua Amphitryon có vợ là Alcmène rất đẹp. Jupiter, Chúa các thần minh, hóa phép biến thành Amphitryon, giống như hệt, và ngủ với vợ vua. Giraudoux sử dụng đề tài này để đặt sự lương thiện của con người lên trên tinh thần độc đoán của thần minh (Jupiter), và giải quyết một cách hợp lý thân phận con người. Jupiter trở thành đối tượng của sự giễu cợt hóm hỉnh.
Người lên án vị thần quyền thế này chính là nàng Alcmène; sau khi ngủ đêm với Jupiter, Alcmène ngây thơ đề cao những đức tính của người chồng trần tục của mình và vô hình dung hạ giá Jupiter.
Nàng chấp nhận số phận mình bất tử. Nàng bảo Jupiter: “Trở thành bất tử, đối với con người, đó là phản bội. Vả lại, nếu thiếp nghĩ đến sự yên nghỉ lớn lao mà cái chết mang lại để chấm dứt chuỗi mệt nhọc nho nhỏ, những phiền lụy loại thứ yếu thì thiếp cảm tạ cái chết toàn vẹn, lại phong phú nữa...”.
Khi biết là bị lừa, Alcmène lại nhờ người tình của Jacques ngủ với chồng mình (tưởng đó là Jacques trá hình). Kết thúc, Alcmène thuyết phục Jacques quên nàng đi. Trong kịch, Giraudoux sử dụng những chi tiết và ngôn từ hiện đại vào không khí cổ, gây cười rất thú vị.
Chiến tranh thành T’roa sẽ không xảy ra là bi kịch chứng minh uy lực của định mệnh và sự yếu ớt của tự do và ý chí của con người. Theo phong cách sân khấu của mình, Giraudoux muốn lấy lại một đề tài cổ kính để nói lên một vấn đề trọng đại, hiện đại (kịch diễn bốn năm trước khi Thế chiến II bùng nổ). Hoàng tử Paris thành Troie bắt cóc công chúa Hy Lạp Hélène.
Liên quân Hy Lạp vây T’roa. Mở đầu kịch, một công chúa Hy Lạp nói: “Chiến tranh thành T’roa sẽ không xảy ra”. Một công chúa khác ở thành T’roa, có tài tiên tri nói: “Chiến tranh thành T’roa sẽ xảy ra”. Có những hoàn cảnh khiến cho có thể tránh được chiến tranh.
Trong thành, Paris và Hélène đã chán nhau; chỉ cần trao trả mỹ nhân là xong chuyện. Nhiều phụ nữ cũng thấy tính chất phù phiếm của chiến tranh. Nhưng một nhà thơ có uy tín, Vua cha và các vị bô lão lên án thái độ hèn yếu ấy.
Về phía Hy Lạp, mặc dù có những cố gắng của quân vương Ulysse và tướng Hector, chiến tranh sẽ xảy ra dưới con mắt dửng dưng của các thần minh; lý do trực tiếp là một sự cố do một cá nhân (nhà thơ) gây ra.