📞

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 27]

Hữu Ngọc 09:00 | 05/06/2022
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Nhà viết kịch Pháp gốc Romania Ionesco Eugène.

Ionesco Eugène (1909-1994) là nhà viết kịch Pháp gốc Romania (kịch về cái vô lý và lố bịch của cuộc đời và phận người).

Tác phẩm chính: Nữ ca sĩ hói đầu (La Cantatrice Chauve, 1950), Bài học (La Leçon, 1951), Những chiếc ghế (Les Chaises, 1952), Con tê giác (Le Rhinocéros, 1959), Trắng và đen (Le Blanc et le Noir, 1985, luận văn).

Nữ ca sĩ hói đầu là vở kịch nổi tiếng nhất của Ionesco, một tác giả thể hiện sự vô lý và lố bịch của cuộc đời và phận người.

Một tối, ở London, một cặp vợ chồng tiểu tư sản tiếp một cặp khác. Họ nói những chuyện dớ dẩn, nhiều khi chẳng có nghĩa gì. Một ông đại úy lính chữa cháy đến; ông ta than phiền là thiếu đám cháy để chữa.

Cô hầu đọc một bài thơ rẻ tiền về lửa. Cuối cùng, hai cặp chủ và khách cãi nhau, mất trí, hỏi những âm và chữ linh tinh. Thế còn Nữ sĩ hói đầu thì sao?

Ông đại úy có một lần nói đến trước khi ra về thôi. Hết chuyện. Vở kịch nói lên sự bế tắc của giao lưu bằng ngôn ngữ, giữa người và người.

Những chiếc ghế là hài kịch bi thảm nói lên cái vô lý của cuộc đời. Có hai vợ chồng già ở trong một cái tháp đổ nát trên một hòn đảo xa xôi. Muốn cho cuộc đời của họ có ý nghĩa, họ mời nhiều khách đến để nhờ một nhà diễn thuyết truyền bá “bản thông điệp” của họ cho nhân loại.

Khách đến rất đông, nhưng vô hình. Hai vợ chồng chủ nhà đón họ rất lịch sự, ghế xếp mỗi lúc một nhiều. Đã đến lúc nhà diễn thuyết xuất hiện.

Hai ông bà nghĩ là “bản thông điệp” của họ sẽ được truyền bá, họ nhảy xuống biển, lòng chứa chan hy vọng. Nhà diễn thuyết lên tiếng, nhưng chỉ nghe thấy tiếng thở rên; rồi ông ta biến mất. Chỉ nghe thấy tiếng sóng vỗ, rồi yên lặng.

***

Nhà viết hài kịch Labiche Eugène.

Labiche Eugène (1815-1888) là nhà viết hài kịch (xã hội tiểu tư sản).

Tác phẩm chính: Chuyến đi của ông Perrichon (Le Voyage de Monsieur Perrichon, 1860), Một chiếc mũ rơm Ý (Un Chapeau de Paille d’Italie, 1851), Người ghét đời và người xứ Auvergne (Le Misanthrope et l’Auvergne, 1852).

Chuyến đi của ông Perrichon là vở kịch vui nổi tiếng của Labiche (cộng tác với E.Martin). Perrichon là người thợ đóng xe trở thành trưởng giả giàu có, ngây ngô mà lại mưu mẹo, không đến nỗi xấu bụng, lúc nào cũng nói năng trịnh trọng và công thức (điển hình người tư sản tầm thường).

Ông cùng vợ và cô con gái xinh đẹp Henriette đi chơi ở Thụy Sỹ, đi cùng có hai thanh niên là Daniel và Armand, cùng muốn lấy cô gái và do đó tranh nhau lấy lòng ông bố.

Armand cứu được ông Perrichon khỏi một tai nạn leo núi, nhưng Daniel lại khôn khéo bố trí ông Perrichon cứu mình, do đó tự ái của ông Perrichon được thỏa mãn. Armand có vẻ được lòng cô gái, nhưng anh vụng về vì quá thật thà: anh ngăn ông Perrichon đọ gươm với một sĩ quan, không biết là ông Perrichon đã báo cảnh sát can thiệp khi sắp đấu.

Ông Perrichon cáu vì mất dịp tỏ ra mình anh dũng mà không mất gì. Daniel đắc thắng thổ lộ cho Armand biết là mình vờ tai nạn để ông Perrichon cứu mình, cho là những tên ngốc như ông Perrichon không muốn phải mang ơn lâu. Ông nghe được tâm sự ấy tức quá, đuổi Daniel đi và gả con gái cho Armand.

Một chiếc mũ rơm Ý là vở kịch vui do Labiche soạn (cộng tác với Marc-Michel), điển hình cho loại kịch vui Vaudeville Pháp nửa sau thế kỷ XIX (những sự hiểu lầm kế tiếp nhau, miêu tả giới trung lưu). Chàng Fadinard lên đường về nhà ở Paris, nơi vợ chưa cưới Hélène và gia đình, khách khứa gặp nhau để tổ chức hôn lễ.

Bỗng con ngựa của anh ăn một chiếc mũ rơm Ý treo ở một cái cây. Cô Anais lúc ấy đang tình tự với một trung úy. Cô ta đòi Fadinard phải trả ngay một cái mũ tương tự kẻo về nhà chồng nghi mình. Fadinard đi tìm thợ mũ mua mà không có, đành đến một bà nam tước đang chiêu đãi khách.

Sau nhiều chuyện hiểu lầm nực cười, Fadinard được biết là bà nam tước đã cho cháu mình là Anais chiếc mũ rồi. Đám cưới lẽo đẽo theo Fadinard. Fadinard lại đem câu chuyện kể cho chồng Anais nghe, ông này cũng đi theo ngay để tìm vợ. Khi kết thúc, cả đám người tụ tập nhau ở trước nhà Fadinard: trong số quà cưới, có một cái mũ Ý y hệt cái mũ đã mất. Như vậy là danh dự, “tiết nghĩa” của Anais được cứu vãn.

***

La Bruyère Jean de (1645-1696) là nhà văn cổ điển. Tác phẩm chính: Những tính cách (Les Caractères, 1688).

Những tính cách là tác phẩm duy nhất mà La Bruyère viết, khiến cho ông bất tử. Tên sách đầy đủ là: Những tính cách, tác phẩm của Theophrastus, dịch từ tiếng Hy Lạp, kèm thêm những tính cách và phong tục của thế kỷ này...

Phần chính là phần dịch tác giả cổ Hy Lạp Theophrastus thì ít được chú ý. Phần phụ do La Bruyère viết về đương thời thì rất được hoan nghênh (phần vì hiếu kỳ), đến mức tác giả phải viết thêm mãi, tăng số lượng trang gấp ba (xuất bản tám lần đương thời La Bruyère).

Nội dung trào phúng, phê phán phong hóa suy đồi, chỉ trích con người và cái rởm của xã hội thượng lưu; đồng thời, La Bruyère nêu lên những thói hư tật xấu của con người muôn thuở...

La Bruyère là một trong những tác giả Pháp đầu tiên đã chú ý đến nỗi thống khổ của dân chúng, đặc biệt là nông dân. Tác phẩm về hình thức có hai thể loại: Loại chân dung điển hình cho từng tính cách (người thích diện, người huênh hoang, người nhạt nhẽo...); Suy nghĩ về các vấn đề (phụ nữ, văn học, của cải, triều đình, đô thị...). Văn ngắn gọn, chính xác.