📞

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 32]

HỮU NGỌC 09:00 | 31/07/2022
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Nhà viết tiểu thuyết Martin du Gard Roger

Martin du Gard Roger (1881-1957) là nhà viết tiểu thuyết về những khủng hoảng trí thức và xã hội, Giải thưởng Nobel năm 1937.

Tác phẩm chính: Jean Barois (1913), Gia đình Thibault (Les Thibault, 1922-1940).

Gia đình Thibault là bộ tiểu thuyết chín tập, thuộc loại “tiểu thuyết trường thiên” (roman fleuve) thịnh hành ở Pháp (sau khi xuất hiện Jean-Christophe của R.Rolland) nhằm miêu tả số phận một cá nhân hay một cộng đồng.

Ở đây, tác giả miêu tả một gia đình tư sản trong những năm đầu thế kỷ XX, đồng thời, đưa ra một tài liệu xã hội học về cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội trước Thế chiến I: cuộc đấu tranh giữa những người Thiên Chúa giáo và đạo Tin Lành, bảo thủ và cách mạng; cuộc xung đột giữa hai thế hệ hiện thân trong mâu thuẫn giữa ông bố và hai con trai.

Hai người này đại diện cho những tư tưởng mới, cố gắng bằng hai con đường khác nhau, mang lại một ý nghĩa cho cuộc đời của họ. Sự thất bại của họ nói lên nỗi buồn của tác giả, nhân chứng của một thời kỳ hỗn loạn, không tin vào sự cứu vớt con người.

Câu chuyện như sau: Ông bố, Oscar, là một nhà tư sản công nghiệp, cứng rắn, kiêu ngạo, có thành kiến giai cấp, chính kiến cực hữu, bảo thủ, độc đoán trong gia đình. Antoine, con trai cả, là một người có đầu óc khoa học, sống theo lý trí, theo nghề y để làm dịu phần nào những đau khổ một cách thực tế.

Jacques, em anh, có những hoài bão rộng lớn hơn vì tính tình sôi nổi, đấu tranh chống chiến tranh và cho cách mạng xã hội. khi Jacques con là thiếu niên, anh chơi thân với Daniel thuộc gia đình Tin Lành. Ông bố cắt đứt tình bạn ấy bằng cách tống Jacques vào nhà trừng giới do ông tài trợ. Ra khỏi đó, Jacques yêu say đắm em gái Daniel và tiếp tục đương đầu với bố.

Antoine thoát ly ách độc đoán của bố bằng cách khác: anh lao vào nghề y với tất cả tâm hồn. Anh tận tâm chăm sóc bố trước khi ông chết. Jacques cắt tất cả những mối liên hệ cổ truyền, trốn sang Thụy Sỹ hoạt động cách mạng. Khi chiến tranh 1914 bùng nổ, anh lái máy bay rải truyền đơn xuống trận tuyến hai bên để kêu gọi hòa bình; anh chết vì máy bay bị bắn rơi. Antoine cũng chết một cách ngao ngán, bị chiến tranh làm xói mòn cuộc đời.

***

Nhà văn Công giáo Mauriac François.

Mauriac François (1885-1970) là nhà văn Công giáo (Chủ đề: đời sống tỉnh nhỏ, xung đột xác thịt và lòng tin).

Tác phẩm chính: Génitrix (1924), Thèrèse Desqueyroux (1927), Tổ rắn độc cuốn nhau (Le Nocud de Vipères, 1932, tiểu thuyết), kịch Asmodée (1938), kịch Những người thất tình (Les Mal Aimés, 1945), kịch Hồi ký nội tâm (Mémoires Intérieurs, 1959).

Thèrèse Desqueyroux là tiểu thuyết thể hiện một chủ đề của Mauriac (nỗi cơ cực, những đam mê tối tăm của một tâm hồn vắng Chúa). Mồ côi mẹ từ bé, Thèrèse Desqueyroux sống với ông bố vô thần. Đến tuổi thiếu nữ, cô tỏ ra đứng đắn.

Cô lấy một người chồng phải chăng, Bernard, nhà khá giả, có ruộng đất. Bernard là anh cô Anne, bạn của cô Thèrèse Desqueyroux. Anne yêu say mê một thanh niên Do Thái là Jean. Ngán ngẩm về đời sống tẻ nhạt tỉnh nhỏ, về anh chồng thiếu tế nhị, Thèrèse Desqueyroux cảm thấy cuộc đời trống rỗng và cũng cảm thấy lòng mình sôi nổi khi gặp Jean.

Ngoài mặt thì Thèrèse Desqueyroux vẫn bình thường, sinh con, chăm sóc chồng bị bệnh tim. Rồi chị lần lần đi đến chỗ đầu độc chồng. Chồng không chết, Thèrèse Desqueyroux bị đem ra tòa đại hình xử. Để tránh mang tiếng, nhà chồng bênh Thèrèse Desqueyroux và chị được trắng án. Chị sống ba tháng cách ly ở trên gác, mơ tình yêu và vinh quang; không chịu nổi cảnh cô đơn, chị ốm nặng, đợi chết. Chồng phải đưa chị đi Paris để giải phóng cho chị.

Tổ rắn độc cuốn nhau là tiểu thuyết miêu tả một tâm hồn hằn học, cay độc, giãy giụa trong vũng bùn như “tổ rắn độc”, quằn quại cho đến khi chết mới tìm thấy Chúa. Louis, một luật sư già ở xứ Bordelais ốm nặng, viết thư định để lại cho vợ là Isa mà ông lấy từ năm 23 tuổi.

Trong thư, ông nói lên nỗi căm hờn chịu đựng trong bốn chục năm; vì ông đã phải sống cô độc, vợ con đều ghét bỏ xa lánh, nhưng sợ ông vì ông có tiền. Ông đau khổ vì những người có đôi chút cảm tình với ông đều chết cả: đứa con gái Marie chết yểu, chị dâu, cháu họ... Ham tiền, bài bác tôn giáo trong khi người trong gia đình tin Chúa, ông định tâm trả thù gia đình mà ông coi cũng là “tổ rắn độc”, trả thù bằng cách làm di chúc để lại gia tài cho một đứa con hoang là Robert sống ở Paris, ông sẽ không để một xu nào cho con cái.

Như vậy, mẹ chúng là vợ ông sẽ uất hận. Nhưng việc đó không thành, vợ ông lại chết trước ông. Ông dịu đi và để lại gia tài cho con cái, cảm thấy thanh thản hơn trước khi sang thế giới bên kia.