📞

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 35]

HỮU NGỌC 09:00 | 21/08/2022
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.

MOLIÈRE (Tiếp theo)

Lão keo kiệt (Lão hà tiện) là vở kịch văn xuôi năm màn, viết dựa vào tác phẩm của nhà viết kịch cổ La Mã Plautus. Vở kịch tạo ra nhân vật điển hình Harpagon, do hám tiền mà mất hết tình người. Tác phẩm có một sức truyền cảm mãnh liệt, tạo nên một không khí u uất (ảnh hưởng tai hại của Harpagon đối với con cái như một định mệnh khắc nghiệt); cái cười trở nên đau xót; nhiều khi tác giả phải sử dụng những trò hề. Harpagon cho vay nặng lãi, không chịu mất đến một xu.

Cléante con trai lão không được đồng nào, phải đi vay nặng lãi. Elise, con gái lão, đã giấu lão nhận lấy Valère, quản lý của lão, trong khi cô bị lão hứa gả cho một ông quý tộc già vì không mất hồi môn. Lão muốn lấy cô Marianne, nhưng không muốn chi phí gì.

La Flèche, người hầu của Cléante, ăn trộm được hộp tiền vàng của lão và chỉ chịu hoàn cho lão nếu lão đồng ý cho Cléante lấy Marianne. Đồng thời Elise lấy Valère. Riêng lão sung sướng vì lấy lại được hộp vàng.

Trưởng giả học làm sang là vở hài kịch ba lê do nhà vua đặt để chế nhạo một sứ giả Thổ Nhĩ Kỳ; ngoài mục đích giải trí, tác giả còn phê phán phong tục đương thời (thị dân tư sản học đòi làm quý tộc, quý tộc phá sản hạ mình xuống để vay tiền). Ông Jourdain, một nhà buôn giàu có, muốn học đòi làm sang.

Ông mời các thày dạy nhạc, vũ đạo, võ và triết học đến dạy mình. Bà Jourdain, người thực tế và cô hầu Nicole ăn nói bốp chát, chế giễu ông điên rồ. Ông mê nữ hầu tước Dorimène; những quà ông tặng bà lại rơi vào tay bá tước Dorante.

Ông không gả con gái cho Cléonte, muốn tìm một đám quý tộc. Covielte người hầu của Cléonte, lập mưu lừa ông; hắn giới thiệu cho ông thái tử Thổ Nhĩ Kỳ (thực sự là Cléonte trá hình) đến hỏi con gái. Ông đồng ý ngay và được phong tước “Ma-ma-mu-si”.

Những bà thông thái là vở hài kịch phong tục, minh họa luận điểm: phụ nữ có thể hiểu biết rộng, nhưng nếu đi đến mức “cuồng chữ” thì hôn nhân và gia đình bị rối loạn, vì thiên chức phụ nữ là làm vợ, làm mẹ. Philaminthe “thông thái”, vợ Chrysale, có hai con gái: con cả Armande đã phải trả đũa mẹ “thông thái” và con út Henriette hiền lành.

Chàng Clitandre bị cô chị gạt, quay sang cô em, và tâm sự với Bélise, em gái Chrysale; chị này là chị gái già chưa chồng và thuộc loại “thông thái”, tưởng là anh chàng tỏ tình với mình. Chrysale tán thành để Clitandre lấy Henriette, nhưng bà vợ lại muốn gả con gái cho “văn nhân” Trissotin. Chrysale nhu nhược đành chịu. Ariste, anh ông, mang đến một bức thư báo là gia đình bị phá sản. Trissotin bỏ cuộc ngay. Ngờ đâu, đó chỉ là thư giả. Henriette được lấy Clitandre.

* * *

Nhà văn, nhà chính luận Montesquieu Charles Louis de Secondat

Montesquieu Charles Louis de Secondat, Nam tước de la Brède et de (1689-1755) là nhà văn, nhà chính luận thời Ánh Sáng.

Tác phẩm chính: Thư Ba Tư (Lettres Persanes, 1721), Suy nghĩ về nguyên nhân hưng vong của người La Mã (Considérations sur Causes de la Grandeur et de la Décadence des Romains, 1734), Tinh thần luật pháp (De l’Esprit des Lois, 1748).

Thư Ba Tư là cuốn tiểu thuyết viết dưới hình thức thư. Tuy phương Đông đã thành đề tài được ưa chuộng ở Pháp khoảng nửa thế kỷ trước đó, tác phẩm của Montesquieu có nhiều nét độc đáo; không nghiên cứu con người chung chung như văn học cổ điển nữa mà trình bày con người khác nhau tùy từng nước, đả phá cơ sở của chế độ vương quyền chuyên chế.

Trong Thư Ba Tư, có ba yếu tố: thứ nhất, cốt truyện: hai người Ba Tư là Usbeck và Rica đi thăm châu Âu và đặc biệt là Pháp, họ viết thư về nước kể cảm tưởng cho người trong nước, và bạn bè lại cho họ biết tình hình trong nước. Thư kể nhiều chuyện phong tình trong phòng khuê.

Thứ hai, chỉ trích những lố lăng của xã hội và phong tục; có nhiều chân dung ý vị (phụ nữ làm đỏm; dân Paris tò mò; các quán cà phê; phụ nữ đố kỵ; Viện Hàn lâm.

Thứ ba, đề cập đến những vấn đề tôn giáo, đạo đức, chính trị (giọng mỉa mai; giáo hoàng, vua; ly dị; thuộc địa; chế độ nô lệ; luật pháp; chế độ cộng hòa lý tưởng...).

Tinh thần luật pháp là tác phẩm nghiên cứu, kiệt tác của Montesquieu đòi hỏi hai chục năm lao động cần cù, đối chiếu suy nghĩ và tham khảo với sự việc: Montesquieu muốn chứng minh là luật pháp không do Thượng đế quyết định, cũng không xuất phát từ những nguyên tắc trừu tượng có sẵn. Có nhiều yếu tố quyết định nội dung luật pháp: bản chất chính thể, phong tục, kinh tế, tôn giáo, khí hậu.

Như vậy, luật pháp không mang tính bất di bất dịch, không có tính chất độc đoán. Tuy pháp luật do lý tính quyết định, lý tính lại phải dựa vào đặc điểm dân tộc do địa lý quyết định.

Ông phân biệt ba mô hình chính phủ, mỗi mô hình dựa vào một nguyên tắc: chế độ độc đoán dựa vào dưới sợ trên; chế độ cộng hòa dựa vào đạo đức; chế độ quan chủ dựa vào danh dự. Montesquieu tán thành chế độ quân chủ lập hiến, trong đó có sự phân quyền (lập hiến, hành chính, tư pháp) theo kiểu Anh. Thuyết phân quyền có ảnh hưởng đến giai đoạn đầu Cách mạng Tư sản Pháp và chủ nghĩa dân chủ tư sản tự do.