Nhỏ Bình thường Lớn

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 9]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.

Bordeaux Henry (1870-1963) là nhà viết tiểu thuyết, bảo vệ những truyền thống tư sản và Thiên Chúa giáo. Tác phẩm chính: Gia đình Roquevillard (1906); Tuyết trên bước chân (1912).

Tuyết trên bước chân là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Bordeaux. Tiểu thuyết của ông thường mở đầu bằng bi kịch vợ chồng để kết thúc bằng hy sinh hoặc dàn xếp vì đạo lý. Nhà kiến trúc trẻ Marc sống hòa thuận với vợ là Thérèse và con gái. Anh quá bận, đi nước ngoài luôn, không có thì giờ chăm sóc vợ.

Thérèse dan díu với André đã có vợ con, sau Thérèse và André lại cùng nhau đi chơi núi. Họ leo núi bị ngã, André chết, Thérèse gần chết được đưa về một nhà khách. Marc đến thăm Thérèse. Sau khi đấu tranh nội tâm đau khổ, Marc tha thứ cho vợ. Vợ khỏi, hai vợ chồng lại chung sống.

***

Bourget Paul (1852-1935) là nhà văn viết tiểu thuyết tâm lý (truyền thống, Công giáo), ông đề cao trật tự đạo lý xã hội cũ. Tác phẩm chính: André Cornélis (1887), Người đồ đệ (1889).

André Cornélis là tiểu thuyết tâm lý. Nhân vật chính là một thanh niên tên André Cornélis, có tâm tư giống như hoàng tử Hamlet trong kịch của Shakespeare. Năm lên chín tuổi, André đột nhiên được biết là bố mình bị ám sát. Vài năm sau, anh tìm thấy những lá thư trong một chiếc hộp nhỏ, giúp anh suy luận là kẻ giết bố có thể là chồng sau của mẹ mình, ông Termonde.

Anh vẫn rất yêu mẹ và đã phát hiện ra mẹ vô tội trong âm mưu đen tối ấy. Sau nhiều thời gian tìm tòi và suy nghĩ, anh biết chắc vụ giết người là do Termonde chủ mưu, kẻ giết là em trai của hắn. André buộc Termonde phải nhận tội và đâm chết Termonde bằng dao găm.

Người đồ đệ kể về Adrien Sixte là một nhà triết học vô thần, theo học chủ nghĩa thực chứng. Ông cho rằng con người không biết được sự thực của bản chất sự vật. Luân lý đạo đức chẳng qua chỉ là những quy ước xã hội. Cái tốt, cái xấu khác nhau cũng như chất nọ, chất kia khác nhau mà thôi.

Nghiên cứu những dục vọng của con người, ông tìm nguồn gốc của tình cảm trong phản ứng sinh học của con vật. Ông chủ trương nên có tự do hoàn toàn trong tâm lý học để thí nghiệm về tình cảm con người, cũng như nhà bác học trong khoa học tự nhiên.

Anh thanh niên Greslou thấm nhuần tư tưởng của Adrien Sixte, muốn áp dụng phương pháp của tôn sư mà anh không quen biết, lúc đó, anh đang là gia sư ở nhà hầu tước de Jussat, dạy con gái của ông là Charlotte. Để thí nghiệm, anh áp dụng tâm lý học, tìm cách quyến rũ cô gái. Anh đánh vào lòng thương của phụ nữ đối với hoàn cảnh của mình. Charlotte yêu anh. Quên cả mục đích khoa học của mình, anh cũng yêu cô, do đó có sự xung đột nội tâm giữa khoa học và tình cảm, đạo lý. Charlotte đã quyết định lánh anh để lấy một người quý tộc.

Trước lễ cưới, Greslou đã viết thư cho Charlotte báo là sẽ tự tử. Đêm hôm đó, Charlotte đã lén vào phòng Greslou ngủ với anh, định trước khi trời sáng sẽ cùng chết. Nhưng Greslou nghĩ lại, cố gắng thuyết phục cô đừng tự tử và sống với mình. Charlotte khinh Greslou hèn nhát, nhất là khi phát hiện trong nhật ký của Greslou là mình chỉ là đối tượng nghiên cứu, cô đã uống thuốc độc tự tử sau khi nói tất cả mọi sự cho em trai.

Greslou bị bắt, nhưng Tòa xử trắng án. Em trai Charlotte bắn chết Greslou. Nhà triết học Adrien Sixte nhận được bản phân tích sự việc. Ngồi bên xác Greslou, ông cảm thấy trách nhiệm của mình và đức tin tôn giáo trở lại.

***

Butor Michel (sinh năm 1926) là giáo sư triết học viết văn chuyên nghiệp, là nhà văn theo trào lưu “Tiểu thuyết mới” (là trào lưu văn học Pháp hiện đại. Vứt bỏ truyền thống của tiểu thuyết, phủ nhận vai trò xã hội của văn học. Đả phá quan niệm cổ điển về tiểu thuyết với cốt truyện và nhân vật sắp xếp theo lý tính, phù hợp với tâm trạng con người hiện đại của xã hội tư bản.

Đại diện tiêu biểu là Robbe Grillet, M.Butor và N.Sarraute. Tác phẩm chính: Qua Mi-lăng (1954, tiểu thuyết); Thay đổi (1957, tiểu thuyết); Ứng tác về Flaubert (1984, luận văn).

Thay đổi là cuốn tiểu thuyết được giải thưởng Renaudot. Butor chủ trương phản ánh toàn bộ hiện thực dưới tất cả các góc độ (của các chủ thể khác nhau) - thời gian và không gian chằng chịt. Trong Thay đổi, xoay quanh một quyết định cá nhân là cả một mớ những sự gợi lại có tính chất lịch sử hay huyền thoại (gắn với hai thành phố Paris và Roma) chi phối quyết định đó.

Nhân vật tự nói về mình, vừa là chủ thể vừa là đối tượng quan sát. Tác phẩm chứa đựng những suy nghĩ về những sự việc vô nghĩa xảy ra trong một toa xe lửa: một người có tuổi định bỏ vợ, đi từ Paris đến Roma để tìm nhân tình cũ và cùng làm lại cuộc đời ở Paris; tư duy và tình cảm pha trộn trong hiện tại, dĩ vãng, tương lai, ở nhiều địa điểm; cuối cùng, có “thay đổi” quyết định, chuyến đi xảy ra trong hiện tại; người đi nhớ lại những chuyến đi trong dĩ vãng; và dự tính tương lai.

Thành phố Roma với hào quang dĩ vãng xa xưa mang dáng dấp một huyền thoại. Tác phẩm là một dịp cho tác giả và độc giả có một nhận thức sâu hơn về mình, điều có thể đem lại một ý nghĩa cho cuộc đời. Cấu trúc truyện được xây dựng với một kỹ thuật tinh vi, phức tạp.

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 8]

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 8]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ...

Chỉnh đốn trường học để thực thi 'văn hóa học đường'?

Chỉnh đốn trường học để thực thi 'văn hóa học đường'?

Để triển khai và thực thi thật tốt "văn hóa học đường" không có gì khác chính là phải làm cho cán bộ quản lý, ...