📞

Sóc Trăng: Đồng bào Khmer rộn ràng đón lễ Sen Dolta

Phương Nghi 16:00 | 20/09/2022
Baoquocte.vn. Những ngày này, khi đến các phum sóc Sóc Trăng dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng của đồng bào Khmer chuẩn bị đón mừng lễ Sen Dolta (còn gọi lễ cúng ông bà). Lễ diễn ra nhiều hoạt động tưởng nhớ công ơn tổ tiên, những người có công với phum sóc.
Lãnh đạo các địa phương tỉnh Sóc Trăng chúc lễ Sen Dolta tại chùa Phnor Kom Pôt, xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên – Sóc Trăng) và động viên người dân Khmer đón lễ thật đầm ấm, vui tươi và giàu bản sắc văn hóa. (Ảnh: Phương Nghi)

Gìn giữ những nét đẹp văn hóa của lễ Sen Dolta

Trong những ngày qua, nhiều ngôi chùa Khmer được khoác lên mình “chiếc áo” mới lộng lẫy, rực rỡ sắc màu; các sư trong chùa đã trang trí cờ hoa, sơn phết lại vách tường, tu sửa các công trình phụ, dọn dẹp cảnh quan môi trường để tạo diện mạo mới cho chùa.

Tất cả đều hướng đến một mùa lễ đong đầy bản sắc văn hóa, tôn vinh giá trị đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Một nét đẹp tiêu biểu của dịp lễ này là mọi người cùng thực hiện lễ cầu phúc cho tổ tiên và mong bình an, ấm no đến với đồng bào dân tộc, phum sóc được đổi mới và đẹp giàu.

Hòa Thượng Tăng Nô, trụ trì Chùa Khl’eang (thành phố Sóc Trăng), Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Năm nay, từ ngày 29/8-1/9 âm lịch năm Nhâm Dần (nhằm 24/9-26/9/2022) cùng với đồng bào Khmer trên đất Nam Bộ, đồng bào Khmer Sóc Trăng rộn ràng niềm vui mừng lễ Sen Dolta, đây là dịp thể hiện sự tri ân đối với đấng sinh thành, người thân đã khuất, người có công với cách mạng, phum sóc, các thành viên trong dòng họ, gia đình sum vầy bên nhau.

Năm nay, lễ được diễn ra khi đời sống của người dân ngày càng khởi sắc. Thông qua lễ này, đồng bào Khmer muốn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là giáo dục con cháu sống phải nhớ về nguồn cội”.

Đón mừng lễ Sen Dolta, đồng bào Phật tử tề tựu đông đủ tại chùa, thực hiện các nghi thức để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, những người có công với phum sóc. (Ảnh: Phương Nghi)

Vào những ngày này, về phum sóc trong mùa Sen Dolta, đâu đâu cũng vang vọng những giai điệu của dàn nhạc ngũ âm và tiếng kinh cầu an. Ông Thạch Công, ở ấp Cần Giờ, xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ: “Mỗi dịp Sen Dolta hàng năm, tôi luôn nhắc nhở con cháu làm ăn xa cố gắng thu xếp về quê nhà để làm tròn bổn phận.

Từ việc dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị các mâm cơm, bánh trái để cúng kiến… chúng tôi muốn các thành viên trong gia đình phải luôn ghi nhớ công ơn của tổ tiên và những người có công với phum sóc. Qua đó, thêm yêu quý nguồn cội và ra sức gìn giữ những nét đẹp văn hóa của lễ hội này”.

Đời sống đồng bào Khmer chuyển biến tích cực

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, đã mang lại kết quả thiết thực, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu vùng xa; giúp đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 99,1% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% các xã đều có trường tiểu học và trung học cơ sở; 100% xã có trạm y tế, trong đó có 96% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% xã, phường, thị trấn và 100% khóm, ấp có điện lưới quốc gia; 85,52% xã, phường có nhà văn hóa và 88,26% khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng; có 98% số hộ dân, vùng dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 97,5%).

Từ các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả tích cực. Năm 2016, Sóc Trăng có gần 58 nghìn hộ nghèo (chiếm 18%), trong đó số hộ dân tộc Khmer là gần 27 nghìn hộ thì đến cuối năm 2021, theo tiêu chí mới, toàn tỉnh còn 22.120 hộ nghèo (chiếm 6,64%); hộ dân tộc thiểu số 10.412 hộ (chiếm 8,98%/tổng hộ dân tộc thiểu số); 29.403 hộ cận nghèo (chiếm 8,83%); hộ dân tộc thiểu số 12.067 hộ (chiếm 10,44%).

Không khí đón mừng lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer năm 2022 diễn ra từ ngày 24-26/9. (Ảnh: Phương Nghi)

Một số mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp người dân tham gia tăng thu nhập. Đáng chú ý là mô hình nuôi bò sữa, nuôi dê, trồng màu… giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer xóa đói, giảm nghèo, có điều kiện vươn lên làm giàu, phát triển bền vững.

Nhằm tăng cường hiệu quả trong thực hiện chính sách, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ/TU, ngày 9/7/2021 về lãnh đạo thực hiện Chương trình, trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Ông Lý Rotha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Theo kế hoạch, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025 có tổng nguồn vốn trên 790 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, tỉnh Sóc Trăng dự kiến sẽ tập trung đầu tư hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho gần 4.500 hộ dân với tổng vốn trên 176 tỷ đồng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn. Tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 272 tỷ đồng.

“Việc này góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân”, ông Rotha nói.

Trong những ngày đón mừng lễ Sen Dolta, người Khmer tập trung tại các tháp cốt bày tỏ lòng biết ơn của người đang sống đối với người đã chết, vừa cầu mong đạt được những điều tốt lành nhất. (Ảnh: Phương Nghi)

Lễ Sen Dolta là một trong những lễ hội truyền thống có ý nghĩa đặc biệt với đời sống tinh thần đồng bào dân tộc Khmer. Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, bà con Khmer ở các phum, sóc đang có một lễ hội rộn ràng niềm vui. Mong rằng, đó sẽ là nguồn động lực để đồng bào Khmer tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.