📞

Sống chung an toàn với Covid-19: Cần giải pháp tổng thể, tập trung bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương

PGS.TS. Nguyễn Thị Xuân Thu 06:30 | 27/10/2021
Sống chung với dịch bệnh cần có các giải pháp tổng thể, trong đó cần tập trung bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương, kiểm soát các ổ dịch lớn, đẩy nhanh tiêm chủng, duy trì hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và nâng cao sức khỏe, thể chất, tinh thần, phúc lợi xã hội cho người dân.

Đại dịch Covid-19 như cơn sóng thần, tấn công hết đợt này đến đợt khác với sự xuất hiện liên tục của những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, quét qua khắp các châu lục trên Trái Đất và để lại hậu quả hết sức nặng nề.

Theo thống kê trên trang Worldometers, tính đến ngày 26/10/2021, thế giới đã có gần 245 triệu ca nhiễm và gần 5 triệu người tử vong vì virus SARS-CoV-2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại TP. Vũ Hán (Trung Quốc). Trong đó châu Á trên 78,7 triệu ca, châu Âu gần 63,2 triệu ca, châu Mỹ trên 94 triệu ca, châu Phi hơn 8,5 triệu ca.

Nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu. (Nguồn: DN&TT)

Các biến thể mới của virus khiến tình hình thêm nghiêm trọng, buộc nhiều nước tiếp tục thắt chặt các biện pháp phòng dịch, trong đó vaccine là giải pháp hàng đầu.

Đến nay đã có 218/229 quốc gia có ca nhiễm đã tiêm vaccine, chiếm 98,2% các quốc gia..

Với tổng số liều vaccine được sản xuất là 6,64 tỷ liều, đã có 3,74 tỷ người được tiêm vaccine, chiếm 47,5%, trong đó châu Mỹ đạt tỉ lệ tiêm cao nhất (61,3%), tiếp đó là châu Âu (57,4%), châu Á (54,8%), châu Đại dương (52,3%) và cuối cùng là châu Phi (7,4%).

Tại Việt Nam, kể từ khi dịch bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã ghi nhận 892.579 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.063 ca nhiễm).

Tính đến ngày 26/10/2021, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 74.050.037 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 52.584.839 liều, tiêm mũi 2 là 21.465.198 liều.

Để đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm vaccine, Chính phủ dự tính phải có 150 triệu liều vaccine để tiêm đủ liều cho hơn 67,5 triệu người nhằm đạt miễn dịch cộng đồng vào năm 2022. So với khu vực châu Á, số lượng người tiêm đủ liều của Việt Nam tính trên tỉ lệ dân số là rất thấp, đứng thứ 9 (chỉ trên Myanmar) với tỉ lệ 15,8%.

“Sống chung an toàn với Covid-19” thay cho “Zero Covid-19” là quan điểm mới và cũng là nhận định mới được Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan đưa ra tại cuộc họp báo ngày 7/9/2021 vừa qua.

Quan điểm này dựa trên thực tế virus SARS-CoV-2 gây ra căn bệnh này vẫn tiếp tục biến đổi ở những quốc gia chưa tiêm hoặc có tỉ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh thấp trên thế giới và một số nước có độ bao phủ tiêm vaccine hàng đầu thế giới đang có số ca mắc tăng trở lại ở mức báo động.

Thay vì coi Covid-19 là một đại dịch, nên coi đó là một loại bệnh đặc hữu, giống như sốt rét hay sốt xuất huyết. (Nguồn: Người lao động)

Một số chuyên gia cho rằng, chống dịch thành công không phải là ghi nhận rất ít người nhập viện và rất ít người tử vong mà phải chấp nhận số ca nhiễm tăng ở chừng mực nhất định nhưng không đi kèm ca nặng và tử vong tăng, nghĩa là phải đẩy mạnh tiêm vaccine và y tế dự phòng theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Sống chung với dịch bệnh cần có các giải pháp tổng thể, trong đó cần tập trung bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương, kiểm soát các ổ dịch lớn, đẩy nhanh tiêm chủng, duy trì hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và nâng cao sức khỏe, thể chất, tinh thần, phúc lợi xã hội cho người dân.

Thay vì coi Covid-19 là một đại dịch, nên coi đó là một loại bệnh đặc hữu, giống như sốt rét hay sốt xuất huyết, để đơn giản hóa các biện pháp chống dịch, nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Thay đổi về quan điểm mới này sẽ giúp thế giới vượt qua khủng hoảng và học cách thích ứng tốt hơn với những thách thức tiếp theo.

Hướng dẫn “Thích ứng an toàn với Covid-19” của Việt Nam đang được Bộ Y tế và các Bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện, trong đó 6 nguyên tắc cơ bản được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt là: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với 4 cấp độ dịch thống nhất áp dụng trên toàn quốc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay trong sản xuất, kinh doanh, từng bước duy trì hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”.

Do đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành đã cho phép mở cửa dần các dịch vụ xã hội, bệnh viện được tiếp nhận chữa bệnh như bình thường, các hoạt động từng bước được nới lỏng ở các vùng xanh, vùng vàng...

Những thay đổi mới của Chính phủ và các địa phương trong chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đang đem lại sự tin tưởng và lạc quan hơn cho nhân dân cả nước sau thời gian dài “ai ở đâu ở nguyên đó” để chống dịch.