Nhỏ Bình thường Lớn

Sóng Covid-19 vỗ dồn dập, ngành vận tải ‘cầu cứu’

Trước ảnh hưởng nặng nề do 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 3/2020 đến nay gây ra, các hiệp hội doanh nghiệp vận tải và Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành đã liên tục có văn bản ‘cầu cứu’ Chính phủ, bộ, ngành liên quan.
Sóng Covid-19 vỗ dồn dập, ngành vận tải ‘cầu cứu’
Doanh nghiệp vận tải gặp muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19. (Nguồn: Zing)

Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trước những khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có doanh nghiệp vận tải, từ tháng 3/2020, Chính phủ đã có những gói giải pháp hỗ trợ đồng bộ, gần đây nhất là Nghị định 52 với tổng gói hỗ trợ trị giá 115.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước những tác động ngày càng lớn do làn sóng Covid-19 thứ 4 gây ra hiện nay, với đại đa số doanh nghiệp vận tải, những giải pháp hỗ trợ đó là chưa đủ.

Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành kiến nghị những giải pháp hỗ trợ khẩn cấp, thiết thực hơn, chủ yếu là: giảm phí, thuế, giảm lãi suất cho vay, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%...

Khó khăn chồng chất

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ngành vận tải hiện nay đang gặp vô vàn khó khăn.

Trong bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch, với vận tải hành khách, lượng xe khách đến nay hoạt động chỉ khoảng 20-30%, trên mỗi một chuyến xe chỉ được chở lượng khách không quá 50% số ghế ngồi. Đặc biệt là khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, lượng hành khách đi xe lại càng giảm nhiều hơn.

Với vận tải hàng hóa, các hoạt động chuyên chở đã giảm từ 10-20% và tập trung chủ yếu ở những đơn vị vận tải đường dài, vận tải qua biên giới đòi hỏi thủ tục ngặt nghèo. Các lái xe chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 thì không được đi qua cửa khẩu, buộc doanh nghiệp phải thuê lái xe dịch vụ làm đội chi phí lên rất nhiều.

Tin liên quan
Tín dụng cho doanh nghiệp vượt Covid-19: Khoảng cách… không thể với? Tín dụng cho doanh nghiệp vượt Covid-19: Khoảng cách… không thể với?

Trong bối cảnh vùng dịch phát sinh ở một khu vực nào đó, thì ở mỗi địa phương lại đề ra những quy định khác nhau, làm cho quá trình vận tải bị gián đoạn, ách tắc từ 3-5 ngày gây khó khăn mọi mặt cho doanh nghiệp.

Cùng chung hoàn cảnh, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, hiện Sở đã phải tạm ngừng khai thác 39 tuyến.

Các hoạt động vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, trung chuyển, xe buýt và theo tuyến cố định phải đảm bảo vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người trên phương tiện, khiến nguồn doanh thu của các đơn vị vận tải giảm sút hoặc không có.

Hiện có 32 tỉnh thành đã thông báo tạm dừng vận tải đường bộ đi, đến TP. Hồ Chí Minh.

Hiệp hội vận tải Hải Phòng cũng bày tỏ thực trạng nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách, bến xe giảm trung bình 70-80% doanh thu. Doanh nghiệp không có nguồn để trả gốc và lãi vay ngân hàng, các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp hiện có nguy cơ phá sản và người lao động mất việc làm do dịch bệnh và khó khăn kinh tế.

Cần sự hỗ trợ khẩn cấp

Trước khó khăn chồng chất, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam mong muốn Bộ Tài chính xem xét các quy định và hỗ trợ giảm phí thêm cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, giảm phí từ 50-60% (mức giảm dự kiến Bộ đề xuất 30% là quá thấp) cho hoạt động vận tải hành khách và giảm 20% cho vận tải hàng hóa.

Ngoài ra, đưa đội ngũ lái xe vào danh sách ưu tiên được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, di chuyển.

Gần đây nhất, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản gửi UBND Thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đã đầu tư phương tiện và được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt danh mục dự án đầu tư theo Đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014-2020 thì đề nghị được ngân sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021.

Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ xem xét gia hạn việc thực hiện bắt buộc lắp camera theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 được kéo dài đến ngày 31/12/2023, thay vì lộ trình bắt buộc thực hiện trước ngày 1/7/2021, nhằm tạo điều kiện cho đơn vị ổn định hoạt động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vượt khó, Hiệp hội vận tải Hải Phòng cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và các ngành có liên quan giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 12 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe. Giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ôtô đăng ký mới để kinh doanh vận tải.

Đối với các doanh nghiệp vận tải, bến xe còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến ngày 31/12/2021, không tính lãi nộp chậm.

Với các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, các Sở và hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ, giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải.

Các hiệp hội doanh nghiệp vận tải đều cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp vận tải có nguy cơ phá sản và người lao động mất việc làm. Do đó, các hiệp hội vận tải mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có những giải pháp hỗ trợ khẩn cấp càng sớm, càng tốt.

Trước tình trạng khó khăn của doanh nghiệp vận tải, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền trong thị trường nội địa.

Theo Báo Giao thông, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho hay, Bộ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập DN cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch.

Bên cạnh đó, Bộ đề nghị cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 và không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách. Giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến ngày 31/12/2021.

TIN LIÊN QUAN
Cố khắc phục ‘điểm yếu chiến lược’, Trung Quốc vẫn khó thoát ‘lưới’ Australia
Tiền vẫn ào ào đổ vào ngân hàng, xuất hiện nỗi lo bong bóng chứng khoán
Covid-19: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao quyết sách 'biến nguy thành cơ và thực hiện mục tiêu kép'
Tín dụng cho doanh nghiệp vượt Covid-19: Khoảng cách… không thể với?
Một số ngân hàng bất ngờ tăng lãi suất huy động
Cuộc thi khởi nghiệp về tín dụng của Việt Nam thu hút truyền thông quốc tế
Tin bất động sản mới nhất: Không xây thêm sân bay; đất vàng Hà Nội ‘khốn đốn’ vì Covid-19 và tiền chảy vào địa ốc từ tín dụng?
Tín dụng tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản