📞

Sống khác cùng âm nhạc

11:00 | 02/09/2016
Chỉ hơn một năm, 4 ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ em tự kỷ đã được mở ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Ước vọng bấy lâu của nghệ sĩ viola Nguyệt Thu - mẹ của một bé trai bị tự kỷ đã trở thành hiện thực ở Việt Nam.

Câu chuyện của nghệ sĩ Nguyệt Thu là một hành trình dài nỗ lực phấn đấu và gặt hái được nhiều thành công trong con đường nghệ thuật trên sàn diễn quốc tế. Sau gần 30 năm sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở nhiều nước, chị trở về quê hương, thực hiện ước mơ giúp những bà mẹ có chung sự đồng cảm với mình. Đó là xây dựng SFORA (Sunrise for Arts) – những ngôi trường đầu tiên ở Việt Nam sử dụng âm nhạc và nghệ thuật để trị liệu chứng tự kỷ ở trẻ em.

Nhìn trẻ tự kỷ ở khía cạnh “tiềm năng”

Là nghệ sĩ viola nổi tiếng trong và ngoài nước, cuộc sống hôn nhân và con đường nghệ thuật như “trải thảm hoa hồng” với chị Nguyệt Thu cùng những chuyến lưu diễn thú vị khắp thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm chị nhận ra đứa con trai yêu quý của mình lớn lên với những biểu hiện bất thường. Chị đã đưa con đi khắp các trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ từ Hà Lan, Malaysia và Singapore... Nhưng tình trạng của con không cải thiện nhiều. Học tập tại đâu, con cũng bị nhà trường e ngại vì những biểu hiện như phá lớp, đánh bạn, không tập trung nghe giảng.

Nghệ sĩ viola Nguyệt Thu (thứ 2 từ trái qua) trong nhóm nhạc Apaixonado Quartet.

Một ngày, khi người bạn đang chơi piano, chị nhận thấy con nghe rất chăm chú, thậm chí, cậu bé còn tự lấy tay gõ lên bàn phím và đọc theo những âm thanh đó. Chị Nguyệt Thu đã nhận ra khả năng kỳ diệu của âm nhạc, và tin rằng đây có thể là phương pháp trị liệu đặc biệt cho trẻ tự kỷ. Qua thực tế, khi nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương, cậu bé đã có những chuyển biến rõ như giảm tăng động, vâng lời người lớn và cởi mở hơn với thế giới bên ngoài.

Chị Nguyệt Thu cho rằng, nhiều người thấy tự kỷ là khiếm khuyết mà không thấy trẻ tự kỷ có nhiều tiềm năng như các giác quan nhạy cảm, có nhận thức sâu sắc hơn bình thường và có những năng khiếu rất đặc biệt về nghệ thuật... Chị muốn khơi dậy những tiềm năng ấy để các em có cơ hội thể hiện bản thân nhiều hơn.

Khi được hỏi về lý do trở về Việt Nam để thực hiện dự án về trẻ em tự kỷ, chị cho biết, điều kiện ở Việt Nam về vật chất có thể thiếu nhưng phương diện cảm xúc lại rất tốt. Trẻ tự kỷ cần được quan tâm, tôn trọng và sự gần gũi của những gia đình Việt sẽ giúp các em rất nhiều. Chị cũng muốn sử dụng những kiến thức ở học được các nước kết hợp phát triển mặt tốt ở môi trường Việt Nam để giúp đỡ cho trẻ tự kỷ.

Làm bằng tiếng gọi từ trái tim

Sinh sống ở Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Singapore…, khi đưa con về nước vào năm 2011, chị cảm thấy chạnh lòng vì ở Việt Nam không có hệ thống trường chính quy cho trẻ tự kỷ và nhà nước cũng chưa có chính sách cho người tự kỷ. Ý định mở trường bắt đầu từ đó.

Chị Nguyệt Thu biểu diển cùng trẻ tự kỷ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia tháng 4/2016.

Nghệ sĩ viola Nguyệt Thu sinh năm 1973, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Bố chị là NGƯT Nguyễn Văn Thưởng - người khai sinh bộ môn Viola tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Nguyệt Thu đã từng gây tiếng vang trong và ngoài nước với giải "Tiết mục biểu diễn nhạc J.C Bach xuất sắc nhất" trong Cuộc thi Viola quốc tế tại Anh (1995-1997). Chị cũng đã từng là nghệ sĩ viola chính trong Dàn nhạc thính phòng quốc tế XXI tại Nga (1991-1999), tham gia tứ tấu đàn dây "Glazunov” với GS Belinsky từ Borodin Quartet (1996-1999). Ngoài ra, chị cũng từng là trợ giảng tại Trường năng khiếu Âm nhạc Gnhesin tại Nga (1990-1995) và là giáo viên âm nhạc tại Trường Âm nhạc Mandeville, Singapore (2009-2011).

Nhưng phải chờ 4 năm sau, khi trở lại quê hương và thành lập nhóm tứ tấu Apaixonado Quartet, chị mới thực hiện được tâm nguyện này. May mắn ngôi trường SFORA thuộc Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á nên thường xuyện nhận được sự giúp đỡ của Viện về các chương trình giảng dạy cũng như phương pháp nghiên cứu.

Tuy nhiên, khó khăn rất nhiều vì phần lớn cha mẹ chưa hiểu về trẻ tự kỷ, xã hội nhìn nhận về trẻ tự kỷ chưa đúng nên chưa ý thức về việc dạy dỗ chuyên biệt cho con. Vì vậy, thời gian đầu, SFORA chưa nhận được sự tin tưởng của nhiều cha mẹ. Chị Nguyệt Thu rất buồn khi nhìn thấy nhiều đứa trẻ đến đây một thời gian nhưng cha mẹ các em lại dứt con ra đưa đến những chỗ khác. Chị cảm thấy tiếc nuối vì những đứa trẻ bị dứt ra khỏi vòng tay trong khi mình có thể giúp các em tốt hơn.

Bên cạnh việc phát triển năng lực tiềm ẩn trong lĩnh vực nghệ thuật của trẻ tự kỷ về âm nhạc: piano, organ, guitar…, suốt một năm qua, chị đã tổ chức nhiều chương trình như buổi diễn đầu tiên cho trẻ tự kỷ ở đường phố. Tháng 4 vừa qua, một buổi hòa nhạc đặc biệt diễn ra trong không gian ấm cúng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đêm nhạc hướng tới ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ 2/4 do chị tổ chức với những tiết mục được chính trẻ tự kỷ biểu diễn.

Mong muốn lớn nhất của chị là sẽ có thêm nhiều trường mở ra khắp Việt Nam, đặc biệt vùng sâu vùng xa. Chị cũng đang xây dựng một trung tâm dạy nghề của trẻ tự kỷ để hướng nghiệp cho các em, tự giúp các em đứng trên đôi chân của mình.

Theo chị Nguyệt Thu, khi làm điều gì từ tiếng gọi của trái tim, mọi khó khăn điều có thể vượt qua và sẽ đi đến thành công.

Những ngày này, chị Nguyệt Thu đang bận rộn chuẩn bị cho chương trình biểu diễn của 4 bạn nhỏ tự kỷ tại Hongkong vào tháng 11 tới.

Cùng với tâm huyết dành cho SFORA, nhóm tứ tấu nữ của chị vẫn thường xuyên duy trì hoạt động trong và ngoài nước, thu hút được sự quan tâm của những người yêu âm nhạc.