📞

Sống thật hơn để không bị bỏ lỡ

08:30 | 10/09/2017
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cảm giác “sợ bỏ lỡ” - FOMO (Fear of missing out) ở người trẻ hiện đại.

Mạng xã hội - lợi bất cập hại

Thực tế, ít ai biết và nhận ra mình đang mắc FOMO. Đó là cảm giác bất an và bị ám ảnh sẽ bỏ lỡ tin mới mẻ hoặc nóng hổi, sẽ trở nên lạc lõng giữa bạn bè trong cuộc trò chuyện. Hội chứng này cũng thể hiện sự thiếu tự tin của cá nhân đứng trước đám đông hoặc một nhóm xã hội. Trong vài trường hợp, người ta thậm chí còn sợ bỏ lỡ những thứ không lành mạnh.

Gần 50% bạn trẻ thừa nhận hội chứng tâm lý FOMO của mình là do mạng xã hội gây ra. (Nguồn creativevietnam)

Nhiều nghiên cứu cho thấy, người mắc FOMO cao có xu hướng lướt mạng xã hội trước khi ngủ, sau khi thức dậy và trong các bữa ăn. Hành động này sẽ giúp họ cảm thấy an tâm hơn. Tuy nhiên, sự an tâm ấy chỉ trong phút chốc và họ lại tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy vô tận của sự “sợ bỏ lỡ”.

Nói về nguyên nhân, TS. Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng, hội chứng FOMO có gốc rễ từ bản chất tâm lý con người luôn lo lắng, sợ hãi khi mình cô đơn, bị bỏ rơi. Chính sự sợ hãi này tạo thành động lực cho mọi người kết nối với nhau trong cuộc sống để thấy an toàn hơn, tự tin hơn.

Trong xã hội hiện đại, việc bạn trẻ đưa những dòng trạng thái, những bức ảnh lên mạng xã hội là cách để thấy mình đang tồn tại, mong muốn nhận được sự quan tâm của người khác. Điều này xuất phát từ áp lực cuộc sống, áp lực công việc, sự phát triển của công nghệ và từ tâm lý sợ bị bỏ lại phía sau.

Mỗi cá nhân luôn mong muốn được kết nối với cộng đồng để phát triển bản thân mình. Từ đó, họ mới cập nhật được tin tức, thể hiện cá tính cũng như tài năng của mình. Do đó, việc con người cảm thấy lo lắng khi không được tham gia vào sự kiện xã hội nào đó là động lực để cố gắng hơn.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục cho rằng FOMO cũng có những mặt tích cực nhất định. Đối với một số người, họ sẽ cố gắng tìm cách hoàn thiện bản thân, kết nối với mọi người nhiều hơn. Một số học sinh, sinh viên sẽ cố gắng để có thành tích học tập tốt hơn để được chú ý, tôn trọng và thừa nhận.

 “Tuy nhiên, phần đông người mắc phải hội chứng FOMO luôn có cảm xúc tiêu cực, mệt mỏi, cảm giác như cả xã hội đang chống lại mình”, ông Phạm Mạnh Hà phân tích. Còn bà Lã Linh Nga thì cảnh báo: “Nặng hơn, nhiều trường hợp trở nên trầm cảm, lo âu, thậm chí nghiện ma túy, rượu, thuốc lá, có thể dẫn đến tự sát”.

Mới đây, các nhà nghiên cứu kiểm tra mức độ “sợ bỏ lỡ” của con người thông qua các bảng khảo sát. Qua đó, những câu hỏi sẽ đi vào kiểm tra mức độ thường xuyên của một người đến các sự kiện xã hội, cách lo lắng và cảm thấy khi bạn bè đi chơi mà không rủ mình. Kết quả cho thấy, FOMO phổ biến nhất ở độ tuổi khá trẻ (từ 18 đến 33), hai phần ba số người trong nhóm tuổi này cho biết họ cảm thấy sợ hãi bị bỏ lỡ.

Chia tay FOMO

Việc nghiện mạng xã hội và Internet ở người trẻ không phải mới nhưng thường được xã hội nhìn nhận đơn thuần là việc bản thân người đó thiếu tự chủ. Tuy nhiên, theo báo cáo từ MyLife - công ty Mỹ cung cấp dịch vụ kết nối thông tin giữa các cá nhân, gần 60% người sử dụng mạng xã hội mắc FOMO. Con người càng sống nhanh, càng sợ mình sẽ trở thành kẻ rớt lại đằng sau.

Đề cập đến giải pháp, bà Lã Linh Nga cho rằng, mỗi chúng ta phải tự thay đổi thói quen sống tích cực hơn, sống chậm hơn. Từ bỏ thói quen sống ảo và kết nối với những người bạn trên mạng nhưng bạn thực tế lại có rất ít.

“Không còn cách nào khác, các bạn trẻ phải tự cân đối quỹ thời gian và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội thật thay vì suốt ngày làm bạn với mạng xã hội. Chúng ta cũng nên học cách suy nghĩ tích cực, dành thời gian đọc sách, chăm sóc cây cối, vật nuôi. Chú trọng duy trì và phát triển những mối quan hệ tích cực, tham gia các hoạt động vì cộng đồng nhiều hơn. Đừng để hội chứng FOMO hành hạ bản thân mình”, bà Nga nhấn mạnh.

Trong một khảo sát của JWTintelligent (trung tâm nghiên cứu tư duy xác định những thay đổi trong hệ tư tưởng toàn cầu), gần 50% bạn trẻ thừa nhận rằng hội chứng tâm lý FOMO của mình là do mạng xã hội gây ra. Vậy nên việc hạn chế khoảng thời gian sử dụng Facebook, Twitter, Instagram… và đưa bản thân vào kỷ luật là điều vô cùng cần thiết. Quy đổi thời gian online sang các hoạt động bên ngoài nhằm có thêm những kiến thức, trải nghiệm thú vị cũng là cách nên áp dụng.

Bằng kinh nghiệm của mình, TS. Phạm Mạnh Hà cho hay, một trong những giải pháp giúp vượt qua hội chứng này là cân đối những người bạn trên mạng xã hội và những người bạn ngoài thực tế.

“Chỉ có những người bạn thật, giao tiếp thật, những câu chuyện thật, chia sẻ cảm xúc thật mới làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, tự tin hơn và có động lực để học tập, lao động và làm việc. Nếu quá sa đà vào những hoạt động trên mạng xã hội, chúng ta không thể kiểm soát được hết mong muốn của mình. Hãy sống thật hơn với cuộc sống của chính mình, phải biết điều gì cốt lõi, điều gì thoáng qua để không sợ bị bỏ lỡ”, TS. Hà nhắn nhủ.