PGS.TS Trần Hậu Khang trực tiếp khám bệnh cho bệnh nhân. |
Đã có không ít báo, đài viết về công lao đóng góp của ông cho ngành y tế nước nhà. Bài viết này chỉ khái quát một phần chân dung và công việc bận rộn hằng ngày của ông - Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Hậu Khang - Phó Chủ tịch Hội Da liễu châu Á, Chủ tịch hội Da liễu Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Duyên phận với nghề
Tôi gặp ông tình cờ như cái duyên, ấy là khi ông xuống tận giường bệnh để xem xét phác đồ điều trị cho một bệnh nhân bị bệnh nan y hiếm gặp. Tính tình điềm đạm, nhã nhặn là ấn tượng ban đầu mà tôi cảm nhận được ở ông. Chợt nghĩ, hẳn cụ thân sinh ra ông ngày trước không là thầy đồ thì cũng là thầy lang bốc thuốc, nên mới đặt cho ông cái tên Trần Hậu Khang đầy ý nghĩa như vậy.
Khi chuẩn bị viết bài này tôi điện thoại có ý thông báo thì ông nhắn tin lại rằng ông đang công tác bên Lào. Lần thứ hai điện thoại thì ông lại đang công tác trong TP. Hồ Chí Minh… Rồi ông bảo tôi viết xong thì gửi qua mail cho ông đọc, có một số thông tin mới có thể bổ sung. Nhất định là vậy rồi, vì tôi hiểu thầy thuốc vốn là những người rất cẩn trọng, cẩn trọng trong mọi chuyện. Không nói ra nhưng chắc chắn ông ngại những thông tin bốc giời, kiểu như làm thì nhỏ nhưng nói lại to, nhất lại về cá nhân một con người...
Gặp ông để phỏng vấn không dễ vì lịch công tác của ông dày đặc, khi thì xuôi Nam, khi ngược Bắc tất tả như con thoi. Lúc thì ông chủ trì hội nghị, hội thảo chuyên ngành, lúc thì trên giảng đường và có lúc lại đi hội chẩn chữa bệnh. Mặc dù vậy, trên trang Web của trường Đại học Y Hà Nội sinh viên vẫn thấy hình ảnh thầy Khang rong ruổi cùng đoàn công tác xã hội từ thiện của trường lên tận cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con các dân tộc thiểu số.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Thạch Kênh,Thạch Hà, Hà Tĩnh, ông nội là thầy lang chuyên bốc thuốc chữa bệnh trong vùng. Sau này, bố ông tuy làm thầy giáo nhưng cũng lại theo học nghề thuốc để nối nghiệp cha, thành thử tính đến ông là 3 đời làm nghề chữa bệnh cứu người. Danh hiệu, học hàm học vị ông đủ cả vậy mà trong câu chuyện với tôi ông không hề nhắc đến chuyện bằng cấp. Với chuyên ngành da liễu ở Việt Nam và khu vực ông là một chuyên gia có uy tín, được bạn bè đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Ông bộc bạch, da liễu là chuyên ngành “vừa khó, vừa khô, vừa khổ” mình là người làm nghề nên luôn phải tìm tòi học tập để giỏi nghề, cái gì có lợi cho người bệnh là làm và quyết tâm làm tới cùng. Ông quan niệm sống trên đời cần có một tấm lòng nhân ái. Người bệnh ngoài điều trị bằng thuốc để khỏi bệnh họ còn rất cần những liều thuốc tinh thần, đó là những lời động viên thăm hỏi của các thầy thuốc. Ở góc độ chuyên môn, ông ít khi bị thất bại trong việc tư vấn, điều trị cho bệnh nhân. Kể cả những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, bi đát khi họ mắc những bệnh hiểm nghèo như: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm bì cơ, sơ cứng bì, vẩy nến, Pemphigus, đặc biệt là bệnh Phong…
Người có nhiều chức danh
Hơn nửa đời người gắn bó với ngành y, bản thân ông cũng có nhiều trải nghiệm vui buồn. Ông hiểu nỗi đau, nỗi mất mát thiệt thòi của người bệnh, rộng ra nữa là thân phận, kiếp người. Bằng uy tín của mình, trong những năm qua ông đã kêu gọi sự giúp đỡ của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước chung tay giúp đỡ những bệnh nhân Phong, căn bệnh vẫn còn bị xã hội kỳ thị, xa lánh. Bên cạnh đó, câu lạc bộ Sức khỏe và Tình bạn nơi ông tham gia cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền để xã hội không quay lưng với những con người bất hạnh. CLB đã tổ chức có hiệu quả nhiều lớp dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho các bệnh nhân Phong vượt qua nhưng khó khăn trước mắt. Đồng thời hỗ trợ kinh phí ăn ở, chữa bệnh cho những bệnh nhân nghèo bị bệnh nặng tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Thời gian không ngừng trôi, Thầy thuốc ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Hậu Khang vẫn đang tiếp tục thực hiện cái nghiệp trị bệnh cứu người mà ông vẫn tâm niệm là duyên phận. Cố gắng hoàn thành những dự định và cả những điều còn ấp ủ lâu nay không ngoài mục đích mang lại lợi ích thiết thực cho cho người bệnh. Hơn 30 làm việc trong chuyên ngành da liễu, thầy thuốc ưu tú Trần Hậu Khang đã có nhiều cống hiến đóng góp cho ngành da liễu Việt Nam trong việc đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu. Từ chỗ chỉ được mời tham dự hội nghị khoa học về da liễu quốc tế đã là vinh dự, đến nay ngành da liễu Việt Nam đã có đủ uy tín để tham gia chủ trì, tổ chức các hội nghị quốc tế. Từ năm 1996 – 2006, Tiến sỹ Trần Hậu Khang là cố vấn về bệnh Phong của Tổ chức Y tế thế giới tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Hiện nay ông là thành viên Ban cố vấn điều trị bệnh vẩy nến, bệnh trứng cá trong khu vực và cũng là hội viên của nhiều Hội Da liễu Quốc tế. Biên tập viên của tạp chí LASER THERAPY, là Chủ nhiệm của nhiều đề tài hợp tác với các tổ chức quốc tế. Ông vinh dự được trao tặng nhiều Huân huy chương các loại, và được nhận giải thưởng xuất sắc báo cáo khoa học quốc tế tại Nhật Bản. Là người Đông Nam Á đầu tiên được trao Giải thưởng Cống hiến của Liên đoàn Da liễu Thế giới, danh hiệu cao quý này không chỉ là niềm vinh dự của PGS.Tiến sỹ Trần Hậu Khang mà còn là vinh dự của ngành Da liễu Việt Nam.
Trò chuyện với tôi ông chia sẻ mặc dù khá bận rộn, nhưng những lúc rảnh rỗi ông vẫn dành thời gian để đến với thơ, thơ giúp ông cân bằng cuộc sống. Biết ông là người mê thơ và cũng làm khá nhiều thơ, tôi hỏi vì sao ông không chọn lọc để in lấy một tập trước? ông cười bảo thôi để khi nào nghỉ hưu rồi in cũng được.
PGS-TS Trần Hậu Khang sinh năm 1954, quê quán Thạch Hà, Hà Tĩnh. Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, Chủ nhiệm bộ môn Da liễu - Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Da liễu châu Á. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2008. Ông từng là Trưởng đoàn khảo sát của Bộ Y tế tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi khi "hội chứng viêm da lòng bàn tay, bàn chân có tăng men gan" bùng phát tại đây vào năm 2012. |
Hà Huy Hoàng