📞

Sốt xuất huyết đã đến đỉnh dịch

15:46 | 22/10/2015
Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang vào thời kỳ đỉnh điểm khi số lượng người nhập viện tăng vọt khiến nhiều bệnh viện tuyến trung ương quá tải.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết.

Bệnh viện "trở tay không kịp"

Từ đầu tháng Mười, Khoa Virus - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) thường xuyên ở trong tình trạng quá tải do số bệnh nhân mắc SXH tăng nhanh. Nhiều bệnh nhân phải nằm ghép ba, bốn người/giường, thậm chí phải kê thêm giường ở hành lang.

Ông Hải Nam (phường Tứ Liên, Tây Hồ) đang chăm sóc hai con mắc SXH tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương than thở: "Hai cháu nhà tôi đã nằm viện ba ngày nay, bệnh nhân đông quá. Nóng bức, chật chội nên có lẽ tôi đành phải đưa các cháu về nhà điều trị". Chăm sóc chồng cũng mắc SXH tại đây, chị Bích Ngọc ở quận Hai Bà Trưng cho biết, bệnh nhân dù sao còn có chỗ để ngả lưng chứ người nhà bệnh nhân thì hành lang cũng chả còn chỗ, đành phải ra ghế đá trong sân bệnh viện để nằm.

Theo điều dưỡng viên Nguyễn Thúy Phương, mỗi ngày Khoa tiếp nhận từ 15-20 bệnh nhân nặng trong khi bệnh nhân cũ vẫn chưa xuất viện khiến bệnh viện "trở tay không kịp". Mặc dù Khoa đã tăng thêm 14 giường ngoài hành lang, nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm ghép.

Tình trạng quá tải bệnh nhân không chỉ xảy ra với riêng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mà còn là tình trạng chung ở khắp các bệnh viện tuyến trung ương.

Năm 2015 với tính chất chu kỳ dịch cùng với thời điểm hiện nay đang là mùa mưa khiến dịch SXH đang lên đến đỉnh điểm, lây lan với tốc độ chóng mặt và diễn biến ngày càng trở nên khó lường trên khắp các tỉnh thành cả nước.

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 43.141 trường hợp mắc SXH tại 53 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 trường hợp tử vong. So với giai đoạn 2010-2014, trung bình số người mắc SXH giảm 14,9%, số tử vong giảm 42,4%, nhưng số bệnh nhân SXH tăng so với cùng kỳ năm 2014.

Đặc biệt ở các địa phương phía Nam, nơi có dân cư đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương..., dịch SXH có xu hướng gia tăng trầm trọng với 31.744 trường hợp, chiếm 73,6% cả nước. Đứng thứ hai về số bệnh nhân mắc SXH là miền Trung với 6.389 trường hợp chiếm 14,8% cả nước. Tiếp sau là miền Bắc với 3.152 trường hợp chiếm 7,3% cả nước. Còn khu vực Tây Nguyên có 1.856 trường hợp chiếm 4,3% cả nước.

80% ca nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ

Một trong những vấn đề nóng tại Hội nghị tăng cường công tác chống dịch sốt xuất huyết được tổ chức tại Bình Dương tuần qua là tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương trong thời kỳ đỉnh dịch. Thậm chí, có những trường hợp người nhà bệnh nhân ký cam kết tự nguyện nằm giường ghép năm người.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện tượng này xuất phát từ tâm lý gia đình người bệnh và một phần tác động từ truyền thông, gây nhiều khó khăn cho công tác dập tắt dịch. "Đến 80% các ca nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ, hoàn toàn có thể chữa trị ở các phòng khám, bệnh viện huyện, tỉnh…. Đưa người bệnh lên các bệnh viện tuyến trên không chỉ gây ra quá tải, các y bác sĩ khó tập trung điều trị vào những ca nặng, mà đáng lo hơn là còn dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân", bà Tiến chỉ rõ.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cùng các lãnh đạo trong ngành đều nhấn mạnh vào việc tập huấn cho các bệnh viện tuyến cơ sở và tư nhân về phác đồ điều trị sốt xuất huyết. Các bệnh viện trung ương cũng cần cử các bác sĩ xuống tuyến dưới để hỗ trợ về chuyên môn cũng như thăm khám cho người dân các địa phương.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần có ý thức đề phòng dịch bệnh bằng cách làm vệ sinh môi trường. Người dân cần thường xuyên chủ động diệt lăng quăng - bọ gậy, đặc biệt ở các thành phố lớn có dân số đông, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao. Nhiều nhà trọ, lán trại thường có nhiều dụng cụ, vật liệu chứa nước tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển trong khi việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ có tác dụng diệt đàn muỗi trưởng thành trong thời gian ngắn. Đồng thời, chính quyền cần phải đôn đốc người dân, tổ chức huy động, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng dịch bệnh xảy ra.

Nhã Anh (tổng hợp)