📞

Sử dụng vaccine AstraZeneca thế nào cho đúng?

Hoàng Danh 11:45 | 21/02/2021
TGVN. Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra một số khuyến nghị tạm thời về việc sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Oxford/AstraZeneca.
Một số khuyến nghị khi sử dụng vaccine AstraZeneca. (Nguồn: AFP)

1. Bảo quản và phân phối

Vaccine AstraZeneca do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Một đặc điểm chính của vaccie này là có thể được bảo quản ở 2-8 ℃ (trong điều kiện tủ lạnh bình thường). Đây là điểm khác biệt so với một số loại vaccine Covid-19 khác - như vaccine Pfizer’s mRNA - phải được bảo quản ở nhiệt độ rất lạnh (-70 độ C). Vì vậy, vaccine AstraZeneca có thể được phân phối một cách tương đối dễ dàng.

Ngoài ra, Tập đoàn AstraZeneca có nhiều chuỗi cung ứng trên khắp thế giới, có nhiều cơ sở sản xuất, đối tác cung cấp nguyên liệu, giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vaccine. AstraZeneca đặt mục tiêu sản xuất 3 tỷ liều trong năm nay và sản xuất hơn 200 triệu liều mỗi tháng đến tháng 4.

2. Liều lượng và tác dụng với biến thể mới

Liều lượng khuyến cáo đối với vaccine này là 2 liều (mỗi liều 0,5ml) với khoảng cách giữa hai liều tiêm là 8-12 tuần. WHO cũng đề nghị sử dụng vaccine của AstraZeneca đối với cả người 65 tuổi trở lên.

Liên quan đến biến thể mới của SARS CoV-2, WHO khuyến nghị sử dụng vaccine theo Lộ trình ưu tiên của WHO, ngay cả khi xuất hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2 ở một số quốc gia. Các quốc gia nên đánh giá rủi ro và lợi ích, có cân nhắc tình hình dịch tễ của đất nước.

3. Những chú ý khi tiêm vaccine

Trong khi nguồn cung vaccine là giới hạn, vaccine ngừa Covid-19 được khuyến nghị nên ưu tiên cho lực lượng y tế trên tuyến đầu và những người cao tuổi, bao gồm những người trên 65 tuổi. Việc chủng ngừa cũng được khuyến khích đối với những người có bệnh lý nền như béo phì, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và tiểu đường.

Mặc dù cần có các nghiên cứu sâu hơn đối với những người nhiễm HIV hoặc những người bị suy giảm hệ miễn dịch, nhóm người này cũng được đề nghị tiêm chủng sau khi tư vấn với bác sĩ.

Những người đã từng mắc Covid-19 vẫn có thể tiêm vaccine, nhưng nên trì hoãn việc tiêm trong khoảng 6 tháng kể từ thời điểm nhiễm SARS-CoV-2, tạo cơ hội cho những người cần vaccine khẩn cấp hơn tiêm trước. Có thể tiêm vaccine cho phụ nữ đang cho con bú, nếu họ thuộc nhóm được ưu tiên. WHO không khuyến khích ngừng cho con bú sau khi tiêm chủng.

4. Những người không nên tiêm vaccine?

Những người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vaccine không nên dùng. Thuốc này được khuyến cáo dành cho người từ 18 tuổi trở nên, trong khi độ tuổi dưới 18 đang chờ các kết quả nghiên cứu sâu hơn

Mặc dù phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng hơn, nhưng có rất ít dữ liệu để đánh giá tính an toàn của vaccine trong thai kỳ. Phụ nữ mang thai có thể được chủng ngừa, nếu lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn rủi ro tiềm ẩn của vaccine.

Vì vậy, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với SARS-CoV-2 (ví dụ: nhân viên y tế) hoặc những người mắc các bệnh lý có thể được tiêm chủng với sự tư vấn của giới chuyên môn.

Trong khi các nước đang tích cực thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, WHO khuyến cáo người dân tiếp tục duy trì và tăng cường các biện pháp y tế công cộng có hiệu quả như đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách, rửa tay thường xuyên, tránh nơi đông người...

(theo VOV.VN)