Những sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020 với nhiều mảng màu tối, ghi dấu tròn một năm đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, gây ra cái chết của hơn 1,76 triệu người vô tội (tính đến ngày 27/12); cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 nóng rẫy và tốn giấy mực của giới truyền thông; chiến tranh, xung đột, hỏa hoạn, thiên tai, suy thoái kinh tế, phân biệt chủng tộc…
Tới cuối năm, tia sáng hy vọng lóe lên khi ghi nhận thông tin tốt lành từ vaccine ngừa Covid-19. Nhưng tất cả còn ở phía trước và không ai đoán định được năm 2021 sẽ tới với nhân loại theo cách như thế nào?
Tháng 1
Những ngày đầu tiên của một thập kỷ mới đầy hứa hẹn và kỳ vọng, nhưng chỉ 3 ngày đầu năm, thế giới đã ghi nhận những sự kiện lớn. Đó là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái giết chết Tướng Iran Qasem Soleimani, nhằm trả đũa lực lượng Iran đã tấn công căn cứ của liên quân ở Iraq.
Trong khi đó, virus corona chủng mới (sau này được đặt tên là SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 bắt đầu lây lan khắp thế giới.
Ngày 1/1: Như thường lệ, người dân vui vẻ chúc mừng năm mới tại Quảng trường Thời đại của New York, Mỹ. (Nguồn: The New York Times) |
Ngày 3/1: Tổng thống Mỹ Donald Trump rời đi sau khi đưa ra tuyên bố tại Palm Beach, Florida rằng chính ông đã ra lệnh cuộc tấn công bằng máy bay không người lái sát hại Tướng Iran Qasem Soleimani. Lầu Năm Góc đổ lỗi cho Soleimani và Lực lượng Quds về các cuộc tấn công vào các căn cứ của liên quân ở Iraq, bao gồm cả cuộc tấn công vào tháng 12/2019 dẫn đến cái chết của một nhà thầu Mỹ và nhân viên Iraq. (Nguồn: Getty) |
Ngày 6/1: Người dân tập trung tại Tehran, Iran, để tham dự lễ tang Tướng Qasem Soleimani. Hai ngày sau, Iran trả đũa bằng cách bắn tên lửa vào hai căn cứ của Iraq, nơi có quân đội Mỹ. (Nguồn: AP) |
Ngày 15/1: Thư ký Hạ viện Mỹ mang theo hai văn kiện luận tội chống lại Tổng thống Donald Trump cùng đoàn gồm 7 nhà quản lý luận tội Hạ viện đi qua Khu mái vòm Rotunda tại Tòa nhà Quốc hội để đến Thượng viện ở Washington, Mỹ. Các văn kiện luận tội này đã được Hạ viện thông qua vào tháng 12/2019. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 25/1: Các nhân viên y tế đưa một bệnh nhân đến bệnh viện Chữ thập đỏ ở Vũ Hán, Trung Quốc. Loại virus corona mới được báo cáo lần đầu tiên ở Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. (Nguồn: Getty) |
Ngày 31/1: Người đàn ông ở London vẫy lá cờ khổng lồ sau khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời Liên minh châu Âu (EU). Sự ra đi lịch sử được gọi là Brexit diễn ra sau khi 51,89% người từ Anh, Scotland, xứ Wales, Bắc Ireland và Gibraltar bỏ phiếu đồng ý rời EU. (Nguồn: Reuters) |
Tháng 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được tuyên bố trắng án trong phiên tòa luận tội tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Trên khắp thế giới, các ca nhiễm Covid-19 bắt đầu gia tăng với tốc độ đáng báo động. Nhưng đối với nhiều người, cuộc sống vẫn diễn ra như bình thường.
Ngày 2/2: Shakira, trái, và Jennifer Lopez biểu diễn tại chương trình giải đấu Super Bowl nổi tiếng tại sân vận động Hard Rock, Miami, Mỹ. Đây là show diễn giữa giờ nghỉ trong trận chung kết Siêu bóng bầu dục nước Mỹ. Sau 52 mùa giải, Super Bowl đã vượt qua khuôn khổ chương trình thể thao mà trở thành sân khấu riêng lẻ, được trình diễn bởi các ngôi sao hạng A. (Nguồn: Getty) |
Ngày 4/2: Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé bản sao bài phát biểu Thông điệp Liên bang ngay sau khi Tổng thống Donald Trump đọc xong tại phiên họp Quốc hội. Đây được coi là hành động chưa từng có tiền lệ tại Mỹ. Sau hành động này, Chủ tịch Hạ viện thuộc phe đảng Dân chủ nói: “Đó là điều lịch sự nhất tôi có thể làm dành cho ông Trump trong số các lựa chọn khác”. (Nguồn: AP) |
Ngày 6/2: Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm tờ báo với tiêu đề "Trump acquitted" (Trump được tha bổng) trong sự kiện Bữa sáng cầu nguyện quốc gia thường niên lần thứ 68 được tổ chức tại Nhà Trắng, Washington. Trước đó 1 ngày, Thượng viện Mỹ đã quyết định tha bổng với cả hai cáo buộc: cản trở Quốc hội và lạm quyền đối với ông Trump do Hạ viện đề xướng. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 9/2: Đạo diễn phim 'Parasite' Bong Joon Ho cầm những bức tượng vàng Oscar khi tham dự Lễ trao giải Oscar ở Los Angeles, Mỹ. 'Parasite' đã trở thành bộ phim không nói tiếng Anh đầu tiên giành được Giải Oscar cho phim hay nhất, đồng thời giành giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất, phim truyện quốc tế hay nhất và kịch bản gốc hay nhất. (Nguồn: Getty) |
Ngày 16/2: Những chú chó đeo khẩu trang tại một khu mua sắm ở Thượng Hải, Trung Quốc, trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 ngày càng lan rộng ở quốc gia châu Á. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 18/2: Nghệ sĩ Dogmar Turner chơi violin trong khi các bác sĩ tại Bệnh viện King College ở London, Anh đang phẫu thuật não cho bà, ngày 31/1. Bà Dagmar Turner, 53 tuổi, là Giáo sư âm nhạc thuộc dàn nhạc giao hưởng Wight, được chẩn đoán có khối u ở thùy trán phải gần vùng não điều khiển cử động tay trái, vốn là bộ phận rất quan trọng với các nhạc công chơi violin. Trước khi phẫu thuật, bà Turner đã đề nghị các bác sĩ đánh thức bà sau khi gây mê để mở hộp sọ. Bà muốn chơi violin trong quá trình loại bỏ khối u, để đảm bảo phần não điều khiển tay trái của mình không bị tổn hại. Ca phẫu thuật thành công, Dagmar được xuất viện sau 3 ngày nằm viện. Bà vẫn có thể chơi violin và các nhạc cụ khác sau khi bình phục. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 26/2: Oleksandr Burlakov tự thiêu trong cuộc biểu tình trước trụ sở Văn phòng Tổng thống ở Kiev, Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
Tháng 3
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Vào thời điểm đó, đã có 118.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 4.000 ca tử vong vì SARS-CoV-2, virus đã hiện diện ở mọi lục địa, trừ Nam Cực. Lệnh hạn chế đi lại, giãn cách xã hội được áp dụng tại nhiều nước.
Ngày 5/3: Hoàng tử Harry của Anh và vợ Meghan, Nữ công tước xứ Sussex, tham dự Lễ trao giải Quỹ Endeavour ở London. Vào tháng 1, cặp đôi đã gây sốc khi thông báo họ sẽ từ bỏ tư cách thành viên của Hoàng gia Anh. (Nguồn: Getty) |
Ngày 9/3: Ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris chào nhau khi họ tham dự sự kiện "Get Out the Vote" tại một trường trung học ở Detroit. Bà Harris đã trở thành đồng sự tranh cử của ông Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. (Ảnh: Adam Schultz) |
Ngày 10/3: Hành khách được rời tàu du lịch Grand Princess ở Oakland, California, Mỹ. Hàng nghìn người đã mắc kẹt trên tàu trong nhiều ngày vì phát hiện một số ca nhiễm Covid-19 trên tàu. (Nguồn: Getty) |
Ngày 13/3: Người phụ nữ đeo khẩu trang nhìn qua cửa kính vào căn phòng quàn quan tài chứa thi thể thể người thân qua đời vì Covid-19 ở Milan, Italy. Quốc gia châu Âu đã phải phong tỏa hoàn toàn do các ca nhiễm Covid-19 ngày một tăng. (Ảnh: Gabriele Galimberti) |
Ngày 19/3: Bức ảnh chụp cận các ghi chú của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy từ "Corona" đã bị gạch bỏ và thay thế bằng từ Chinese (Trung Quốc) khi ông nói về virus corona tại Nhà Trắng, Washington. Việc Tổng thống Trump gọi virus corona chủng mới là “virus Trung Quốc” đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc. (Nguồn: The Washington Post) |
Ngày 25/3: Ngọn lửa Olympic được trưng bày tại Iwaki, Nhật Bản, một ngày sau khi Thế vận hội Tokyo 2020 bị hoãn một năm vì Covid-19. (Nguồn: Getty) |
Ngày 26/3: Các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về đại dịch Covid-19 bằng hình thức hội nghị truyền hình trực tuyến. Màn hình này được chụp tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Australia. (Nguồn: Getty Images) |
Tháng 4
Các trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đạt 1 triệu vào đầu tháng 4. Tính đến cuối tháng, có 1 triệu trường hợp chỉ riêng ở Mỹ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, thế giới buộc phải làm quen với cụm từ "bình thường mới", gắn liền đến khẩu trang và giãn cách xã hội.
Ngày 3/4: Y tá điều chỉnh tấm chắn giọt bắn cho em bé sơ sinh tại bệnh viện ở tỉnh Samut Prakan, Thái Lan. (Nguồn: Bệnh viện Paolo Samutprakarn) |
Ngày 6/4: Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về Covid-19 trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Washington. (Nguồn: AP) |
Ngày 9/4: Bức ảnh được chụp bằng thiết bị bay không người lái cho thấy hoạt động chôn cất thi thể trên đảo Hart, bang New York, Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành ở thành phố này. Những hình ảnh trên mạng xã hội về hố chôn tập thể trên đảo như thế này đã lan truyền nhanh chóng và nhiều người không tránh khỏi bị ám ảnh. Tuy nhiên, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết, mặc dù số người được chôn cất trên đảo tăng, nhưng đây chỉ là những người chết khi không có người thân hoặc gia đình tới nhận. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 16/4: Bà mẹ người Palestine tạo trò chơi cho các con khi dùng bắp cải làm khẩu trang trong lúc bà nấu ăn ở Beit Lahia, phía Bắc Dải Gaza. (Nguồn: Getty) |
Tháng 5
Số người tử vong vì đại dịch tiếp tục tăng vào tháng 5, nhưng điều đó không ngăn được làn sóng những người biểu tình tràn ra đường sau cái chết thương tâm của người đàn ông da màu George Floyd tại Mỹ.
Floyd, 46 tuổi, đã chết khi bị một cảnh sát da trắng ghì cổ ở Minneapolis. Cái chết của Floyd châm ngòi cho làn sóng phản đối sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ và lan sang nhiều quốc gia khác.
Ngày 7/5: Người dân ở Al Atarib, Syria, cùng nhau ăn cơm trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Khu phố của họ đã bị phá hủy trong các chiến dịch quân sự. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 11/5: Những người trong thang máy tại Trung tâm thương mại thế giới ở Colombo, Sri Lanka đứng cách xa nhau, tuân thủ lệnh giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 15/5: Y tá Kirsty Hartley đưa em bé sinh non Theo Anderson cho mẹ cậu, cũng tên là Kirsty, tại Bệnh viện đa khoa Burnley ở Burnley, Anh. (Nguồn: Getty) |
Ngày 17/5: Người dân ngồi trong các vòng tròn tại công viên Domino ở New York, Mỹ. Các vòng tròn được sơn trắng, cách nhau 6 feet (khoảng hơn 1,8m) để đảm bảo giãn cách xã hội trong bối cảnh Covid-19. (Nguồn: Getty) |
Ngày 17/5: Thi thể của Valnir Mendes da Silva, 62 tuổi, nằm trên vỉa hè ở Rio de Janeiro khi Brazil phải vật lộn với sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc Covid-19. Valnir Mendes da Silva được cho là đã qua đời sau khi cảm thấy khó thở, nhưng nguyên nhân cái chết không thể được xác nhận. Người thân và hàng xóm nói với Reuters rằng phải mất khoảng 30 giờ thi thể mới được đưa đi. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 21/5: Người đàn ông xua đuổi đàn châu chấu sa mạc ở hạt Samburu, Kenya. Đây được coi là dịch châu chấu lớn nhất tàn phá châu Phi trong 70 năm. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cho biết, dịch châu chấu gây ra mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh lương thực trong khu vực. (Nguồn: Getty) |
Ngày 31/5: Những người biểu tình chặn một đường cao tốc ở St. Paul, Minnesota, Mỹ để phản đối cái chết của George Floyd. (Nguồn: Reuters) |
Tháng 6
Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục khi George Floyd đã được an nghỉ. Tại Washington, DC, dòng chữ "Black Lives Matter" được sơn trên hai khối nhà theo lệnh của Thị trưởng Muriel Bowser.
Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Mỹ 2020. Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đại diện đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Cuộc sống của người dân trên toàn thế giới vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Ngày 1/6: Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm một cuốn Kinh thánh bên ngoài nhà thờ St. John's Episcopal ở Washington. Một phần của nhà thờ đã bị đốt cháy trong các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc vào đêm hôm trước. (Nguồn: AP) |
Ngày 8/6: Các nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ quỳ gối, im lặng trong 8 phút 46 giây để tưởng nhớ George Floyd tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 8/6. (Nguồn: AP) |
Ngày 15/6: Cảnh sát ở Albuquerque, New Mexico bắt giữ các thành viên của Lực lượng Bảo vệ Dân sự New Mexico, một nhóm dân sự có vũ trang, sau khi một người đàn ông bị bắn trong một cuộc biểu tình. Vụ nổ súng xảy ra khi những người biểu tình đang cố gắng kéo một bức tượng của nhà thám hiểm Tây Ban Nha thế kỷ XVI Juan de Oñate xuống. Cảnh sát cho biết một người đàn ông 31 tuổi đã bị bắt vì liên quan đến vụ xả súng. Lực lượng bảo vệ dân sự New Mexico nói với CNN qua email rằng người đàn ông không thuộc nhóm của họ. (Nguồn: AP) |
Ngày 17/6: Cậu bé Merlin Coles, 3 tuổi, xem chương trình truyền hình trực tiếp về cuộc đua ngựa nổi tiếng Royal Ascot trên TV trong khi ngồi trên lưng chú ngựa Spark Sparkles cùng con chó Mistress, ở Bere Regis, Dorset, Anh. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc đua ngựa nổi tiếng được tổ chức mà không có sự cổ vũ trực tiếp từ khán giả tại trường đua. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 21/6: Trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch Covid-19, người dân vẫn có thể tham gia lớp học yoga ngoài trời nhưng ở trong không gian của những “lều bóng” trong suốt. Hình ảnh lớp học yoga ở Toronto, Canada. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 22/6: Cây xanh được đặt ở ghế dành cho khán giả trong buổi diễn tập chuẩn bị cho sự kiện nhà hát Gran Teatre del Liceu ở Barcelona, Tây Ban Nha được mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Việc đặt cây xanh ở ghế khán giả nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khán giả đối với các nhà hát sau khi mở cửa trở lại. (Nguồn: Getty) |
Tháng 7
Vào kỳ nghỉ lễ nhân ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, gần hai mươi bang đã đóng cửa trở lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, vốn đang hoành hành khắp miền Nam và Tây Nam đất nước. Các bang khác thực hiện biện pháp ngăn chặn bổ sung.
Tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi đầu tiên phát hiện virus gây bệnh Covid-19, cuộc sống của người dân gần như trở lại bình thường.
Ngày 1/7: Đám mây đen lớn trên bầu trời trong một trận đấu bóng đá chuyên nghiệp ở Unterhaching, Đức. (Nguồn: Getty) |
Ngày 11/7: Tổng thống Mỹ Donald Trump đeo khẩu trang khi đến thăm Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed ở Bethesda, Maryland. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, giới truyền thông bắt gặp ông Trump đeo khẩu trang. (Nguồn: Getty) |
Ngày 20/7: Khán giả đeo khẩu trang, ngồi giãn cách xã hội khi xem phim tại rạp chiếu phim ở Vũ Hán, Trung Quốc. Virus gây bệnh bệnh Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. (Nguồn: Getty) |
Ngày 24/7: Chú chó thuộc giống St Bernards tên là Daisy được cứu khỏi Scafell Pike, ngọn núi cao nhất nước Anh. Với khả năng định hướng tuyệt vời và khả năng chống chọi với giá lạnh, những chú chó thuộc giống St Bernards đã cứu giúp được nhiều người trên núi, từ thế kỷ 18, theo tạp chí Smithsonian. Nhưng lần này, Daisy cần được cứu sau khi chú chó có dấu hiệu bị đau ở chân sau và không thể di chuyển. (Nguồn: Getty) |
Ngày 26/7: Chính phủ Triều Tiên công bố bức ảnh này của nhà lãnh đạo Kim Jong Un khi ông được bao quanh bởi các sĩ quan quân đội cấp cao. Các sĩ quan đang cầm những khẩu súng lục kỷ niệm mà họ nhận được từ ông Kim. (Nguồn: KCNA) |
Tháng 8
Hơn 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương sau vụ nổ lớn ở thủ đô Beirut của Lebanon vào ngày 4/8.
Ở miền Tây nước Mỹ, nhiều tiểu bang đang phải vật lộn với cháy rừng. Hơn 4 triệu mẫu đất đã bị thiêu rụi trên khắp bang California trong năm nay, là vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử bang.
Ngày 5/8: Bức ảnh chụp từ trên không cho thấy hậu quả nặng nề của vụ nổ khiến hàng trăm người thiệt mạng ở cảng Beirut, Lebanon. (Nguồn: AP) |
Ngày 11/8: Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden gọi điện cho Thượng nghị sĩ Kamala Harris từ nhà riêng ở Delaware để thông báo với bà rằng bà là người cộng sự tranh cử của ông. Bà Harris trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên và là người gốc Nam Á đầu tiên được đánh giá cao để giành vé tham gia một đảng chính trị lớn tại Mỹ. (Ảnh: Adam Schultz) |
Ngày 16/8: Bức ảnh chụp từ trên không cho thấy xác tàu MV Wakashio bị gãy làm đôi, một con tàu mắc cạn vào tháng 7 và làm rò rỉ hàng tấn dầu diesel xuống vùng biển ngoài khơi đảo quốc Mauritius. (Nguồn: Getty) |
Ngày 27/8: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đến tham dự Hội nghị quốc gia của đảng Cộng hòa tại Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng, Washington, Mỹ. Việc Nhà Trắng được sử dụng làm địa điểm để Tổng thống phát biểu trong kỳ đại hội là điều chưa từng có trong lịch sử chính trị tại Mỹ, khi các tổng thống tiền nhiệm luôn duy trì một số ranh giới giữa văn phòng Tổng thống và các cuộc tái tranh cử. (Nguồn: AP) |
Ngày 30/8: Nữ ca sĩ Lady Gaga mặc trang phục lấy cảm hứng từ chiếc khẩu trang trong bối cảnh dịch Covid-19 lên sân khấu nhận giải Màn hợp tác xuất sắc nhất (Best Collaboration Award) với ca khúc "Rain on Me" cùng với Ariana Grande trong Lễ trao giải MTV Video Music năm 2020. (Nguồn: Getty) |
Tháng 9
Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cú đánh vô tình của vận động viên quần vợt nổi tiếng thế giới Novak Djokovic khiến anh bị xử thua, bà Ruth Bader Ginsburg, thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ qua đời trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang ở giai đoạn gay cấn, thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexey Navalny đăng ảnh cùng gia đình khi điều trị bệnh tại Đức… là những sự kiện nổi bật trong tháng 9.
Ngày 4/9: Ông Francisco Espana, 60 tuổi, bệnh nhân Covid-19 được đội ngũ y bác sĩ đưa đi ngắm biển Địa Trung Hải trên một lối đi dạo bên cạnh bệnh viện del Mar ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ông Francisco đã trải qua 52 ngày điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt nhưng được các bác sĩ cho phép ở bên bờ biển vài phút như một phần của liệu pháp phục hồi. (Nguồn: AP) |
Ngày 6/9: Novak Djokovic thăm hỏi trọng tài biên sau khi anh vô ý đánh bóng trúng cô tại vòng 4 đơn nam giải vô địch quần vợt Mỹ mở rộng. Các giám sát trận đấu đã tiến hành thảo luận trong hơn 10 phút, còn Djokovic cố gắng giải thích rằng anh không cố ý trong tình huống đánh bóng này. Dù vậy, ban tổ chức vẫn quyết định xử thua Djokovic và cho Pablo Carreno-Busta giành chiến thắng. (Nguồn: Getty) |
Ngày 9/9: Bức ảnh chụp trận hỏa hoạn được đặt tên là Bear Fire hoành hành tại Oroville, California, Mỹ. (Nguồn: AP) |
Ngày 14/9: Chánh Văn phòng Nội các Suga Yoshihide vẫy tay trước các Nghị sĩ khi được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản. Ngày 16/9, không ngoài dự đoán, ông Suga được bầu làm tân Thủ tướng Nhật Bản, thay ông Abe Shinzo, người trước đó đã từ chức Thủ tướng vì vấn đề sức khỏe. (Nguồn: Kyodo) |
Ngày 15/9: Nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexey Navalny đăng bức ảnh chụp ông trên giường bệnh ở Berlin, Đức, bên cạnh là vợ và hai con, ngày 15/9, vài tuần sau khi phải nhập viện vì nghi bị đầu độc. Theo Chính phủ Đức, ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh thuộc nhóm Novichok có nguồn gốc ở Nga. (Nguồn: Instagram) |
Ngày 29/9: Đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden tham gia cuộc tranh luận bầu cử trực tiếp đầu tiên tại Ohio, Cleveland, Mỹ. Hai ứng viên Tổng thống Mỹ đã có cuộc tranh luận nảy lửa, không kiêng nể nhau, tập trung vào các vấn đề nóng như Covid-19, phát triển kinh tế. Sau cuộc tranh luận đầu tiên, nhà tổ chức phải ra quy định đối với các ứng viên để “giữ trật tự” khi cần thiết. (Nguồn: Getty) |
Tháng 10
Chỉ vài ngày sau cuộc tranh luận đầu tiên chống lại Joe Biden, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông đã xét nghiệm dương tính với Covid-19, cuộc tranh luận bầu cử thứ 2 của ông với ứng viên Joe Biden bị hủy bỏ. Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Ngày 1/10: Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Nhà Trắng sau chuyến đi gây quỹ tới New Jersey. Sáng sớm hôm sau, ông thông báo rằng ông và Đệ nhất phu nhân Melania đã có kết quả dương tính với Covid-19. (Nguồn: Getty) |
Ngày 2/10: Các tàu du lịch ngừng hoạt động, đang trong quá trình tháo dỡ, xếp hàng tại xưởng đóng tàu Aliaga ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Vì đại dịch Covid-19, một số công ty du lịch đã cho tàu “nghỉ hưu” sớm hơn dự kiến. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 3/10: Ngôi nhà may mắn đứng vững ở Saint-Martin-Vésubie, Pháp, sau khi mưa lớn và lũ lụt xảy ra tại địa phương. Mưa lớn kỷ lục đã cuốn trôi nhiều đường xá và nhà cửa. (Nguồn: Getty) |
Ngày 17/10: Timur Xaligov bế thi thể con gái 10 tháng tuổi Narin, người đã thiệt mạng cùng 5 người thân, trong đó có mẹ Narin, khi một tên lửa bắn trúng nhà của họ trong cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh. Kể từ khi nổ ra giao tranh vào ngày 27/9, hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng ngàn người phải di tản, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn trong khu vực. (Nguồn: AP) |
Ngày 22/10: Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden cùng vợ của họ tại cuộc tranh luận bầu cử tổng thống cuối cùng. (Nguồn: Getty) |
Tháng 11
Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đến và đi mà vẫn chưa tìm ra được người chiến thắng. Cuối cùng, lựa chọn của cử tri Mỹ đã rõ. Ông Joe Biden đã giành được tổng cộng 306 phiếu đại cử tri. Người dân đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ. Huyền thoại bóng đá người Argentina Maradona qua đời khiến người hâm mộ toàn thế giới bàng hoàng và vô cùng đau lòng.
Ngày 2/11: Đoàn tàu điện ngầm ở Spijkenisse, Hà Lan bị trật bánh nhưng rất may mắn vì đã “hạ cánh” xuống bức tượng khổng lồ hình đuôi cá voi. Sự việc không gây ra thương tích cho hành khách và nhân viên điều hành đoành tàu. (Nguồn: Getty) |
Ngày 7/11: Đám đông tụ tập trước Nhà Trắng ở Washington, Mỹ để chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. (Nguồn: Getty) |
Ngày 7/11: Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris chào nhau trên sân khấu ở Wilmington, Delaware, nơi họ đọc bài phát biểu chiến thắng. (Nguồn: The New York Times) |
Ngày 22/11: Ca sĩ Dua Lipa biểu diễn tại London, Anh, chương trình đã được truyền hình trực tuyến như một phần của Lễ trao giải American Music Awards. (Nguồn: Getty) |
Ngày 25/11: Yamila Rodriguez khóc ở Buenos Aires sau cái chết của huyền thoại bóng đá Diego Maradona. Maradona, một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, người đã dẫn dắt Argentina vô địch World Cup 1986, đã qua đời sau cơn trụy tim ở tuổi 60. (Nguồn: Getty) |
Tháng 12
Sau 1 năm hoành hành, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp ở toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, người dân toàn cầu đang đặt niềm tin vào hy vọng mang tên vaccine ngừa Covid-19.
Ngày 8/12, Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm vaccine cho người dân. Mỹ và một số nước cũng đã bắt đầu phân phối vaccine ngừa Covid-19 do Pfizer và BioNTech phát triển. Dữ liệu ban đầu cho thấy, các loại vaccine đều an toàn và đạt hiệu quả cao.
Ngày 2/12: Asiwa, một con hươu cao cổ của bị mắc kẹt trên một hòn đảo ngập lụt ở Kenya, được đưa đến nơi an toàn trên một chiếc sà lan thép. Trong nhiều năm, Asiwa và 7 con hươu cao cổ khác đã sống trên một bán đảo gần hồ Baringo. Mực nước hồ dâng cao do mưa lớn không ngớt đã dần biến bán đảo thành một hòn đảo, khiến các loài động vật mắc kẹt. (Ảnh: Ami Vitale) |
Ngày 8/12: Cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, được các nhân viên y tế hoan nghênh khi bà trở về phòng sau khi trở thành người đầu tiên ở Vương quốc Anh được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 Pfizer/BioNtech tại Bệnh viện Đại học ở Coventry. Anh cũng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt và phân phối vaccine ngừa Covid-19. Hơn 50 bệnh viện trên khắp cả nước đã được chỉ định là trung tâm tiêm chủng Covid-19 trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng kéo dài. (Nguồn: Getty) |
Ngày 11/12: Vận động viên người Nga Evgeni Klimov tranh tài tại Giải vô địch thế giới môn trượt tuyết ở Planica, Slovenia. (Nguồn: Getty) |
Ngày 14/12: Tiến sĩ Michelle Chester tiêm vaccine Covid-19 cho Sandra Lindsay, một y tá tại Trung tâm Y tế người Do Thái Long Island ở New York, Mỹ. Lindsay là người đầu tiên ở New York tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech. (Nguồn:AP) |
Ngày 17/12: Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp báo cuối năm thường niên. Năm nay, do những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19, ông Putin tổ chức cuộc họp báo thường niên lần thứ 16 theo hình thức trực tuyến. Ông nói chuyện với các nhà báo và công chúng từ nơi ở của mình tại Novo-Ogaryovo. Ông Putin đã trả lời hơn 60 câu hỏi về nhiều vấn đề khác nhau, từ các vấn đề trong nước đến các vấn đề quốc tế và các vấn đề toàn cầu như đại dịch Covid-19. (Nguồn: AP) |
| Ông Kim Jong-un là được tìm kiếm nhiều thứ 2 trên Google năm 2020 chỉ sau Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden TGVN. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là nhân vật được tìm kiếm nhiều thứ 2, chỉ sau Tổng thống đắc cử Mỹ Joe ... |
| Bức tranh thế giới: Nhìn lại năm 2020, phác thảo năm 2021 (Kỳ 1) TGVN. Vào thời điểm chuyển giao, nhìn lại năm cũ và phác thảo về năm mới. Năm 2020 có gì? 2021 sẽ thế nào? Khó ... |
| Năm 2020 - Một năm được và mất với châu Á TGVN. Tờ Japan Times mới đây đã đăng tải bài viết nhìn nhận lại những điều được và mất tại châu Á trong suốt một ... |