Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:
Thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ ngày 7/12. (Nguồn: Anadolu) |
Thượng đỉnh Nga-Mỹ trực tuyến
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ vào ngày 7/12 trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Ukraine.
Nhà Trắng thông tin rằng, Tổng thống Mỹ Biden đã cảnh báo người đồng cấp Putin về "hậu quả nghiêm trọng" nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine, Washington và các đồng minh sẽ có các biện pháp kinh tế và mạnh mẽ khác trong trường hợp leo thang quân sự.
Đồng thời, Washington tái khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, kêu gọi giảm leo thang và nhấn mạnh tới các biện pháp ngoại giao.
Trong khi đó, truyền thông Nga cho biết, “cuộc hội đàm diễn ra căng thẳng và theo phương thức một đối một, tức là ngay cả người phiên dịch cũng ở phòng khác, chỉ có Tổng thống ở trong hội đàm.”
Cuộc hội đàm dường như chưa cho thấy tiến triển đáng kể khi hai nhà lãnh đạo bày tỏ những quan điểm trái ngược về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá đây cũng được coi là tín hiệu tích cực tới từ hai phía sau khi Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đồng ý duy trì đối thoại Nga - Mỹ.
Ngày 8/12, sau 16 năm cầm quyền liên tục, bà Angela Merkel đã chính thức nhường lại vị trí Thủ tướng Đức cho ông Olaf Scholz. (Nguồn: AP) |
Tân Thủ tướng Đức tuyên thệ nhậm chức
Ngày 8/12, Hạ viện Đức đã bỏ phiếu bầu ông Olaf Scholz trở thành Thủ tướng thứ chín của Cộng hòa Liên bang Đức sau khi nhiệm kỳ 16 năm của bà Angela Merkel chính thức kết thúc.
Trong tổng số 707 phiếu bầu, ông Olaf Scholz từ đảng Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã nhận được 395 phiếu ủng hộ, 303 phiếu phản đối và 6 phiếu trắng. Sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier đã chính thức bổ nhiệm ông Scholz trở thành Tân Thủ tướng, mở ra kỷ nguyên mới của nước Đức dưới sự dẫn dắt của chính phủ liên minh giữa ba đảng.
Trong bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức tại Hạ viện, ông Scholz hứa sẽ cống hiến sức lực của mình cho phúc lợi của người dân Đức. Tuy nhiên, không giống như các chính trị gia Đức khác, ông Scholz lựa chọn không cầu xin sự giúp đỡ từ Chúa trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của mình.
Ông Scholz cho biết, chính phủ liên minh ưu tiên đẩy lùi đại dịch Covid-19, đồng thời triển khai kế hoạch bắt buộc tiêm chủng toàn dân. Về dài hạn, chính phủ liên minh cam kết thúc đẩy đầu tư xanh và củng cố sự thống nhất của châu Âu.
Olympic mùa Đông 2022 đang đứng trước vô vàn thách thức. (Nguồn: Getty) |
Các nước tham gia ‘tẩy chay ngoại giao’ Thế vận hội Bắc Kinh 2022
Ngày 6/12, Mỹ tuyên bố sẽ không cử quan chức cấp cao hay phái đoàn ngoại giao nào của mình tới tham dự Thế vận hội Mùa đông, bao gồm cả Olympic và Paralympic, dự kiến sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022. Washington khẳng định vấn đề nhân quyền là lý do chính cho quyết định kể trên.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 7/12, Phó Thủ tướng New Zealand, ông Grant Robertson, khẳng định sẽ không có đại diện ngoại giao cấp Bộ trưởng nào của nước này tham dự vào sự kiện trên. Dù đưa ra lý do chính là vì tình hình dịch Covid-19, ông Robertson cũng cho biết Wellington đã nhiều lần nêu lên những quan ngại về nhân quyền với phía Trung Quốc.
Đại diện của Anh, Australia và Canada cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự.
Phát biểu về động thái trên, Chủ tịch của Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC), ông Thomas Bach khẳng định Uỷ ban luôn ghi nhận sự ủng hộ dành cho các vận động viên mà chính phủ các nước đã luôn nhấn mạnh. Ông Bach cho biết, IOC sẽ tiếp tục tuân theo nguyên tắc trung lập và không nêu ý kiến về những vấn đề liên quan tới chính trị.
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định quyết định của các nước là “những động thái mang tính chính trị”, đồng thời phản bác các cáo buộc liên quan tới vấn đề nhân quyền. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cho biết chưa hề có ý định mời quan chức cấp cao của các nước nêu trên tới tham dự sự kiện.
Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi trước cuộc hội đàm ở New Delhi ngày 6/12. (Nguồn: TASS) |
Nga và Ấn Độ ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới
Trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới New Delhi và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 6/12 nhằm củng cố quan hệ song phương, hai bên đã ký kết một loạt các thỏa thuận về quốc phòng và thương mại.
Sau cuộc hội đàm, hai bên đã đưa ra tuyên bố chung trong đó "nhắc lại ý định tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm cả việc cùng phát triển sản xuất thiết bị quân sự".
Theo nội dung bản thỏa thuận với ngân sách lên tới 687,7 triệu USD, tập đoàn vũ khí Nga Kalashnikov sẽ cho phép Ấn Độ tự sản xuất hơn 600.000 súng trường tấn công AK-203.
Bên cạnh đó, Moscow còn quan tâm đến việc cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho New Delhi.
Hai nhà lãnh đạo đều bảy tỏ kỳ vọng mối quan hệ song phương trong thời gian tới sẽ ngày càng được gắn chặt thông qua hiệp ước hợp tác kỹ thuật và quân sự cho đến năm 2031 và cam kết thúc đẩy thương mại hàng năm lên 30 tỷ USD vào năm 2025.
HIện trường vụ không kích. (Nguồn: NPress) |
Israel không kích cảng biển ở Syria
Ngày 7/12, Israel đã tiến hành cuộc không kích, gây ra đám cháy ở khu vực nhà kho của bến cảng thuộc thành phố ven biển Latakia, Syria vào lúc 1h23 sáng (giờ địa phương).
Theo báo cáo của Syria, hiện chưa có thương vong nào được đề cập. Kênh truyền hình nhà nước Syria cho biết, 5 tiếng nổ lớn đã làm rung chuyển thành phố và lực lượng chữa cháy sớm tới hiện trường.
Đây là lần đầu tiên Israel tấn công cơ sở trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria. Latakia là cảng biển thương mại chính, nơi cung cấp nguồn cung lương thực – thực phẩm và các loại hàng hoá thiết yếu cho Syria.
Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc, Myanmar và Triều Tiên
Hôm 10/12 vừa qua, Mỹ, Canada và Anh thông báo đã tiến hành áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân và thực thể có liên quan tại bốn nước bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Triều Tiên và Bangladesh. Quyết định trên được đưa ra trùng với thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về Nhân quyền do Washington chủ trì.
SenseTime - một doanh nghiệp về AI của Trung Quốc là nạn nhân của những lệnh trừng phạt mới nhất do ba nước công bố. Bộ Ngân khố Mỹ cáo buộc công ty này có liên quan tới những vấn đề tại Tân Cương.
Ngoài ra, Viện Châu Âu tại Nga (JUSTO) cũng là một trong những thực thể được nhắc đến, do đã cung cấp thị thực lao động cho công nhân tới từ Triều Tiên. Cùng với đó, 4 quan chức cấp cao thuộc chính quyền quân sự tại Myanmar cũng có tên trong danh sách.
Phát biểu về các động thái trên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng hành động này thể hiện “sự can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc” và “vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế”.
Cuộc đàm phán giữa đại diện Iran và các cường quốc nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) tại Vienna, Áo ngày 25/5/2021. (Nguồn: THX) |
Iran và các nước nối lại vòng đàm phán Vienna
Sau thời gian tạm ngưng từ ngày 3/12, đại diện đến từ Iran và 6 bên có liên quan bao gồm Liên minh Châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh đã cùng nối lại phiên thảo luận chung hôm 9/12 vừa qua nhằm cứu vớt Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), hay còn gọi Thỏa thuận Hạt nhân Iran.
Trước đó, vòng đàm phán đã lâm vào bế tắc sau khi các quốc gia châu Âu chỉ trích những yêu cầu đưa ra bởi phía Iran. Tuy nhiên, đại diện phái đoàn ngoại giao EU, ông Enrique Mora - người chủ trì phiên thảo luận ngày 9/12, khẳng định đã cảm thấy “một quyết tâm mới nhằm trở lại bàn đàm phán và đạt được mục tiêu cứu vãn thỏa thuận”.
Nhà đàm phán hàng đầu của Iran Ali Bagheri Kani cũng khẳng định nước này “hoàn toàn nghiêm túc với mục tiêu đạt được thỏa thuận, nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ”. Đồng thời, đại diện của Tehran cũng nhấn mạnh vào việc sẽ tiếp tục vòng đàm phán dựa trên lập trường không đổi.
Bên cạnh đó, trong cuộc hội đàm với nhà ngoại giao cấp cao của EU Josep Borell, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã lên tiếng cảnh báo về thái độ thiếu xây dựng và nguy hại, thể hiện thông qua các phát ngôn trước đó của khối.
Dù đã rút khỏi thỏa thuận từ năm 2018, Mỹ cho biết vẫn sẽ cử một phái đoàn tham dự không trực tiếp vào các cuộc thảo luận dưới sự dẫn đầu của Đặc phái viên về Iran Robert Malley, dự kiến sẽ tới Vienna sau cuối tuần này.
Hiện trường vụ rơi máy bay trực thăng Mi-17V5 của Không quân Ấn Độ gần Coonoor, Tamil Nadu. (Nguồn: Straits Times) |
Tai nạn máy bay trực thăng, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ấn Độ và phu nhân thiệt mạng
Ngày 8/12, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thông báo, Đại tướng Bipin Rawat - Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ấn Độ đã thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng ở bang Tamil Nadu trước đó cùng ngày.
Cụ thể, chiếc trực thăng gặp nạn là trực thăng Mi-17V5 của Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF), chở 14 người, cất cánh từ căn cứ không quân Sulur ở Coimbatore tới Trường tham mưu Quốc phòng tại Wellington. 13 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn này.
Một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, chiếc máy bay rơi xuống có thể do tầm nhìn hạn chế vì sương mù dày đặc.
Mỹ, Nhật Bản tập trận chung từ ngày 4-17/12. (Nguồn: Reuters) |
Mỹ và Nhật Bản tập trận chung
Từ ngày 4-17/12, Mỹ và Nhật Bản sẽ tiến hành cuộc tập trận chung lớn nhất trong những năm gần đây mang tên Resolute Dragon 21, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc và Nga gia tăng.
2600 lính thuỷ đánh bộ Mỹ và 1400 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) cùng một nhóm máy bay Mỹ, trong đó có máy bay đa nhiệm MV-22B Ospreys và F/A-18E Hornet sẽ tham gia cuộc tập trận tại khu vực huấn luyện Hachinohe của JGSDF và khu vực huấn luyện Yausubetsu tỉnh Hokkaido, thuộc phía Bắc của Nhật Bản.
Theo Tư lệnh Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến số 3, Tướng Jay Bargeron, Resolute Dragon 21 là một ví dụ về sức mạnh của liên minh Mỹ - Nhật Bản, có vai trò là nền tảng của hòa bình và an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương trong hơn 60 năm. Thông qua đó, JGSDF và Thuỷ quân lục chiến Mỹ (USMC) sẽ tăng cường, hợp nhất và đồng bộ hoá khả năng để đảm bảo bảo vệ Nhật Bản, các giá trị chung và sự tự do trên biển.