Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong tuần:
Ngày 30/8, Mỹ đã rút hết quân khỏi Afghanistan. (Nguồn: Newsbyte) |
Mỹ hoàn tất kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan
Ngày 30/8, Lầu Năm Góc thông báo, quân đội Mỹ đã hoàn tất kế hoạch rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan, kết thúc sứ mệnh kéo dài 20 năm tại quốc gia Nam Á này.
Kế hoạch này kết thúc sớm hơn 1 ngày so với thời hạn 31/8 do Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra trước đó.
Sau khi quân đội Mỹ hoàn thành nhiệm vụ của mình, ông Joe Biden cũng đã có bài phát biểu quan trọng.
Trong bài phát biểu của mình, ông đã gọi công tác sơ tán khỏi Afghanistan là một thành công đặc biệt. Trong khoảng 2 tuần, Mỹ đã thực hiện cuộc không vận lớn nhất trong lịch sử, sơ tán hơn 120 ngàn công dân Mỹ, công dân các nước đồng minh cùng với các đồng minh người Afghanistan ra khỏi Kabul.
Đồng thời, người đứng đầu Nhà Trắng một lần nữa bảo vệ quan điểm rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan và hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định này.
Trong bài phát biểu lần này, Tổng thống Biden không đề cập đến mối quan hệ giữa Washington với chính quyền tương lai tại Afghanistan, nhưng vẫn khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục việc truy lùng và tiêu diệt khủng bố tại Afghanistan.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng tuyên bố nước này sẽ chấm dứt sự hiện diện ngoại giao tại thủ đô Kabul và chuyển các hoạt động sang thủ đô Doha của Qatar.
Trong ngày 30/8, khi bình luận về sự kiện Mỹ hoàn thành kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, ông Anas Haqqani, một quan chức cấp cao của Taliban cho rằng, phong trào Hồi giáo này đã “làm nên lịch sử”.
Phát biểu với kênh truyền hình Al Jazeera trong cùng ngày, phát ngôn viên của Taliban Qari Yusuf cũng nhấn mạnh : “Người lính cuối cùng của Mỹ đã rời khỏi sân bay Kabul và đất nước chúng tôi đã giành được độc lập hoàn toàn”.
Siêu thị Countdown ở thành phố Auckland, nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố bằng dao. (Nguồn: Rappler) |
Tấn công khủng bố tại New Zealand, lại liên quan đến IS
Ngày 3/9, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết cảnh sát nước này đã bắn chết một "phần tử cực đoan bạo lực" sau khi hắn đâm và làm nhiều người bị thương tại một siêu thị.
Theo bà Arden, kẻ tấn công là một công dân Sri Lanka 32 tuổi, đã cư trú tại New Zealand trong 10 năm, mang tư tưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đang bị "theo dõi liên tục".
Cảnh sát theo dõi đối tượng này cho rằng hắn ta đã đi vào một siêu thị tại thành phố Auckland của New Zealand để mua sắm nhưng lại rút thứ mà một nhân chứng mô tả là một con dao lớn và bắt đầu tấn công, khiến nhiều người bị thương. Đại diện phía cảnh sát cho biết kẻ này đã bị tiêu diệt trong vòng 60 giây ngay sau khi bắt đầu cuộc tấn công.
Ngày 4/9, Thủ tướng Arden thông báo thêm rằng vụ việc đã khiến tổng cộng là 7 người bị thương, trong đó có 3 người đang rơi vào tình trạng nguy kịch.
Trong buổi họp báo, bà Arden cũng cam kết sẽ thắt chặt các quy định chống khủng bố trong tháng này.
Cùng ngày, tập đoàn siêu thị Countdown ở New Zealand thông báo sẽ tạm dừng bày bán các sản phẩm dao, kéo trên kệ hàng của mình. Truyền thông địa phương cho biết các chuỗi siêu thị khác cũng quyết định bỏ các loại dao sắc nhọn khỏi kệ hàng.
Ukraine 'hân hoan' sau Thượng đỉnh Biden-Zelensky. (Nguồn: Reuters) |
Tổng thống Ukraine đến thăm Mỹ
Ngày 31/8 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới thủ đô Washington và tiến hành 8 cuộc gặp mặt để bàn bạc về các vấn đề năng lượng và an ninh.
Cùng ngày hôm đó, ông Zelensky đã chứng kiến lễ ký kết hiệp định Mỹ-Ukraine về cơ sở chiến lược trong quan hệ đối tác quốc phòng giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrii Taran tại Lầu Năm Góc.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua gói viện trợ quân sự mới trị giá lên tới 60 triệu USD, trong đó có việc cung cấp các hệ thống tên lửa chống tăng (ATGM) Javelin cho Kiev.
Ông Austin cũng cho biết, trong số các mục tiêu nêu trong hiệp định có nội dung ủng hộ Kiev và chống lại "sự xâm lược của Nga".
Ngày 1/9 đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận vấn đề đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 và cơ hội để Ukraine gia nhập liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông chủ Nhà Trắng bày tỏ “cam kết mạnh mẽ” với toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước sự “hung hăng” của Nga và thông báo dành cho Kiev khoản viện trợ an ninh mới trị giá 60 triệu USD.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Nhà Trắng trên cương vị Tổng thống của nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky, đánh dấu một bước tiến mới cho quan hệ với người đồng cấp Mỹ Joe Biden nói riêng và quan hệ giữa Washington-Kiev nói chung.
Mỹ lại đưa ra lệnh trừng phạt mới với Iran. (Nguồn: IMNA) |
Iran bác bỏ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ
Ngày 3/9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 đặc vụ tình báo của Iran bao gồm quan chức tình báo cấp cao Alireza Shahvaroghi Farahani, cùng 3 đặc vụ Mahmoud Khazein, Kiya Sadeghi và Omid Noori.
Washington cáo buộc các đối tượng trên đứng đằng sau âm mưu bắt cóc một nhà báo, đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Iran Masih Alinejad - người luôn lên án gay gắt về vấn đề quyền phụ nữ tại Iran.
Các biện pháp trừng phạt được đưa ra sau khi các công tố viên Mỹ vào tháng 7 đã buộc tội 4 người âm mưu bắt cóc một nhà báo chỉ trích Tehran sống tại New York.
Vào thời điểm đó, Tehran đã chỉ trích cáo buộc của Washington về âm mưu bắt cóc một nhà báo người Mỹ gốc Iran là "lố bịch và vô căn cứ".
Trong ngày 4/9, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh đã lên tiếng bác bỏ các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ đối với 4 công dân nước này.
"Những người ủng hộ và nghiện các lệnh trừng phạt... đang sử dụng các kịch bản của Hollywood để duy trì các lệnh trừng phạt", ông Khatibzadeh khẳng định.
Động tĩnh mới Triều Tiên, IAEA lên tiếng quan ngại sâu sắc. (Nguồn: AP) |
Triều Tiên có động tĩnh mới, Mỹ-Hàn tỏ rõ lo ngại
Ngày 30/8, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, nhiều khả năng từ đầu tháng 7, Triều Tiên đã mở lại một lò phản ứng tại tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon để sản xuất plutonium, loại vật liệu có thể giúp nước này chế tạo vũ khí hạt nhân.
Theo các chuyên gia IAEA, lò phản ứng này dường như đã ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 12/2018 đến đầu tháng 7/2021. Họ cũng lưu ý, Triều Tiên sử dụng một phòng thí nghiệm gần lò phản ứng để tách plutonium khỏi nhiên liệu đã qua sử dụng lấy ra từ lò phản ứng.
Theo chuyên gia IAEA, động thái chưa xác định này của Triều Tiên "gây quan ngại sâu sắc" và vi phạm một cách rõ ràng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Cùng ngày, Nhà Trắng khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên nhằm thảo luận về loạt vấn đề liên quan đến mục tiêu phi hạt nhân hóa. Theo quan chức Nhà Trắng, bản báo cáo của IAEA nhấn mạnh yêu cầu cấp bách về đối thoại và biện pháp ngoại giao để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Ngày 31/8, Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) cho biết, những thông tin về việc Triều Tiên tiếp tục hoạt động hạt nhân cho thấy sự cấp thiết phải nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Nguồn: Reuters) |
Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố sẽ từ chức
Vào ngày 3/9, tại buổi họp bất ngờ được tổ chức bởi ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP), Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihidethông báo ý định từ chức và sẽ không tranh cử chức vụ Chủ tịch đảng LDP trong cuộc bầu cử sắp tới.
Bloomberg cho biết, người trở thành lãnh đạo Đảng LDP nhìn chung chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản do ưu thế của đảng này tại Quốc hội Nhật Bản.
Ông Suga giải thích quyết định của mình nhằm tập trung cho công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 trong nước.
Ông Suga trở thành Thủ tướng Nhật Bản với tỷ lệ ủng hộ gần 70% sau khi người tiền nhiệm Abe Shinzo phải rút lui vì lý do “sức khỏe” vào tháng 9 năm ngoái.
Tuy nhiên, trong các cuộc thăm dò dư luận mới đây, tình hình ủng hộ của công chúng đối với nội các của Thủ tướng Suga không mấy khả quan do những biện pháp chậm trễ trong công tác xử lý đại dịch Covid-19 và một số vấn đề khác trong nhiệm kỳ của ông.
Quyết định từ chức của ông Suga khiến cho nhiều chính trị gia Nhật Bản không khỏi ngạc nhiên và đã mở ra cuộc đua giữa các ứng cử viên khác.
Ngoài cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba được coi là ứng cử viên sáng giá, bà Sanae Takaichi - cựu Bộ trưởng các vấn đề Nội bộ - cũng được đánh giá có khả năng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản với sự ủng hộ từ cựu thủ tướng Abe Shinzo.
Trụ sở Bộ Ngoại giao Anh. (Nguồn: Bramblehub) |
Anh trừng phạt tập đoàn liên quan tới chính biến Myanmar
Ngày 2/9, Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Myanmar nhắm vào một tập đoàn chủ chốt đã cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho chính quyền quân sự trong cuộc chính biến đầu năm nay.
Cụ thể, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết nước này sẽ áp dụng lệnh đóng băng tài sản đối với Tập đoàn Htoo Group và người sáng lập - ông Tay Za, đồng thời cho biết thêm rằng ông này cũng đã từng tham gia vào các thương vụ mua bán vũ khí thay mặt cho quân đội Myanmar.
Ông Raab tuyên bố Anh sẽ cùng với các đối tác, "tiếp tục hạn chế khả năng tiếp cận tài chính và nguồn cung vũ khí của chính quyền quân sự" tại Myanmar.
Trước đó, vào ngày 25/3, Mỹ và Anh đã cùng phối hợp để trừng phạt 2 tập đoàn thuộc quản lý của quân đội Myanmar là Myanma Economic Holdings Public Company (MEHL) và Tập đoàn Kinh tế Myanmar (MEC).