Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 30/12. (Nguồn: Sputnik) |
Cuộc điện đàm căng thẳng giữa lãnh đạo Nga-Mỹ
Ngày 30/12 (theo giờ Mỹ) Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thảo luận về mối quan hệ đang căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine và chiến lược mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang phía Đông.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden "đã nói rõ rằng Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả một cách dứt khoát nếu Nga xâm lược Ukraine".
Trong khi đó, thông báo từ Điện Kremlin sau cuộc hội đàm cho biết, Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo người đồng cấp Mỹ về nguy cơ đổ vỡ quan hệ song phương nếu phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow liên quan tình hình Ukraine, gọi chính sách này là một “sai lầm lớn”.
Cuộc điện đàm được thực hiện theo đề nghị của nhà lãnh đạo Nga, kéo dài 50 phút trong không khí căng thẳng. Tuy nhiên, các thông báo của cả Washington và Moscow đều cho thấy, hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhất trí về việc thúc đẩy những cuộc đàm phán ngoại giao song phương trong tháng 1 tới.
Đây là lần thứ hai hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga nói chuyện với nhau trong vòng ba tuần. Trước cuộc điện đàm lần này, cả hai phía đều khẳng định tâm thế sẵn sàng lắng nghe.
Giới quan sát nhận định, những gì lãnh đạo hai nước đã thể hiện qua cuộc điện đàm vừa rồi cho thấy các cuộc đàm phán trực tiếp cấp thấp hơn diễn ra tại Vienna (Áo) sắp tới sẽ vẫn khó khăn, do có rất ít dấu hiệu nhượng bộ giữa hai bên.
Màn trình diễn ánh sáng bên Nhà thờ Thánh Paul và Cầu Thiên niên kỷ ở London. (Nguồn: AP) |
Thế giới đón Năm mới giữa nỗi lo từ biến thể Omicron
Tốc độ lan truyền nhanh chóng của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã giới hạn quy mô của mùa lễ đón năm mới trên khắp thế giới, đặc biệt là tại các nước châu Âu và Mỹ.
Thời khắc giao thừa trôi qua ở Paris mà không có màn trình diễn pháo hoa hoặc nhạc hội theo dự kiến. Các quan chức thành phố đã hủy các sự kiện được lên kế hoạch trên đại lộ Champs-Élysées theo lời khuyên của một hội đồng khoa học, trước đó đã tuyên bố các cuộc tụ tập đông người sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tại Berlin, cảnh sát kêu gọi mọi người không tụ tập gần Cổng Brandenburg, nơi tổ chức buổi hòa nhạc mà không có khán giả tham dự trực tiếp.
Hãng tin ANP cho biết, cảnh sát Hà Lan cũng đã giải tán vài nghìn người tụ tập bất chấp tại Quảng trường Dam nằm giữa trung tâm của Amsterdam. Trước đó, nước này đã ra lệnh cấm tụ tập từ 4 người trở lên tại nơi công cộng.
Tại London, các quan chức đã thông báo vào hôm 31/12 rằng màn trình diễn pháo hoa hằng năm sẽ tiếp tục được truyền hình trực tiếp trên TV, khi tiếng chuông trên tháp Big Ben vang lên vào năm mới lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Trái ngược với các nước phương Tây, thủ đô Cape Town của Nam Phi - nơi ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron - đã gỡ bỏ lệnh giãn cách trước thềm năm mới.
Chính quyền nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc,... cũng đã hủy bỏ hoặc giới hạn quy mô của nhiều hoạt động đón chào năm mới ngoài trời, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Nhân viên ngoại giao Trung Quốc thượng cờ tại đại sứ quán ở Managua. (Nguồn: THX) |
Trung Quốc mở cửa trở lại đại sứ quán tại Nicaragua
Ngày 31/12/2021, Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại đại sứ quán tại Nicaragua, vài tuần sau khi quốc gia này tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Ngày 9/12, chính quyền Tổng thống Ortega đã đưa ra thông báo: "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc và Đài Loan là một phần lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc".
Một ngày sau, Trung Quốc ngay lập tức khôi phục quan hệ ngoại giao với quốc gia Trung Mỹ. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định: “Trung Quốc mong đợi vào một mối quan hệ hữu nghị và hợp tác mật thiết hơn với Nicaragua”.
Trong cuộc gặp trực tuyến với người đồng cấp Nicaragua ngày 27/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ Bắc Kinh hoan nghênh và trân trọng “quyết định đúng đắn” của quốc gia Trung Mỹ.
Phát biểu tại buổi lễ ở thủ đô Managua, Ngoại trưởng Nicaragua Denis Moncada chia sẻ: "Các bạn được chào đón tại Nicaragua với niềm tin chắc chắn hai nước sẽ cùng hướng tới một tương lai với những thành công và thắng lợi trong tình hữu nghị".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: Reuters) |
Khai mạc Hội nghị Toàn thể lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên
Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) lần thứ 8 đã khai mạc sáng ngày 27/12/2021. Hội nghị cũng là sự kiện đánh dấu 10 năm kể từ khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhậm chức.
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, ông Kim Jong-un khẳng định các mục tiêu chính của Triều Tiên cho năm 2022 là thực hiện kế hoạch 5 năm, bao gồm phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với “cuộc đấu tranh sinh tử”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã dành phần lớn bài phát biểu để trình bày chi tiết các vấn đề trong nước, tập trung vào việc đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19 và những kế hoạch cụ thể, thay vì nhấn mạnh các nội dung liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này hay Mỹ.
Trước đó, trong các bài phát biểu nhân dịp Năm mới, ông Kim Jong-un đã nêu các tuyên bố chính sách lớn, bao gồm việc khởi động những cam kết ngoại giao quan trọng với Hàn Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, các bản tóm tắt bài phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên được công bố trên phương tiện truyền thông nhà nước chỉ đề cập đến các cuộc thảo luận về quan hệ liên Triều và “các vấn đề đối ngoại”.
Đức quyết định đóng cửa hàng loạt nhà máy điện hạt nhân. |
Đức đóng cửa một nửa số nhà máy điện hạt nhân
Ngày 31/12/2021, Đức đã đóng cửa ba trong sáu nhà máy điện hạt nhân còn lại hoạt động trên lãnh thổ nước này. Đây là một phần trong quá trình tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng năng lượng hạt nhân ở quốc gia châu Âu, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.
Ba nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa bao gồm Brokdorf, Grohnde và Grundremmingen được vận hành từ giữa thập niên 1980. Berlin tuyên bố quá trình ngừng hoạt động hoàn toàn các lò phản ứng hạt nhân và loại bỏ sử dụng năng lượng than trước năm 2030 không làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng trong nước, cũng như mục tiêu biến châu Âu thành nền kinh tế “trung hòa khí hậu” lớn nhất thế giới vào năm 2045.
Động thái của Đức diễn ra trong bối cảnh nhiều nước EU đang thúc đẩy quá trình đưa năng lượng hạt nhân vào danh mục năng lượng bền vững được phép đầu tư của khối, cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng hiện đang leo thang trong khu vực.
Quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân và chuyển từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng bền vững được thông qua lần đầu tiên bởi chính quyền thủ tướng Đức Gerhard Schröder vào năm 2002.
Sau thảm họa phóng xạ Fukushima 2011 ở Nhật Bản, Thủ tướng Đức Angela Merkel tái thực thi chính sách của người tiền nhiệm, đặt ra thời hạn cuối cùng để nước Đức chấm dứt hoạt động các lò phản ứng hạt nhân vào năm 2022.
Giữa đàm phán trắc trở, Iran tuyên bố thực hiện một vụ phóng vào không gian. (Nguồn: AP) |
Iran phóng thử nghiệm tên lửa vào không gian
Ngày 30/12/2021, truyền thông nhà nước Iran đưa tin, nước này đã phóng thử tên lửa đưa ba thiết bị vệ tinh không xác định vào vũ trụ. Vụ phóng diễn ra tại cảng hàng không vũ trụ Imam Khomeini, tỉnh Semnan, phía bắc Iran, được cho là đã thất bại khi không đạt mục tiêu đưa được các thiết bị lên quỹ đạo Trái đất.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Iran Ahmad Hosseini, tên lửa Simorgh do nước này sản xuất đã lần đầu tiên mang cùng lúc ba thiết bị nghiên cứu lên không gian. Tên lửa bay tới độ cao 470km, tuy nhiên không đạt được vận tốc tối thiểu để đưa được các thiết bị lên quỹ đạo.
Cũng theo ông này, vụ phóng mới đây là sự tiếp nối những thành công trong chương trình vũ trụ dân sự của Tehran, và là một thử nghiệm cho những kế hoạch chính thức sắp tới nhằm đưa vệ tinh của nước này vượt qua bầu khí quyển.
Vụ phóng diễn ra trong bối cảnh vòng đàm phán thứ tám khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đang đạt được những tiến triển nhất định tại Vienna.
Washington lên tiếp bày tỏ quan ngại về chương trình phát triển phương tiện phóng vũ trụ của Iran, trong khi giới ngoại giao Pháp và Đức cáo buộc nước này vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tuyên bố hành động của quốc gia Trung Đông là “đáng tiếc”, trong bối cảnh các bên đang bắt đầu tìm được tiếng nói chung ở Vienna.
Tehran bác bỏ các cáo buộc đến từ phương Tây cho rằng hoạt động hàng không vũ trụ có liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo, tuyên bố nước này không vi phạm vào các nghị quyết của Liên hợp quốc.
Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. (Nguồn: Foreign Affairs) |
Cựu Tổng thống Afghanistan nói về quyết định chạy thoát khỏi Kabul
Bốn tháng kể từ sau khi Taliban lên nắm quyền, cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã có lần trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế đầu tiên. Trong bài phỏng vấn trên BBC Radio, ông Ghani bảo vệ quyết định bỏ trốn khỏi đất nước, cho biết bản thân chỉ có vài phút lựa chọn trước khi lên trực thăng rời Kabul chiều ngày 15/8/2021, không lâu trước khi các lực lượng Taliban kéo vào thành phố.
Ông Ghani khẳng định mình rời đi để “ngăn ngừa một sự phá hủy đối với Kabul, khi hai cánh quân Taliban đang áp sát và sẵn sàng phát động giao tranh đẫm máu để kiểm soát thủ đô”, đồng thời phủ nhận cáo buộc mang theo khối tài sản hàng triệu đô trên đường tị nạn.
Cũng trong buổi phỏng vấn, ông Ghani cáo buộc Mỹ và đồng minh đã bỏ rơi Afghanistan. Ông chỉ trích thỏa thuận chính quyền Mỹ ký kết với Taliban vào tháng 2/2020, cho rằng đây là nguyên nhân khiến chính quyền Cộng hòa Hồi giáo sụp đổ.
Trước đó, quyết định bỏ chạy khỏi Kabul của nhà lãnh đạo Afghanistan đã vấp phải sự phản ứng dữ dội ở cả trong và ngoài nước.
Cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai trong một buổi phỏng vấn với hãng thông tấn AP cho rằng cuộc tháo chạy đột ngột của ông Ghani đã triệt tiêu cơ hội đàm phán chuyển giao quyền lực của chính quyền cũ với Taliban.
Trong khi đó, Tổng thanh tra đặc biệt về vấn đề tái thiết Afghanistan của Mỹ John Sopko nói rằng Mỹ đang tiến hành điều tra về hàng loạt các cáo buộc tham nhũng khác nhắm vào ông Ghani, cùng khối tài sản được cho là có liên quan đến ông.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, gần đây, tàu đổ bộ Yuri Olefirenko (ảnh) của hải quân nước này tham gia cuộc tập trận cùng hải quân Pháp ở Biển Đen. (Nguồn: Wikipedia) |
Ukraine và Pháp tổ chức tập trận tại Biển Đen
Ngày 30/12, Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận, hải quân nước này đã phối hợp tổ chức cuộc tập trận mang tên PASSEX ở Biển Đen với lực lượng hải quân Pháp.
Đây là cuộc tập trận hải quân thường kỳ ở khu vực Biển Đen giữa Ukraine với các thành viên NATO cùng các quốc gia đối tác nhằm nâng cao trình độ tác chiến của lực lượng hải quân nước này phù hợp với quy chuẩn của khối liên minh.
Cuộc tập trận lần này có sự tham gia của tàu đổ bộ Yuri Olefirenko thuộc biên chế hải quân Ukraine và tàu khu trục Auvergne lớp Aquitaine của hải quân Pháp, trong đó tập trung vào khả năng phối hợp và sự gắn kết của các binh sĩ trong lực lượng hải quân.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, cuộc diễn tập nhằm mục đích duy trì an ninh ở khu vực Biển Đen và nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng hải quân hai nước theo quy chuẩn của NATO.
Từ tháng 6/2020, Ukraine đã được công nhận là đối tác trong Chương trình Cơ hội Tăng cường của NATO.