Biểu tình, bạo lực đẫm máu ở Dải Gaza phản đối việc khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem, núi lửa Kilauea ở Hawaii (Mỹ) vẫn hoạt động mạnh, hạn hán do biến đổi khí hậu ở Chile... là những sự kiện trong tuần qua ảnh được NBC News tổng hợp.
Mây đen do một cơn bão mang đến phủ kín bầu trời New York (Mỹ) vào ngày 15/5. Gió giật lên đến 50 - 60 dặm/giờ (80 - 96km/giờ) làm đổ nhiều cây cối và tàn phá đường dây điện cao thế, hàng ngàn tàu thuyền bị mắc kẹt. (Nguồn: AP)
Ông Manuel Garcia, người tự nói rằng mình đã 121 tuổi, đang chỉnh trang trước khi chụp hình tại một tiệm chụp ảnh ở Ciudad Juarez (Mexico), ngày 14/5. Theo giấy khai sinh, ông Garcia sinh ngày 24/12/1896 ở Tlapacoyan, Veracruz, Mexico. (Nguồn: Reuters)
Những con ngựa giống Iceland được đưa trở lại chuồng ở Wehrheim (Đức), vào ngày 11/ 5. (Nguồn: AP)
Cột khói bụi khổng lồ phun lên do núi lửa Kilauea, Hawaii (Mỹ) hoạt động mạnh vào ngày 15/5. Gần đó, tại sân golf trên Đảo Lớn của Hawaii, những tay golf vẫn đang bình thản chơi môn thể thao mình yêu thích. Vụ phun trào nham thạch của núi lửa Kilauea đã phá hủy khoảng hơn 20 ngôi nhà trong khu phố Leilani Estates tại Hawaii. (Nguồn: Getty Images)
Những dòng nham thạch đang phun ra từ một khe nứt ở phía Đông của khu phố Leilani Estates do núi lửa Kilauea ở Hawaii hoạt động mạnh vào ngày 13/5. Hầu hết các vụ phun trào nham thạch do núi lửa Kilauea đã xảy ra trong và xung quanh khu phố Leilani Estates. Nham thạch tràn qua mặt đất, phá hủy hơn 20 ngôi nhà và gần 2.000 người phải đi sơ tán. (Nguồn: Reuters)
Hình ảnh một bữa ăn tập thể trong ngày đầu tiên của tháng lễ Ramadan của những tín đồ theo đạo Hồi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/5. Trong tháng lễ Ramadan, các tín đồ thực hiện nghiêm ngặt quy định không ăn, không uống vào ban ngày, từ lúc Mặt trời mọc đến khi Mặt trời lặn để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc. Vào buổi tối, mọi người lại ăn uống bình thường. Năm nay, tháng lễ Ramadan bắt đầu sớm nhất vào tối 15/5 và sẽ kết thúc vào ngày 14/6, tùy theo mỗi nước. (Nguồn: EPA)
Những con mòng biển vây quanh con cá voi lưng gù trong khu bảo tồn biển quốc gia Stellwagen gần Gloucester, Massachusetts, Mỹ, ngày 10/5. (Nguồn: Getty Images)
Một người biểu tình Palestine bị thương trong cuộc đụng độ với lực lượng Israel tại biên giới Israel - Gaza vào ngày 14/5. Các cuộc biểu tình dọc biên giới Dải Gaza vào ngày 14/5 đã khiến 59 người thiệt mạng và hơn 2.700 bị thương, trong khi chỉ cách đó vài dặm, Israel và Mỹ đang tổ chức lễ khánh thành Đại sứ quán mới của Mỹ tại Jerusalem. Đây được coi là ngày bạo lực đẫm máu nhất trong cuộc chiến giữa Hamas và Israel kể từ năm 2014. (Nguồn: Reuters)
Trẻ em Palestine hít phải hơi cay trong cuộc biểu tình gần Beit Lahiya, Dải Gaza, ngày 14/5 đang được điều trị tại một trung tâm y tế. (Nguồn: AP)
Người mẹ Palestine ôm thi thể con gái của mình, bé Leyla al-Ghandour, tại nhà xác của bệnh viện al-Shifa ở thành phố Gaza vào ngày 15/5. Bé gái 8 tháng tuổi qua đời vì hít phải hơi cay trong cuộc biểu tình ở Dải Gaza nhằm phản đối việc khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem. (Nguồn: Getty Images)
Những người Palestine bỏ chạy khỏi những viên đạn hơi cay của lực lượng Israel trong cuộc biểu tình tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây vào ngày 15/5. Ngày 15/5 năm nay là tròn 70 năm sự kiện Ngày Nakba - “Thảm họa” của Palestine khi hàng trăm nghìn người dân phải rời bỏ quê hương vào năm 1948. (Nguồn: Getty Images)
Võ sĩ Vitor Belfort (Brazil) tung một cú đánh bằng chân vào mặt võ sĩ đồng hương Lyoto Machida trong trận chung kết giải võ thuật Ultimate Fighting Championship, ngày 12/5 tại Mỹ. Ultimate Fighting Championship (Giải vô địch Đối kháng đỉnh cao) là một trong những giải đấu võ thuật lớn nhất thế giới, nơi tụ hội các võ sĩ hàng đầu quốc tế. (Nguồn: Reuters)
Một con bò đứng trên lòng hồ cạn nước Aculeo ở Paine (Chile), ngày 14/5. Hồ Aculeo từng là điểm du ngoạn được ưa thích của nhiều người nhưng dưới tác động của biến đổi khí hậu, hồ đã trở nên khô cạn, trơ đáy. (Nguồn: Reuters)
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.