Đại sứ Đoàn Xuân Hưng (thứ ba từ trái) chủ trì phiên 1 của Hội thảo Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào phát triển của đất nước, ngày 7/12/2020. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trong những năm qua, Ngoại giao kinh tế (NGKT) đã trở thành một trong những trụ cột của nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại và có đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của đất nước.
Thật vui khi thấy công tác NGKT không chỉ còn là công việc của Bộ Ngoại giao, mà đã trở thành công việc thường xuyên của hầu hết các bộ, ngành, địa phương. Các doanh nghiệp cũng đã rất ý thức tận dụng vai trò của NGKT để phục vụ lợi ích phát triển của mình.
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công rực rỡ, đã khơi dậy và khích lệ khát vọng của cả dân tộc về một đất nước thịnh vượng. Khát vọng to lớn của dân tộc nay bùng lên mạnh mẽ, trở thành một động lực, một đòn bẩy hết sức quan trọng để chúng ta tiến lên phía trước.
Để NGKT thực hiện vai trò trụ cột
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đặc biệt từ ngày thành lập nước Việt Nam mới, Ngoại giao đã có những đóng góp xứng đáng vào việc giành độc lập, bảo vệ và phát triển đất nước.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Ngành đang thể hiện rõ ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là viêc phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, góp phần biến khát vọng về sự phồn thịnh của đất nước trở thành hiện thực.
Ý chí, sự quyết tâm đó được thể hiện rất rõ trong lời tuyên bố của vị Tư lệnh ngành - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngay trong những giờ phút đầu tiên sau khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng. Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định “thời gian tới, ngành Ngoại giao phải tập trung toàn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước….
Đặc biệt, chúng tôi sẽ đặt trọng tâm vào lĩnh vực NGKT, trong đó chú trọng tranh thủ nguồn ngoại lực để phục vụ các yếu tố nội lực. Hợp tác quốc tế giúp Việt nam hội nhập, phát triển, thực hiện được mục tiêu, khát vọng của mình”.
Là một người nhiều năm gắn bó với ngành, với công tác NGKT, tôi rất tán thành, ủng hộ cách đặt vấn đề như vậy của Bộ trưởng, coi đó mệnh lệnh đối với toàn ngành. Đây đúng là thời điểm để NGKT thực hiện vai trò trụ cột, trọng tâm của mình trong các công tác ngoại giao sắp tới.
Những kết quả ý nghĩa
Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước từ 35 năm trước, công tác NGKT đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa.
Một là, với sự triển khai toàn diện, chủ động công tác ngoại giao, chúng ta đã tạo được môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển và tranh thủ nguồn lực to lớn từ bên ngoài cho sự phát triển. Hãy nhìn các mối quan hệ tạo dựng được với các đối tác chủ chốt của ta về kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Anh, ASEAN...
Hãy nhìn lại sự tiên phong của Ngoại giao Việt Nam để có những bước đi “đột phá” về hội nhập quốc tế, tham gia các dàn xếp đa phương, ký kết các thỏa thuận kinh tế, trong đó có các thỏa thuận FTA; những con số ấn tượng về thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài (FDI); sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch, hợp tác lao động, tranh thủ nguồn kiều hối hàng năm từ 18-20 tỷ USD… Đó là sự đóng góp của nhiều bộ, ngành, địa phương…mà Ngoại giao là lực lượng chủ công.
Hai là, Bộ Ngoại giao đã hết sức chú trọng công tác thông tin, tham mưu, đề xuất chính sách, phục vụ thiết thực Chính phủ điều hành nền kinh tế, hỗ trợ các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong công tác kinh tế đối ngoại và hội nhập.
Ba là, Bộ Ngoại giao đã tích cực đồng hành, hỗ trợ, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai kinh tế đối ngoại, thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế.
Bốn là, huy động được sự tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả của trên 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài vào sự phát triển của đất nước. Điều đáng nói là, những chính sách rõ ràng, thiết thực, cập nhật thường xuyên giúp kiều bào ngày càng cảm nhận được quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước và ngày càng gắn bó mật thiết với đất nước như một “bộ phận không thể tách rời” của dân tộc.
Tọa đàm các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp, ngày 10/12/2021. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Lấy NGKT là trọng tâm
Bộ trưởng đã yêu cầu phát đi mệnh lệnh triển khai Ngoại giao toàn diện phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, trong đó NGKT là trọng tâm.
Trên tình hình mới, sẽ rất phù hợp nếu ban hành một văn bản mới của Đảng về công tác NGKT, tạo cú huých mới cho công tác này, đồng thời tạo sự đồng thuận lớn hơn, sự phối hợp chặt hơn của các bộ, ngành địa phương, sự triển khai mạnh hơn công tác NGKT với các kế hoạch hành động có biện pháp căn cơ hơn.
Với sự quan sát của mình, tôi cho rằng, tới đây chúng ta nên tiếp tục triển khai các hướng đã được tiến hành thành công những năm vừa qua, đồng thời “khoanh vùng”, làm có trọng tâm, trọng điểm hơn. Những việc các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt rồi thì tiếp tục để các đơn vị triển khai. Công tác NGKT nên tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu thông tin, tham mưu. Công việc này được làm rất mạnh từ thời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nay ta cần tiếp nối, làm mạnh hơn nữa.
Thứ hai, tập trung xây dựng kế hoạch/phương án hợp tác căn cơ với các đối tác, nhất là các đối tác chủ chốt nhất cho sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt, coi trọng các dự án lớn có thể tạo nên sự khác biệt và có các biện pháp căn cơ triển khai.
Thứ ba, tăng cường kết nối, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hỗ trợ về mặt ngoại giao để các dự án, kế hoạch hợp tác tiềm năng được triển khai vào thực tế và sớm đi đến kết quả cuối cùng.
Bốn là, hỗ trợ để các dự án của các doanh nghiệp, nhất là các dự án quy mô lớn có thể đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, sớm đạt thỏa thuận và triển khai.
Với từng đối tác lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Pháp, Hà Lan, Anh, Nga, Australia, New Zealand, một số nước ASEAN... Bộ Ngoại giao có thể chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án hợp tác với các đối tác này, triển khai những dự án lớn thì 10 năm tới ta đã có những kết quả rất cụ thể, đáng kể, tạo sự khác biệt cho sự phát triển đất nước.
Sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể nghiên cứu chuyên sâu hơn, đề xuất những giải pháp hữu hiệu về việc tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, hợp tác với những nước nào, đối tác nào? Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các nước và giải pháp nào cho Việt Nam? Các lĩnh vực mũi nhọn của khoa học - công nghệ, y tế và hướng hợp tác? Về kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ... Cố gắng đề xuất về các hướng hợp tác tạo ra các “lợi thế so sánh động” cho nền kinh tế Việt Nam…
Việc nâng cao hơn nữa nhận thức về NGKT và lợi ích của sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành, địa phương cần được tiếp tục đẩy lên thông qua định hướng của Đảng và Chính phủ, cũng như công tác truyền thông.
Với các dự án lớn của các doanh nghiệp quan trọng, cần tiếp tục hỗ trợ, kể cả ở cấp cao và thông qua các chuyến thăm cấp cao để sớm đạt được thỏa thuận và triển khai; cần đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực triển khai tốt công tác NGKT ở trong và ngoài nước, đào tạo cán bộ NGKT cho cả nước.
Tôi tin tưởng rằng, với kinh nghiệm đã tích lũy được trong mấy chục năm qua, nhất là 10-15 năm gần đây trong công tác NGKT, với sự định hướng rõ ràng, sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, công tác NGKT trong giai đoạn tới sẽ thực hiện tốt sứ mệnh của mình, có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc biến khát vọng phát triển của dân tộc thành hiện thực.
Có thể nói, ngành Ngoại giao đã rất thành công trong việc đi tiên phong, đề xuất, định hình, đưa vào vận hành một cách rất hiệu quả một công cụ ngoại giao quan trọng, đó là NGKT, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển đất nước. |