Bà Sandy Dang – Giám đốc điều hành của VEF |
Rời Việt Nam khi mới 10 tuổi đồng nghĩa với ký ức của bà với Việt Nam sẽ không phải là những điều gì đó lớn lao như suy nghĩ người lớn, mà chỉ là những khoảng khắc tuổi thơ hồn nhiên?
Sinh ra và sống ở Việt Nam đến năm 10 tuổi. Tôi không chắc mình có thể nhớ được gì nhiều hơn về Việt Nam nhưng có những thứ mà cho đến bây giờ vẫn còn mãi trong trái tim và trí nhớ của mình. Đó là mùi những bát phở hành, những gánh hàng rong, những quả sấu chính chấm muối và cả những bài hát tuổi thơ mà tôi thường hay hát như Con cò bé bé hoặc cả là những trò chơi tuổi thơ chơi cò, nhảy dây…
Nên sau khi đến trại tị nạn Hongkong và tôi đã ở đó 10 năm. Suốt 10 năm trời, đều đặn sáng nào tôi cũng đến quán phở trong trại tị nạn chỉ để được ngửi mùi ngò rí, ngò gai, mùi nước mắm và cả mùi bánh phở của Hà Nội, nhìn và muốn được nghe người Việt Nam nói chuyện. Đó thực sự là những thứ sẽ gắn chặt với cuộc đời tôi, cho dù tôi có ở đâu và tôi có là ai đi chăng nữa.
Tất cả những điều bà vừa kể có phải là động lực để bà tham gia Quỹ VEF - Một chương trình học bổng dành cho sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Rời khỏi trại tị nạn, tôi may mắn được đến với đất nước Hoa Kỳ. Nhưng như tôi vừa chia sẻ, tôi rất nhớ văn hoá, ngôn ngữ, thức ăn và đặc biệt là con người Việt Nam. Vì vậy, mặc dù được học và trưởng thành trong một quốc gia có sự tiên tiến vượt bậc về mọi thứ, tôi luôn nuôi dưỡng và đau đáu là làm sao có thể giúp người dân của tôi (Việt Nam –PV) có cuộc sống được thay đổi tốt hơn.
Vì vậy, trong quá trình học tôi đã tìm hiểu rất nhiều về các mối liên quan Hoa Kỳ - Việt Nam và dấu mốc đáng nhớ chính là bang giao hai nước chính thức được mở ra vào năm 1995, đã mở ra một thời kỳ mới cho Việt Nam với rất nhiều chương trình hợp tác, hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực. Trong đó có VEF và ở đó, tôi có rất nhiều cơ hội được gặp gỡ với những sinh viên Việt Nam, được nghe họ kể những câu chuyện Việt Nam và đặc biệt, tôi được tiếp xúc và nói chuyện bằng tiếng Việt Nam. Những điều đó đã thúc đẩy tôi nghĩ và tìm mọi cách có mặt trong VEF chứ không chỉ là người đứng ở vòng ngoài.
Giao lưu giữa các thế hệ nghiên cứu sinh của chương trình VEF |
(Cười). Cuộc sống có nhiều thứ bất ngờ. Bởi ngay thời điểm năm 2008 khi ông Obama đi vận động tranh cử Tổng thống và tôi đã là một trong những người đi vận động cho Obama. Sau khi được Obama chú ý, tôi đã quyết định viết một lá thư tay riêng và gửi cho ông Obama rằng tôi là người Việt Nam và hy vọng, nếu ông tranh cử Tổng thống chỉ cần tôi được vào là một trong những thành viên của VEF là đủ. Tôi viết chỉ để viết và cũng không hy vọng gì lắm là nếu được trúng cử nhưng chưa chắc tôi đã được ông Obama chọn vì VEF là một tổ chức của Chính phủ Hoa Kỳ mà.
Thế rồi, mọi nỗ lực của tôi cũng đã được đền đáp. Khi cuối năm 2010, tôi vừa học xong chương trình thạc sĩ của mình, cũng là lúc tôi nhận được điện thoại thông báo là Tổng thống Obama đã đồng ý cho tôi được là một trong những thành viên của VEF vào năm 2011. Thật sự là may mắn khi cùng lúc tôi có được hai niềm vui bất ngờ và to lớn đến vậy.
Các sinh viên, nghiên cứu sinh, cựu nghiên cứu sinh và các học giả qua các khóa của chương trình VEF chụp ảnh lưu niệm tại Lễ tổng kết hôm 11/9. (Ảnh: Bảo Lan) |
Vậy sau khi trở thành là thành viên của VEF và trở thành Giám đốc điều hành của VEF như hiện nay. Bà có thể chia sẻ về những hoạt động của VEF cũng như thành quả mà VEF đã đạt được trong thời gian qua.
VEF là một cơ quan độc lập của chính phủ Hoa Kỳ và được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2000. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thành viên trong Quốc hội Hoa Kỳ như cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jonh McCain và Jonh Kerry. Với mục đích nhằm tăng cường mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua các trao đổi giáo dục dành cho sinh viên Việt Nam theo học các chương trình sau đại học trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và y học (gọi tắt là STEMM).
Đến nay, đã có 600 sinh viên và nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Hoa Kỳ. Và với gần 700 suất học bổng đào tạo sau đại học đã giúp rất nhiều cựu nghiên cứu sinh của VEF đạt được nhiều thành tựu nổi bật và tạo ra nhiều ảnh hưởng vượt trội, phục vụ cho cộng đồng, như: TS Phan Minh Liêm, Lê thị Lý , Dương Tuấn Hưng, Trần Việt Hùng, Ngô Quốc Minh… Tôi cho rằng, đó không chỉ là một thành tựu không chỉ là thành tựu của VEF, mà còn là tài sản vô giá mà Chính phủ Hoa Kỳ đã đem đến cho đất nước Việt Nam. Bởi họ đã có thể góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động và cả thái độ trong cộng đồng, cũng như giáo trình và chương trình đào tạo phù hợp tại các trường đại học của Việt Nam
Bên cạnh đó, mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cũng đang ngày càng gắn bó hơn nhờ sự kết nối của các nghiên cứu sinh, cựu nghiên cứu sinh và học giả của chương trình VEF
Mối quan hệ Việt – Mỹ ngày càng phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng. Đây có lẽ là điều kiện thuận lợi giúp cho bà thực hiện ước mơ của mình có phần dễ dàng hơn.
Tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có gì dễ dàng nếu bản thân mỗi người không có sự nỗ lực. Quay trở lại thời điểm năm 2008, khi ông Obama đã trúng cử Tổng thống nhưng suốt 2 năm cuối của chương trình thạc sĩ ở Havard, việc chờ câu trả lời của ông Obama vẫn rơi vào im lặng. Khi ấy tôi nghĩ rằng: vào được thì có cơ hội tốt hơn nhưng không được thì bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn có thể hỗ trợ cho sinh viên Việt Nam. Nghĩ và làm, nên thời điểm đó tôi đã không ngừng nỗ lực cố gắng liên kết với các sinh viên của Việt Nam khi có thể.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam ngày càng phát triển, cũng là điều kiện thuận lợi để chương trình VEF nói chung và bản thân tôi nói riêng thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra, như: (1) đào tạo chương trình sau đại học cho sinh viên Việt Nam ở các trường đại học của Hoa Kỳ; (2) Mời các giáo sư Hoa Kỳ về giảng dạy các ngành STEMM tại các trường đại học ở Việt Nam; (3) Thúc đẩy và tăng cường sự phát triển của nền khoa học và công nghệ ở Việt Nam và góp phần thúc đẩy mối quan hệ Viêt Nam – Hoa Kỳ.
Rõ ràng VEF đã mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội và cả cho mối quan hệ hai quốc gia Mỹ - Việt. Vậy thời gian tới, VEF sẽ có những chương trình cụ thể như thế nào nữa không?
Như tôi đã chia sẻ, VEF được thành lập theo Đạo luật Quỹ giáo dục Việt Nam. Vì vậy, Chương trình cũng sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2018. Nói như thế không có nghĩa chúng tôi sẽ dừng lại. Vì hiện nay chúng tôi cũng đang lên kế hoạch cho việc xây dựng một số chương trình tương tự, để có thể cùng lồng ghép trong hoạt động, đồng thời có thể tiếp tục hỗ trợ cho các dự án kể cả sau khi chương trình kết thúc. Chặng hạn như gói hỗ trợ từ Chính phủ cho các cựu nghiên cứu sinh có giá trị 500 ngàn USD sẽ được triển khai trong năm nay và thời gian tới.
Bên cạnh đó, một số cựu nghiên cứu sinh của VEF hiện cũng đã sáng lập ra một tổ chức hoạt động độc lập có tên VEF 2.0 để tiếp tục theo đuổi các yếu tố của chương trình VEF là hỗ trợ, giúp đỡ các sinh viên Việt Nam trong việc tìm kiếm cơ hội theo đuổi các chương trình đào tạo sau đại học ở các trường Đại học của Hoa Kỳ.
Xin cảm ơn bà đã dành thời gian cho chúng tôi có cuộc trao đổi thú vị hôm nay. Chúc Bà và các thành viên VEF, cũng như cựu nghiên cứu sinh Việt Nam sẽ nỗ lực và có nhiều đóng góp hơn nữa cho cộng đồng, xã hội và cả cho mối quan hệ hai quốc gia như bà đã từng kỳ vọng.
Phát biểu tại Lễ Tổng kết, bà Mary Tarnowka - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM bày tỏ niềm vui mừng với những thành quả VEF đã đạt được và bà cũng cam kết sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ cho VEF và đặc biệt là các bạn học sinh nghiên cứu sinh để góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. |
Nhiều cựu nghiên cứu sinh chia sẻ: “VEF đã cung cấp những kỹ năng mềm về giảng dạy, lãnh đạo, đàm phán, tính thích ứng và cho chúng tôi sự kết nối để cùng trao đổi nhằm mang đến kết quả tốt nhất cho những kỹ năng mới trong môi trường làm việc của mình tại Việt Nam” |