📞
Phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Phú Bình – Bài 1:

Sự ổn định nhất quán trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản

14:15 | 15/10/2020
TGVN. Trước thông tin Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sắp thăm Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2008-2011 có cuộc trò chuyện với TG&VN.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Nguồn: Nikkei Asia)

Ấn tượng khó quên

Dường như ông là người khá gắn bó và có tình cảm đặc biệt với đất nước Nhật Bản. Ông có thể chia sẻ về những ấn tượng đầu tiên về đất nước này?

Tôi đến Nhật Bản lần đầu tiên từ năm 1982, trên cương vị Trưởng phòng Nhật Bản - Bộ Ngoại giao, theo lời mời của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Thời điểm đó, Việt Nam đang gặp khó khăn do hậu quả chiến tranh, lại bị bao vây, cấm vận.

Cảm giác của tôi lúc đến Nhật Bản là các công trình giao thông, nhà máy đồ sộ; những con tàu Shinkansen hình viên đạn từ trong lòng núi bất chợt chui ra, lao vun vút qua các cánh đồng; các thành phố ngăn nắp, sạch như li, như lau và rực rỡ sắc màu trong đêm; các siêu thị và cửa hàng sáng choang, đầy ắp hàng hoá, với những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng khi thấy những dòng người đi bộ hối hả trên hè phố, những dòng xe lướt trên đường không một tiếng còi...

Mặt khác, tôi cũng rất ấn tượng bởi sự chào đón cởi mở, chân tình và chu đáo của các cán bộ Bộ Ngoại giao Nhật Bản và những người đón tiếp chúng tôi tại các địa phương đến thăm.

20 năm sau, khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách khu vực Đông Bắc Á, tôi lại có dịp tiếp xúc, làm việc thường xuyên với các bạn Nhật Bản, xử lý các vấn đề liên quan đến quan hệ hai nước, đặc biệt là chuẩn bị và tháp tùng chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước.

Tiếp đó, thêm 4 năm làm Đại sứ tại Nhật Bản (từ đầu năm 2008) đã thực sự giúp tôi lý giải được phần nào những câu hỏi còn vấn vương trong đầu từ chuyến thăm Nhật đầu tiên: Vì sao từ một nước bị tàn phá nặng nề trong Thế chiến II, chỉ trong chưa đầy 4 thập kỷ, Nhật Bản đã trở nên hùng cường như vậy?

Và ông đã tìm ra câu trả lời như thế nào?

Cần cù và sáng tạo là tính cách chung của dân tộc Việt Nam và Nhật Bản, cũng như nhiều nước khác. Ở Nhật, chúng ta thì có thể thấy rõ phẩm chất ấy ở tất cả mọi người và trong bất kỳ tình huống nào.

Người Nhật đi làm việc từ sáng sớm và về nhà muộn lúc 9-10 giờ đêm, người về hưu cũng tiếp tục chọn một việc gì đó và làm cho đến khi nào không làm được nữa mới thôi!

Vị trí địa lý, khí hậu khắc nghiệt và thiên tai nghiêm trọng xảy ra đã tạo cho người Nhật luôn phải có khí phách sẵn sàng đối mặt với thử thách, tầm nhìn xa, luôn lường trước và có kế hoạch ứng phó với mọi tình huống và tác phong cẩn trọng, làm việc có nguyên tắc, ý thức pháp luật rất cao.

Trong quan hệ trong cộng đồng cũng như quan hệ quốc tế, người Nhật luôn tỏ rõ sự khiêm nhường, học hỏi và tôn trọng đối tác, trung thực và giữ chữ Tín với đối tác để có quan hệ hợp tác bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Là một nước đang phát triển, chúng ta rất may mắn trở thành đối tác của Nhật Bản, tiếp thu và học được rất nhiều từ nước bạn.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đã thay mặt Chính phủ Nhật Bản trao Huân chương Mặt trời mọc cho nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình, tháng 1/2018. (Nguồn: Dân trí)

Thế còn về sự ôn hòa và thiện chí của Nhật Bản với Việt Nam thì sao, thưa Đại sứ?

Trong quan hệ song phương, tôi đã từng rất xúc động được nghe chính Nhật Hoàng Akihito chia sẻ với lãnh đạo Việt Nam về Nhà Sư Phật Triết của Việt Nam từ thế kỷ VIII đã sang tu ở Nara, trung tâm Phật giáo và cố đô của Nhật, mang theo và phổ biến các giai điệu dân ca vùng Lâm Ấp (miền trung nước ta) và cách trồng lúa nước. Nhã nhạc cung đình Nhật Bản ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều nét giai điệu và tiết tấu của các bài dân ca Việt Nam.

Nhiều học giả Nhật cũng đã nhắc lại sự kiện quân dân Việt Nam đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba đã góp phần giúp Nhật Bản tránh được một cuộc xâm lược nữa của quân Nguyên Mông.

Tôi đã có dịp thăm Nagasaki, điểm cực Tây Nhật Bản - nơi đầu tiên có các thương gia Nhật với các thương thuyền sang Phố Hiến, Hội An buôn bán nhiều thế kỷ trước, góp phần tạo nên di tích Phố Cổ Hội An nổi tiếng ngày nay, được du khách Nhật Bản và quốc tế rất yêu thích.

Ở Nagasaki vẫn còn đậm nét dấu tích của mối quan hệ tốt đẹp đó, với ngôi mộ chung của Thương gia Araki và vợ là Công chúa Ngọc Hoa, con gái của Chúa Nguyễn Phúc Chu, cùng Lễ hội truyền thống của vùng này với tên gọi “Lễ hội đón Công chúa”.

Tôi cũng đã đến thăm thị xã Asaba, tỉnh Shizuoka, miền Trung Nhật Bản và dâng hoa lên Bia tri ân của Nhà chí sỹ Phan Bội Châu, tưởng niệm ân nhân của mình là Bác sỹ Asaba nổi tiếng, đã hết lòng giúp đỡ cả tinh thần và vật chất cho các thanh niên Việt Nam đi du học Nhật Bản trong phong trào Đông Du hơn một thế kỷ trước.

Mối quan hệ sâu sắc trong lịch sử và ý chí về độc lập tự do và chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong các cuộc đấu tranh sau đó cũng như khát vọng và chính sách của Việt Nam về hoà bình, độc lập tự chủ, mở cửa và hội nhập quốc tế luôn nhận được sự ủng hộ và thiện cảm của chính phủ và nhân dân Nhật Bản.

Mặt khác, tiềm năng của con người và đất nước Việt Nam, với vị trí địa chính trị quan trọng và khí hậu, tài nguyên thiên nhiên cũng luôn nhận được sự quan tâm của chính phủ và nhân dân Nhật Bản.

Có lẽ, đó là lý do vì sao, ngay cả khi quan hệ giữa hai nước còn có những trở ngại do tình hình quốc tế, chính phủ Nhật Bản luôn có cách tiếp cận ôn hoà nhằm phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài với Việt Nam, và mối quan hệ đó tiếp tục phát triển ổn định, vững chắc, có hiệu quả dù tình hình mỗi nước và quốc tế có nhiều biến động.

Sự ổn định nhất quán

Trong bối cảnh ông Suga Yoshihide vừa nhậm chức đúng một tháng, ông nhận xét như thế nào về chuyến thăm của ông Suga đến Việt Nam sắp tới?

Giống như nguyên Thủ tướng Abe Shinzo, tân Thủ tướng Suga chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm sau khi nhậm chức. Điều này phù hợp hoàn toàn với tuyên bố của Thủ tướng Suga, khẳng định sẽ tiếp tục chính sách kinh tế và đối ngoại của người tiền nhiệm.

Điều này cũng thể hiện rõ sự ổn định và nhất quán trong chính sách của chính phủ Nhật Bản đối với Việt Nam, dựa trên quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, vì hoà bình và phồn vinh, được khẳng định trong Tuyên bố chung giữa hai nước năm 2014.

Nhìn lại quan hệ hai nước, nhất là từ khi nối lại viện trợ cho Việt Nam năm 1992 đến nay, Chính phủ Nhật Bản luôn thể hiện sự coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam, cả về chính trị và kinh tế. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm (1995), là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (2009), là nước G7 đầu tiên công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam (2011) và là nước G7 đầu tiên mời Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ở Nhật Bản (2016).

Cũng trong thời gian đó, có rất nhiều sự biến động trong tình hình thế giới và khu vực cũng như ở Nhật Bản như: khủng hoảng tài chính châu Á (1998), khủng hoảng tài chính thế giới (2008), thay đổi Đảng cầm quyền ở Nhật (2008-2013), động đất và sóng thần ở Nhật (2011), dịch bệnh Covid-19 hiện nay...

Mặc dù vậy, quan hệ 2 nước vẫn tiếp tục ổn định và ngày càng phát triển lên tầm cao mới. Vì vậy, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga sắp tới sẽ đạt kết quả to lớn, mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cả hai nước trong tình hình mới.

(Còn tiếp)

(thực hiện)